Điều day dứt nhất!
PV: Dịch bệnh Covid-19 đã cắt ngang nhịp sống thường nhật, tất cả ngành nghề đều ảnh hưởng và đảo lộn, trong đó có ngành giáo dục. Hàng triệu trẻ em đã không được đến trường học trực tiếp. Là Đại biểu Quốc hội thường trực của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, cảm xúc của bà thế nào về một năm học đầy thách thức và vẫn còn nhiều khó khăn phía trước?
ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa: Trước hết, tôi xin chia sẻ với ngành giáo dục vì những khó khăn, thách thức kéo dài suốt gần hai năm qua, nhất là trong làn sóng thứ tư của đại dịch Covid-19.
Nếu nói về tác động, ngành giáo dục chịu tác động trực diện nhất, rộng diện nhất, khi 20 triệu học sinh, sinh viên, trẻ em mầm non và hơn 1 triệu giáo viên, giảng viên trong cả nước không được tới trường trong một thời gian dài; kế hoạch năm học liên tục phải điều chỉnh; nhiều địa phương phải chọn hình thức dạy học trực tuyến trong điều kiện chưa có sự chuẩn bị kỹ về hạ tầng cơ sở vật chất, trang thiết bị, kỹ năng dạy học trực tuyến cho thầy và trò.
Ngay cả thời điểm này đây, việc mở cửa trường đón học sinh quay trở lại tiếp tục học tập đang gặp vô vàn khó khăn và mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ năm học, bảo đảm chất lượng giáo dục cũng hoàn toàn không đơn giản.
Chính vì vậy, tôi rất trân trọng sự cố gắng lớn và quyết tâm rất cao của các thầy, cô giáo để thực hiện phương châm “tạm dừng đến trường nhưng không dừng học”.
Nhưng, có một điều tôi day dứt nhất là các trường học rồi sẽ mở, học sinh rồi sẽ đến trường nhưng những vấn đề mà đại dịch Covid-19 để lại thì chắc chắn mất một thời gian rất dài để khắc phục bởi số trẻ mồ côi, trẻ lâu ngày không được đến trường thì tâm lý sẽ rất khó để cân bằng trở lại. Hơn 1.500 trẻ mồ côi tính đến thời điểm này là một con số khiến bất cứ ai cũng cảm thấy đau lòng.
PV: Thưa bà, ngành giáo dục cùng hệ thống chính trị cần có những quyết sách gì để “lưu thông” an toàn việc dạy và học trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay?
ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa: Tôi cho rằng, thời gian qua, bộ GD&ĐT và các địa phương đã khá chủ động trong xây dựng các kế hoạch, các kịch bản để chuyển trạng thái hoạt động thích ứng với tình hình dịch Covid-19 kéo dài, hạn chế tối đa tác động tiêu cực của dịch bệnh, thực hiện tốt nhất trong điều kiện có thể các nhiệm vụ năm học.
Đặc biệt, việc phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em” đã huy động được một nguồn lực khá lớn trong xã hội để hỗ trợ cho các em học sinh nghèo có phương tiện để học tập. Đây là minh chứng rõ nhất của tinh thần tương thân tương ái và mục tiêu công bằng trong tiếp cận giáo dục của chúng ta.
Chúng ta vẫn đang phải tiếp tục cuộc chiến với đại dịch Covid–19 cùng những diễn biến khó lường và không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc mà ngành giáo dục, các địa phương đang làm là xây dựng những kịch bản linh hoạt để ứng phó Covid-19 trong mọi tình huống, chủ động hồi phục hoạt động dạy học trong tình hình mới.
Nếu có bổ sung gì thêm liên quan tới cái gọi là “quyết sách” thì tôi cho rằng ngành giáo dục cần có một kế hoạch tổng thể, dài hơi để bảo đảm tính chủ động trong mọi tình huống. Bên cạnh đó, cần quan tâm nhiều hơn đến yếu tố con người – chính là đội ngũ nhà giáo. Chú trọng khâu đào tạo, tập huấn bài bản để thầy, cô giáo có thêm kiến thức, kỹ năng giảng dạy và quản lý lớp học trực tuyến. Chú trọng thêm vấn đề quan tâm đời sống vật chất, tinh thần cho nhà giáo để các thầy cô giữ được tình yêu nghề và yên tâm bám trụ với nghề.
Đặc biệt, trong kế hoạch phục hồi nền kinh tế, cần dành gói hỗ trợ riêng cho phục hồi hoạt động giáo dục, nhất là đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập, các cơ sở giáo dục mầm non ở các khu công nghiệp.
Tiêm đủ vắc-xin là quan trọng nhất
PV: Đại dịch kéo đến, trẻ em thất học, thầy cô giáo – đặc biệt là giáo viên mầm non – thất nghiệp. Bản thân bà đã từng nhiều lần lên tiếng và có kiến nghị tới Chính phủ với tư cách ĐBQH về giải pháp cho vấn đề này. Vậy trên thực tế giám sát, bà thấy sự chuyển mình này đến đâu rồi? Có đạt như mong muốn của cá nhân bà?
ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa: Theo kết quả rà soát mới đây nhất của bộ GD&ĐT, khoảng 111.423 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên phải tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương do cơ sở giáo dục tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19. Bên cạnh đó, 2.310 trường mầm non, tiểu học ngoài công lập và 11.210 cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập thuộc đối tượng cần hỗ trợ tín dụng.
Kết quả khảo sát cho thấy, 95,2% cơ sở giáo dục mầm non tư thục không có doanh thu trong nhiều tháng (đa phần là 6 tháng trở lên), 81,6% cơ sở không trả được lương cho giáo viên. Đây thực sự là những con số đáng phải suy ngẫm.
Nhiều giáo viên phải nghỉ việc, một bộ phận chuyển sang nghề khác – nếu có thu nhập cao hơn, ổn định hơn, đỡ áp lực hơn, thì chắc chắn việc kéo các cô quay trở lại nghề giáo là điều khó khăn. Đây sẽ là thách thức lớn đối với ngành giáo dục khi mở cửa trường học trở lại, bởi trên thực tế, tình trạng thiếu giáo viên mầm non đã từng diễn ra nhiều nơi từ trước đại dịch Covid-19.
Vì vậy, tôi nghĩ cần có chính sách thiết thực dành cho nhà giáo, càng sớm càng tốt. Rất đáng tiếc là đến hiện tại, chính sách đặc thù dành cho giáo viên, cơ sở mầm non tư thục vẫn đang dừng lại ở đề xuất của cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục.
PV: Theo bà, mấu chốt của “thích ứng an toàn với dịch Covid-19” đối với thầy và trò hiện nay là gì?
ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa: Tôi cho rằng để “thích ứng an toàn với dịch Covid-19”, mấu chốt nhất vẫn là tiêm đủ mũi vắc-xin cho giáo viên và học sinh độ tuổi từ 12-17; đồng thời tăng cường tuyên truyền để mọi người nhận thức đầy đủ về Covid-19 và đồng thuận trong việc xây dựng trường học “thích ứng an toàn với dịch Covid-19” trong mọi tình huống.
Và hơn cả, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời xử lý nghiêm các vi phạm trong công tác phòng chống dịch.
PV: Trân trọng cảm ơn bà!