Tước đoạt mạng sống vì mâu thuẫn gia đình: Liệu có đáng?

Thời gian qua, có những vụ việc đau lòng xảy ra xuất phát từ những mâu thuẫn gia đình, gây hậu quả đáng tiếc. Chuyên gia tâm lý đã đề cập một số điểm mấu chốt để giải quyết mâu thuẫn, không nghĩ đến “bạo lực”, bởi sử dụng bạo lực chỉ làm cho mọi thứ tồi tệ hơn.

Dịch Covid-19 dễ sinh ra tác động tâm lý mạnh

Mới đây, một vụ án mạng nghiêm trọng khiến hai người tử vong xảy ra tại xã Sơn Nam (huyện Sơn Dương, Tuyên Quang). Cụ thể, do mâu thuẫn tình cảm, vợ chồng anh T.V.L. và chị T.T.V. đã sống ly thân, hai người đã có ba con. Chị V. thuê trọ, đưa nhân tình là anh T.X.Ph. về. Tối ngày 20/3, T.V.L. cầm dao xông đến khu nhà trọ sát hại vợ và nhân tình. Sau khi gây án, L. ra đầu thú.

dam-16478303383751686886657-1647918842.png

Hiện trường vụ án mạng chồng đâm chết người vợ ly thân và nhân tình (Ảnh: Facebook).

Trước vụ việc đau lòng, chuyên gia tư vấn tâm lý Mai Việt Đức (trung tâm tư vấn, trị liệu tâm lý 247) bày tỏ: “Đối với hoàn cảnh đau lòng trên, tôi rất xót xa cho những người liên quan. Chồng đi tù, các con mất mẹ vắng bố, người nhà đau thương mất đi người thân…nỗi đau này không dễ gì nguôi ngoai với người trong cuộc.

Từ góc nhìn về tâm lý, có thể thấy hành động của người chồng là “hành động quá khích”, có thể do ức chế tâm lý khi vợ chồng chưa chính thức ly hôn nhưng người vợ đã có quan hệ tình cảm với người đàn ông khác, hoặc trong thời gian ly thân hai vợ chồng có thêm những mâu thuẫn mới đôi bên lời qua tiếng lại khiến mối quan hệ ngày càng căng thẳng, đến thời điểm một trong hai bên không giữ được sự tỉnh táo sẽ phát nổ như quả bom gây hậu quả đau thương.

Nhưng lý do là gì đi nữa, hành động tước đoạt mạng sống của người khác có chủ đích là hành động không thể chấp nhận được”.

Trao đổi về vấn đề này, chuyên gia tâm lý xã hội Lê Thị Túy (nguyên Tổng biên tập báo Phụ nữ Thủ đô) cũng nêu quan điểm: “Không riêng câu chuyện trên, gần đây, cũng xảy ra những trường hợp lựa chọn giải quyết mâu thuẫn gia đình một cách tiêu cực.

Và theo tôi, nguyên nhân chính nằm ở hai vấn đề. Trước hết, là do cái gốc gia đình, sự giáo dục trong mỗi gia đình, bởi sống thì dễ nhưng sống trong một gia đình có giáo dục, có trách nhiệm lại không hề đơn giản.

trao-nham-con-benh-vien-da-khoa-ba-vi-1-1647918842.jpg
Theo chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy, dịch Covid-19 cũng là một trong những nguyên nhân gây ra những vụ việc đau lòng tương tự. (Ảnh: NVCC).

Thứ hai, theo nghiên cứu riêng về tâm lý của tôi, trong bối cảnh dịch Covid-19 như hiện nay, khiến cuộc sống đầy lo lắng, bí bách, mệt mỏi, chán nản... áp lực tăng lên, gây ra tác động tâm lý mạnh làm người ta dễ bị quẫn trí, suy nghĩ tiêu cực tăng lên. Chính vì vậy, giải quyết mâu thuẫn gia đình trong trạng thái bình thường đã khó, trong bối cảnh dịch bệnh lại càng phức tạp hơn”.

Sử dụng bạo lực chỉ làm cho mọi thứ tồi tệ hơn

Trong cuộc sống, cũng có không ít gia đình vấp phải những mâu thuẫn tương tự, tuy nhiên, không phải tình huống nào cũng có chung một cách lựa chọn giải quyết mâu thuẫn, và tất nhiên, cái kết cũng sẽ khác nhau.

Chuyên gia tâm lý Mai Việt Đức cũng cho biết: “Trong thời gian tư vấn tâm lý hơn 6 năm với hàng trăm hoàn cảnh khác nhau trong quan hệ vợ chồng, cũng không ít câu chuyện khiến tôi phải xót xa cho những người trong cuộc. Chồng bạo hành vợ con, vợ/chồng mắc bệnh ghen thái quá, “ông ăn chả bà ăn nem”… cũng có vài trường hợp tới tư vấn đã ở gần mức độ mất kiểm soát như trường hợp đau lòng này.

Nhưng may mắn hơn sau khi được chia sẻ và nhận lời khuyên của chuyên gia, các thành viên trong gia đình đều đã giữ được bình tĩnh và có lựa chọn tích cực hơn”.

Cũng theo vị chuyên gia tại trung tâm tư vấn, trị liệu tâm lý 247, để hạn chế những chuyện tương tự xảy ra, bản thân mỗi người hãy nghĩ tới 5 điều sau: “Khi xảy ra mâu thuẫn, vợ chồng nên bình tĩnh trao đổi với nhau. Nếu khó khăn trong việc chia sẻ trực tiếp có thể sử dụng viết hoặc ghi âm để chia sẻ cảm xúc của mình cho đối phương.

Khi mâu thuẫn quá căng thẳng hãy dừng mọi hành động giao tiếp với đối phương. Dành thời gian nghỉ ngơi, làm việc riêng, đi ra ngoài gặp bạn bè, tham gia hoạt động thể thao cường độ mạnh để giải tỏa cảm xúc trước mắt.

z3279435995314-41395d49630995e1cd3731317d4d4774-1647918842.jpg
Chuyên gia tâm lý Mai Việt Đức gợi ý những cácch giải quyết mâu thuẫn không sử dụng bạo lực. (Ảnh: NVCC).

Nên chia sẻ vấn đề đang gặp với người tin tưởng nhất hoặc người có khả năng lắng nghe, hiểu chuyện để giảm căng thẳng và tìm lời khuyên hữu ích cho bản thân.

Không nên nghĩ tới “bạo lực”, sử dụng bạo lực chỉ làm cho mọi thứ tồi tệ hơn.

Vợ chồng không phải là tất cả, cuộc sống còn nhiều người, nhiều giá trị để trân trọng”.

Đồng quan điểm đó, chuyên gia Lê Thị Túy nhấn mạnh: “Trong mỗi cuộc hôn nhân, cần xác định rõ trách nhiệm. Mỗi gia đình cần hiểu được, gia đình là hạt nhân của xã hội, phải xác định được trách nhiệm với nhau, trách nhiệm với con cái, trách nhiệm với xã hội.

Từ đó, tự nhận thức được trước mỗi vấn đề mâu thuẫn, việc chém giết hay tổn hại nhau chẳng có lợi gì, như trong vụ việc trên, người thì mất mạng, người thì đi tù nhẹ cũng chung thân, không thì cũng tử hình, vậy con cái sẽ ra sao? Chưa kể, những hành vi như vậy sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý của các con, đứa trẻ có bố hoặc mẹ trong tình trạng như thế, biết sống thế nào? Rồi còn cả gia đình bố mẹ, họ hàng hai bên, sau khi sự việc xảy ra, những người ở lại cũng đâu tránh được những nỗi đau mất mát.

Vậy nên, đứng trước mỗi vấn đề, cần bình tĩnh, suy xét, thận trọng từng chút một, phân tích thiệt hơn, tìm giải pháp hài hòa, chớ làm điều dại dột đặc biệt vi phạm pháp luật, không để hậu quả kéo dài thê thảm. Trong gia đình, mỗi thành viên phải có trách nhiệm với bản thân và có trách nhiệm với nhau, quan tâm và bảo vệ lẫn nhau, “có người lú thì cũng phải có người sáng”, để kịp thời định hướng, khuyên nhủ khi gặp sự cố, biến cố nào đó…”.