Bộ GD&ĐT đề xuất tăng học phí đại học công lập 12,5%/năm

Bộ GD&ĐT đề xuất tăng học phí đại học 12,5%/năm từ năm học 2021 - 2022 và các năm tiếp theo (theo Dự thảo Nghị định quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân).

Căn cứ vào kịch bản tăng trưởng kinh tế của Tổng cục Thống kê thông báo giai đoạn 2021-2025 là 7,5%, cùng với tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng hằng năm khoảng 4-5%/năm và mức thu nhập bình quân đầu người tăng lên qua các năm, bộ GD&ĐT đề xuất mức tăng học phí năm học 2021-2022 là 12,5% so với năm học 2020-2021 và các năm tiếp theo.

Bộ GD&ĐT đề xuất tăng học phí đại học công lấp lên 12,5%/năm. Ảnh minh họa

Ngoài ra, theo kết quả nghiên cứu, khảo sát chi phí đào tạo của 07 trường đại học công lập trên cả nước của Nhóm chuyên gia Đại học Quốc gia Hà Nội, mức tăng học phí 12,5%/năm sẽ bảo đảm lộ trình tính đủ chi phí đào tạo vào năm 2025, cụ thể:

(i) Trần học phí đối với cơ sở giáo dục đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên hoặc tự bảo đảm chi thường xuyên nhưng chưa đạt kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học trong nước:

(ii) Học phí đối với cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và đạt kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học trong nước hoặc tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư nhưng chưa đạt kiểm định chất lượng cơ sở GDĐH trong nước: tối đa bằng 2 lần mức trần học phí tại mục (i) tương ứng với từng ngành và từng năm học.

(iii) Học phí đối với cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, đạt kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học trong nước: Tối đa bằng 2,5 lần mức trần học phí tại mục (i) tương ứng với từng ngành và từng năm học.

(iv) Học phí đối với cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và đáp ứng khoản 17 Điều 1 Luật Giáo dục đại học, đạt kiểm định chương trình đào tạo trong nước mức cao nhất theo quy định hiện hành hoặc kiểm định chất lượng quốc tế thì được tự xác định học phí của ngành đó trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật và thuyết minh trong phương án tự chủ tài chính trình cơ quan chủ quản phê duyệt.

Theo quy định tại Nghị định 86/2015/NĐ-CP, trần học phí chỉ căn cứ theo mức độ tự chủ tài chính của đơn vị. Tuy nhiên, tinh thần của luật sửa đổi, bổ sung luật Giáo dục Đại học là tăng cường tự chủ phải gắn với kiểm định chất lượng đào tạo (bao gồm kiểm định trường và kiểm định chương trình) để thúc đẩy nâng cao chất lượng đào tạo phù hợp với xu hướng quốc tế, bảo đảm quyền lợi người học. Vì vậy, ban soạn thảo đề xuất mức thu học phí xác định tương ứng với mức độ tự chủ tài chính và mức độ kiểm định chất lượng đào tạo, theo lộ trình đến năm 2025 học phí đủ bù đắp chi phí đào tạo.

Căn cứ thực trạng khảo sát về chi phí giáo dục giai đoạn 2016-2019 và mức độ kiểm định chất lượng tại 70 cơ sở giáo dục đại học công lập trên toàn quốc và nghiên cứu của nhóm chuyên gia Đại học Quốc gia Hà Nội cho thấy để hoàn thành lộ trình tính giá dịch vụ vào năm 2025 thì mức học phí của nhóm tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư tăng tối thiểu 2,5 lần mức trần học phí của các trường chưa tự chủ chi thường xuyên.

Hiện nay việc thu học phí của các trường đại học được chia thành 4 nhóm, bao gồm:

Nhóm 1 (trường chưa tự bảo đảm chi thường xuyên hoặc tự bảo đảm chi thường xuyên nhưng chưa đạt kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học trong nước): Thực hiện thu theo mức trần học phí của nghị định theo từng năm học.

Nhóm 2 (trường bảo đảm chi thường xuyên và đạt kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học trong nước hoặc tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư nhưng chưa đạt kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học trong nước): Được xác định mức thu theo hệ số điều chỉnh tối đa bằng 2 lần so với trần học phí của nhóm 1.

Nhóm 3 (trường tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, đạt kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học trong nước): Được xác định mức thu theo hệ số điều chỉnh tối đa bằng 2,5 lần so với trần học phí của nhóm 1.

Nhóm 4 (trường tự bảo đảm chi thường xuyên, đáp ứng khoản 17 Điều 11 luật sửa đổi bổ sung một số điều của Giáo dục Đại học, đạt kiểm định chương trình đào tạo trong nước mức cao nhất theo quy định hiện hành hoặc kiểm định chất lượng quốc tế): Được tự xác định học phí của chương trình đó trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật và thuyết minh trong phương án tự chủ tài chính trình cơ quan chủ quản phê duyệt.

Ngoài ra, để đảm bảo chất lượng đào tạo, tránh trường hợp thu học phí cao nhưng chất lượng nên bộ GD&ĐT đề xuất các cơ sở giáo dục phải thực hiện lộ trình đạt kiểm định tương ứng với lộ trình tăng học phí theo quy định nêu trên.