4 nhóm vấn đề lớn trong dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) xin ý kiến ĐBQH

Thanh tra huyện; thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ… là hai trong số 4 nhóm vấn đề lớn trong dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) xin ý kiến ĐBQH chuyên trách.

Theo chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, sáng 7/9, các đại biểu đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi).

Ông Hoàng Thanh Tùng cho biết, tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022), Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi); đã có 162 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu thảo luận tại Tổ và Hội trường. Đa số ý kiến tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Thanh tra (sửa đổi) và cơ bản nhất trí với nhiều nội dung chủ yếu của dự thảo Luật.

Ngay sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Pháp luật chủ trì, phối hợp với Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tổng hợp, nghiên cứu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

Tiêu điểm - 4 nhóm vấn đề lớn trong dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) xin ý kiến ĐBQHChủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu một số vấn đề lớn trong dự thảo Luật cần xin ý kiến ĐBQH chuyên trách. 

So với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3, dự thảo Luật trình xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội tại Hội nghị này đã được chỉnh lý 87/117 điều (80 điều được chỉnh lý về nội dung, 7 điều chỉnh lý về kỹ thuật văn bản); về bố cục, tăng thêm 01 điều và sắp xếp, bố cục lại các điều, Mục trong các Chương của dự thảo Luật cho hợp lý.

Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý đã đạt được sự đồng thuận giữa cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo; cơ bản đáp ứng mục đích, quan điểm sửa đổi được đề ra trong Tờ trình của Chính phủ, bảo đảm phù hợp với các định hướng sửa đổi Luật Thanh tra đã được xác định tại Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Đó là, tập trung nghiên cứu, hoàn thiện mô hình tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thanh tra các Bộ, ngành phù hợp với ngành, lĩnh vực, phân biệt giữa thanh tra và kiểm tra thường xuyên của cơ quan quản lý.

Một số vấn đề lớn của dự thảo Luật cần tiếp tục xin ý đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đó là: quy định về thanh tra huyện; việc thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ; Thanh tra sở; về xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra và giữa hoạt động thanh tra với kiểm tra, kiểm toán.

Về thanh tra huyện, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với dự thảo Luật tiếp tục giữ Thanh tra huyện như hiện hành. Một số ý kiến đề nghị không tổ chức Thanh tra huyện hoặc không thành lập Thanh tra huyện tại một số đơn vị hành chính cấp huyện có quy mô nhỏ, dân số ít, không có nhiều yêu cầu về thanh tra.

Ông Hoàng Thanh Tùng lý giải, thanh tra huyện không chỉ thực hiện nhiệm vụ về thanh tra mà còn là đầu mối tổ chức triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng khác được giao trong các luật, như Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Phòng, chống tham nhũng.Những bất cập trong tổ chức và hoạt động của Thanh tra huyện thời gian qua không phải do thiết chế này không còn phù hợp mà là do chưa được bố trí đủ nguồn lực để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.

Việc không duy trì Thanh tra huyện tuy giảm được số lượng lớn cơ quan, nhưng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước trên các địa bàn cấp huyện, nhất là đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển.

Do đó, đề nghị tiếp thu ý kiến của đa số các vị đại biểu Quốc hội giữ Thanh tra huyện trong hệ thống tổ chức cơ quan thanh tra theo cấp hành chính như hiện hành.

Đối với việc thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ, nhiều ý kiến ĐBQH tán thành với quy định của dự thảo Luật về thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ, nhưng đề nghị quy định rõ trong Luật tiêu chí, nguyên tắc thành lập. Một số ý kiến đề nghị không thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ, vì việc thành lập tổ chức mới sẽ phát sinh thêm biên chế, không phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, việc dự thảo Luật quy định thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ là nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn về tổ chức cơ quan thanh tra chuyên ngành tại một số Tổng cục, Cục thuộc Bộ; tạo cơ sở pháp lý minh bạch cho hoạt động thanh tra chuyên ngành tại các cơ quan này. Việc thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ về thực chất không làm phát sinh tổ chức, biên chế mới do hiện tại ở các cơ quan này đã có bộ máy và biên chế làm nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, bảo đảm phù hợp với yêu cầu của Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Ngoài ra, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về tiêu chí, nguyên tắc thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ theo 3 trường hợp cụ thể để kiểm soát chặt chẽ việc thành lập cơ quan thanh tra tại Tổng cục, Cục thuộc Bộ. Do đó, đề nghị cho giữ quy định về việc thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ trong dự thảo Luật như Chính phủ đã trình và ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội.

Đối với Thanh tra sở, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với dự thảo Luật quy định giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc thành lập Thanh tra sở. Một số ý kiến đề nghị không phân quyền vấn đề này cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Một số ý kiến đề nghị giao Chính phủ quy định cụ thể một số sở có phạm vi quản lý rộng và yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp được thành lập Thanh tra sở để thực hiện thống nhất trên toàn quốc, còn lại giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập.

Về nội dung, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Cơ quan soạn thảo đề nghị tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng “Thanh tra sở được thành lập tại một số sở có phạm vi quản lý rộng và yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp theo quy định của Chính phủ hoặc của luật. Việc thành lập thanh tra tại các sở khác do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định căn cứ vào yêu cầu quản lý và biên chế được giao tại địa phương”.

Quy định như vậy vừa bảo đảm được yêu cầu về quản lý nhà nước, sự thống nhất tương đối về tổ chức bộ máy Thanh tra sở trong phạm vi cả nước vừa đáp ứng được đặc thù yêu cầu quản lý của từng địa phương vừa thực hiện được mục tiêu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tinh gọn bộ máy. Mặt khác, quy định như vậy sẽ tạo điều kiện để Chính phủ, chính quyền địa phương chủ động trong việc quyết định tổ chức bộ máy của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Về xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra và giữa hoạt động thanh tra với kiểm tra, kiểm toán. Một số ý kiến ĐBQH cơ bản tán thành các quy định của dự thảo Luật về nguyên tắc xử lý chồng chéo, trùng lặp trong quá trình thanh tra; đồng thời, đề nghị rà soát, quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của các cơ quan, nhất là cơ quan thanh tra và cơ quan kiểm toán để tránh sự chồng chéo, trùng lặp.

Tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Cơ quan soạn thảo đã rà soát dự thảo Luật để chỉnh lý, bổ sung các quy định nhằm bảo đảm thống nhất với quy định của Luật Kiểm toán nhà nước. Theo đó chỉnh lý các quy định của dự thảo Luật về: xây dựng, ban hành định hướng chương trình thanh tra, kế hoạch thanh tra hằng năm; việc thu thập thông tin, tài liệu trong chuẩn bị thanh tra; nguyên tắc xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra; công tác phối hợp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán nhà nước, điều tra; bổ sung quy định về việc sử dụng kết luận thanh tra, kết luận kiểm toán và trách nhiệm của các cơ quan trong việc sử dụng các kết luận này.