Bộ Thông tin và Truyền thông công bố 8 nội dung kiểm tra đối với hoạt động của Tiktok tại Việt Nam

Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiến hành kiểm tra toàn diện đối với nền tảng mạng xã hội TikTok, bao gồm 8 nội dung.

Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiến hành kiểm tra toàn diện đối với nền tảng mạng xã hội TikTok, bao gồm 8 nội dung.

TikTok bùng nổ tại Việt Nam trong khoảng 3 năm trở lại đây, thế nhưng Việt Nam hiện xếp thứ 6 trong số 10 quốc gia có đông người sử dụng TikTok nhất thế giới. Thời gian gần đây, trên mạng xã hội TikTok ngày càng xuất hiện nhiều nội dung xấu độc, phản cảm, các thông tin sai sự thật, mê tín dị đoan...

Khác với Facebook, TikTok gợi ý nội dung cho người xem bằng thuật toán riêng do đơn vị này phát triển. Điều này cũng có nghĩa, các nội dung xấu, thông tin sai sự thật cũng có thể xuất hiện liên tục trước mắt người xem do gợi ý của thuật toán.

Trước thực trạng trên, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiến hành kiểm tra toàn diện đối với nền tảng mạng xã hội TikTok.Việc kiểm tra dự kiến sẽ bắt đầu tiến hành từ ngày 15/5, kéo dài đến hết tháng.

tiktok viet nam se bi kiem tra nhung gi trong thoi gian toi 1

TikTok sẽ bị kiểm tra toàn diện sau khi cho thấy nhiều sai phạm tại Việt Nam. Ảnh minh họa

Theo VietnamPlus, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành kế hoạch tổ chức kiểm tra. Cụ thể, đoàn sẽ thực hiện kiểm tra tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công nghệ Tiktok Việt Nam và Văn phòng đại diện của Tiktok Việt Nam, địa điểm tại TP.HCM; gồm 8 nội dung:

1. Việc chấp hành các quy định về hoạt động cung cấp dịch vụ mạng xã hội cho người sử dụng trong nước gồm: Quy trình kiểm duyệt thông tin, xác thực người dùng, ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam, xử lý khiếu nại của người dùng. Thuật toán phân phối, đề xuất nội dung cho người dùng. Việc thu thập, quản lý, lưu trữ, sử dụng dữ liệu của người dùng; bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng.

2. Việc chấp hành các quy định về quảng cáo.

3. Việc quản lý người nổi tiếng, người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn trên Tiktok (Idol Tiktok).

4. Việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em; phòng, chống tệ nạn xã hội trên không gian mạng.

5. Đánh giá tác động của Tiktok đối với thanh, thiếu niên.

6. Việc tuân thủ các quy định liên quan đến hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại điện tử.

7. Việc thực hiện nghĩa vụ thuế.

8. Đánh giá tác động, ảnh hưởng của mạng xã hội Tiktok đến xu hướng và vai trò của truyền thông chính thống.

VnExpress thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết sẽ phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công an, Tổng Cục Thuế trong quá trình kiểm tra TikTok tại Việt Nam.

đại diện TikTok tại Việt Nam cho biết "rất trông chờ đón tiếp đoàn công tác liên ngành vì sẽ là cơ hội để TikTok lắng nghe góp ý từ Chính phủ và có thể hoạt động tốt hơn trong tương lai".

Trên thế giới, Ấn Độ, Pakistan, Afghanistan đã cấm TikTok vì lo ngại về vấn đề bảo mật, quyền riêng tư, nội dung trái đạo đức. Ngoài ra, một số quốc gia và tổ chức cũng cấm ứng dụng trên thiết bị của công chức, nhân viên chính phủ, như Mỹ, Australia, Anh, Canada, New Zealand, Pháp, Na Uy, Bỉ, Hà Lan, Estonia, Nghị viện châu Âu, Ủy ban châu Âu, Hội đồng EU vì vấn đề an toàn thông tin.

Mộc Miên (T/h)