Câu chuyện người đàn bà thép giữ lửa
Quay ngược lại thời điểm 2012-2013, đây là chuỗi ngày tháng khủng hoảng đối với cựu Chủ tịch Sacombank Đặng Văn Thành.
Năm 2012, gia đình ông Đặng Văn Thành gặp biến cố lớn khi Sacombank bị thâu tóm, 2 cha con ông phải bán toàn bộ số cổ phần và rút lui khỏi ngân hàng do chính mình sáng lập ra.
Nhưng chính trong những ngày tháng gian nan ấy, nhờ bản lĩnh và sự chia sẻ của "nữ tướng" Huỳnh Bích Ngọc đã giúp đại gia Đặng Văn Thành lấy lại được cân bằng.
Rời Sacombank, cùng với sự giúp đỡ của vợ, "ông trùm ngân hàng" một thời Đặng Văn Thành dành tâm huyết để phát triển 2 lĩnh vực mía đường và bất động sản.
Từ năm 1991, khi đại gia Đặng Văn Thành chuyển ngang sang hướng phát triển ngân hàng, thời gian này, bà Huỳnh Bích Ngọc đã chuyển sang điều hành mảng mía đường của TTC Sugar.
Nói về thành công, chưa bao giờ người ta thấy bà Huỳnh Bích Ngọc đứng dưới hào quang một mình, bà nói: "Anh Thành luôn là người tạo lập và vạch chiến lược cho TTC ở từng giai đoạn, còn tôi là người thực thi".
Tại TTC Group, bà Ngọc thường được biết đến với vai trò điều hành, thực thi những chiến lược mà ông Đặng Văn Thành xây dựng, là hậu phương vững chắc của gia đình. Dưới sự nuôi dưỡng của "bà trùm" mía đường, Đặng Huỳnh Ức My và Đặng Hùng Anh đều thành đạt.
Sau gần 10 năm trong ngành mía đường, bà Đặng Huỳnh Ức My đã đưa thương hiệu TTC Sugar chinh phục hơn 50% thị phần ngành đường tại Việt Nam, đưa sản phẩm vươn ra 21 quốc gia và vùng lãnh thổ như Mỹ, Anh, Singapore... vốn là những nơi đòi hỏi khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng.
Đặng Hùng Anh là cái tên nổi tiếng trong giới đầu tư, thường xuyên nằm ở vị trí cao trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Con trai của "nữ tướng mía đường" hiện là phó Chủ tịch tập đoàn TTC, Chủ tịch công ty TNHH MTV Đầu tư DHA. Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam khóa VI.
Những con số biết nói
Có lẽ không cần phải giới thiệu nhiều về Thành Thành Công (TTC Group) – tập đoàn đa ngành nổi danh của gia đình ông Đặng Văn Thành và bà Huỳnh Bích Ngọc.
Ra đời vào năm 1979, thời gian đầu, quy mô của công ty ông Đặng Văn Thành khá nhỏ, chủ yếu là sản xuất, kinh doanh cồn, CO2 và mật rỉ đường (dùng trong sản xuất bột ngọt, cồn, men thực phẩm, chế biến thức ăn gia súc).
Nhằm mở rộng hoạt động kinh doanh, công ty TNHH SX-TM Thành Thành Công được thành lập trên cơ sở phát triển của Cơ sở Cồn Thành Công.
Cho đến nay, Thành Thành Công là một trong những tập đoàn tư nhân hàng đầu của Việt Nam với 1 công ty hạt nhân, 4 tổng công ty ngành đã niêm yết trên sàn chứng khoán, 1 ủy ban ngành với hơn 120 đơn vị trực thuộc, tổng cộng hơn 10.000 nhân viên.
Cụ thể, TTC Group sở hữu một số công ty mía đường lớn như Thành Thành Công Tây Ninh (tên cũ là Bourbon Tây Ninh), đường Ninh Hòa, Thương mại Thành Thành Công (kinh doanh đường).
Bất động sản, TTC sở hữu 11% vốn tại CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín – Sacomreal (sau này đổi tên là TTC Land).
Năm 2014, TTC mua lại CTCP Golf Việt Nam và đổi tên thành CTCP Du lịch Thành Thành Công.
Mảng năng lượng, ngoài thủy điện, nhiệt điện, TTC đầu tư mạnh mẽ vào điện mặt trời. Thành Thành Công hiện có 5 công ty thành viên bao gồm: Điện Gia Lai, TTC Energy, TTC Solar Farm, TTC Wind Farm và TTC Hydropower Plant.
Năm 2019, bà Huỳnh Bích Ngọc chính thức "ngồi ghế" HĐQT Thành Thành Công - Biên Hòa (MCK: SBT) nhiệm kỳ 5 năm, trở thành cổ đông lớn nhất hiện sở hữu hơn 30% vốn tại SBT, đồng thời là Chủ tịch công ty con mang tên Thành Thành Công – Biên Hòa.
Trong khối tài sản 2,934 tỷ đồng mà gia đình ông Đặng Văn Thành đang sở hữu thì bà Huỳnh Bích Ngọc nắm giữ 980 tỷ đồng.
Bức tranh kinh doanh của TTC trong thời gian qua có nhiều tín hiệu tích cực. Hiện vốn điều lệ của tập đoàn là 18.800 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 23.262 tỷ đồng, tổng tài sản đạt 65.441 tỷ đồng.
Min (Tổng hợp) - Người Đưa Tin Pháp Luật