Cả nước giảm được 3.437 cơ quan cấp xã và 429 cơ quan cấp huyện

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, khẳng định, việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2019 - 2021 đã thành công tốt đẹp, hoàn thành các mục tiêu đề ra.

Những con số mang tính lịch sử

Tại phiên họp thứ 15 sáng 12/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021”.

Thay mặt Đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, Phó Trưởng Đoàn thường trực Đoàn giám sát trình bày Báo cáo tóm tắt kết quả giám sát “Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021”.

Ông Hoàng Thanh Tùng, Phó Trưởng Đoàn thường trực Đoàn giám sát cho biết, qua giám sát, Đoàn giám sát xác định việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính  cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021 đạt được nhiều kết quả nổi bật:

Chính phủ, chính quyền địa phương đã khẩn trương, nghiêm túc triển khai việc rà soát tiêu chuẩn của đơn vị hành chính để xây dựng phương án, đề án sắp xếp đơn vị hành chính trình UBTVQH ban hành tổng cộng 48 nghị quyết về việc sắp xếp 21 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.056 đơn vị hành chính cấp xã tại 45 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, qua đó cả nước đã giảm được 08 đơn vị hành chính cấp huyện và 561 đơn vị hành chính cấp xã.

Cả nước đã giảm được 3.437 cơ quan ở cấp xã và 429 cơ quan ở cấp huyện. Trong đó, khối hành chính giảm 752 cơ quan; khối đoàn thể giảm 2.856 cơ quan; khối cơ quan thuộc hệ thống ngành dọc của Trung ương đóng tại địa phương giảm 73 cơ quan; khối đơn vị sự nghiệp giảm 185 đơn vị.

Tổng số cán bộ, công chức cấp huyện của 21 đơn vị hành chính cấp huyện thực hiện sắp xếp có mặt tại thời điểm sắp xếp là 2.411 người; số được bố trí theo đúng quy định là 1.705 người; số dôi dư là 706 người. Tổng số cán bộ, công chức cấp xã của 1.056 đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp có mặt tại thời điểm sắp xếp là 20.417 người; số được bố trí theo đúng quy định là 10.712 người; số dôi dư là 9.705 người.

Tiêu điểm - Cả nước giảm được 3.437 cơ quan cấp xã và 429 cơ quan cấp huyệnViệc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính  cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021 đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Việc sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính nông thôn vào đô thị không chỉ nhằm tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giảm biên chế mà còn là cơ hội để mở rộng không gian phát triển đô thị, phát triển kinh tế đô thị, tạo cơ hội cho các đô thị có động lực phát triển.

Sau khi sắp xếp, diện tích toàn đô thị và quy mô dân số đô thị tăng lên so với trước. Việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy hoạch đô thị, Chương trình phát triển đô thị sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính đã được thực hiện theo quy định.

Đến thời điểm Đoàn công tác đến khảo sát tại một số địa phương (tháng 3/2022), cơ sở vật chất, trụ sở làm việc của các cơ quan, đơn vị đã cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu làm việc. Một số địa phương đã thực hiện việc chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng trụ sở của các cơ quan cấp huyện rất hiệu quả.

Ông Hoàng Thanh Tùng cho biết, đến tháng 8/2022, có 43/45 tỉnh, thành phố đã tổ chức triển khai công tác lập mới, chỉnh lý bổ sung hồ sơ, bản đồ địa giới đơn vị hành chính các cấp có liên quan theo quy định, còn 2/45 tỉnh chưa triển khai thực hiện (gồm Kiên Giang và Vĩnh Long).

Cùng với đó, việc chuyển đổi con dấu, giấy tờ cho người dân, tổ chức được thực hiện kịp thời, đúng quy định, bảo đảm thuận lợi cho người dân, tổ chức và không thu phí; thực hiện khi người dân có nhu cầu hoặc kết hợp thực hiện cùng các chương trình, chính sách khác...

Cuối cùng việc rà soát, đánh giá, xác định các chính sách đặc thù đối với các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã mới hình thành sau sắp xếp đã được các địa phương thực hiện trên cơ sở quy định tại Nghị quyết số 32/NQ-CP của Chính phủ (được áp dụng chính sách đặc thù cao nhất của một trong các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trước khi sắp xếp).

Một số địa phương đã rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt danh sách các xã đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xã An toàn khu để làm căn cứ thực hiện các chính sách đặc thù tại các đơn vị hành chính sau sắp xếp trên địa bàn cấp tỉnh hoặc tiến hành công nhận xã nông thôn mới theo thẩm quyền.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, Phó Trưởng Đoàn thường trực Đoàn giám sát khẳng định, việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2019 - 2021 đã thành công tốt đẹp, bảo đảm hoàn thành các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra tại Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị.

"Lần đầu tiên trong lịch sử từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đến nay nước ta mới có cuộc tổng rà soát, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện trên quy mô toàn quốc như giai đoạn 2019 - 2021 vừa qua.

Kết quả sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã không chỉ góp phần tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách như chủ trương của Đảng đã đề ra mà hơn thế nữa, còn mở rộng không gian phát triển, tập trung được nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có của các địa phương để phát triển bền vững", ông Hoàng Thanh Tùng nêu. 

Còn một số khó khăn, vướng mắc

Bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật chỉ ra việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 cũng còn có một số khó khăn, vướng mắc.

Tiêu điểm - Cả nước giảm được 3.437 cơ quan cấp xã và 429 cơ quan cấp huyện (Hình 2).Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nêu một số khó khăn, vướng mắc trong sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện.

Công tác bố trí, sắp xếp, giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính còn lúng túng, số lượng người dôi dư cần tiếp tục giải quyết còn nhiều.

Vẫn còn nhiều trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức ở các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp chưa được bố trí, sử dụng hiệu quả; việc tổ chức thanh lý, bán đấu giá các trụ sở, tài sản công dôi dư sau sắp xếp còn chậm và gặp nhiều khó khăn.

Công tác hướng dẫn việc thực hiện chế độ, chính sách đặc thù đối với các đơn vị hành chính mới được thành lập chưa kịp thời, đồng bộ, chưa có sự kết nối đầy đủ với các chính sách, pháp luật khác có liên quan.

Chất lượng đô thị, mật độ dân số đô thị ở một số đơn vị hành chính đô thị được hình thành trên cơ sở sáp nhập với đơn vị hành chính nông thôn chưa được bảo đảm; sau khi sắp xếp, nhu cầu đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng đô thị rất lớn trong khi nguồn ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, việc xã hội hóa, huy động các nguồn lực trong xã hội còn hạn chế.

Trong giai đoạn đầu sau khi thực hiện sắp xếp, đời sống sinh hoạt của Nhân dân ở một số địa phương cũng chịu tác động, ảnh hưởng nhất định do phải điều chỉnh thông tin, thay đổi địa chỉ,...

Trên cơ sở đánh giá những kết quả tích cực, những bất cập, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, Báo cáo kết quả giám sát đã chỉ ra nguyên nhân chủ quan, khách quan của những hạn chế, bất cập, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và rút ra 6 bài học kinh nghiệm phục vụ cho việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2022 - 2030.