Theo Straits Times, nhiệt độ bề mặt đại dương đạt mức kỷ lục vào tháng 4/2023 và duy trì ở mức sát kỷ lục khiến một số nhà khoa học cảm thấy lo lắng. Họ lo ngại nhiệt độ thậm chí còn cao hơn vào cuối năm 2023 trong quá trình chuyển sang hiện tượng El Nino đã được dự đoán ở Thái Bình Dương.
Nhiệt độ trung bình bề mặt đại dương toàn cầu, được đo giữa vĩ độ 60 độ Nam và vĩ độ 60 độ Bắc, đạt mức kỷ lục 21,1 độ C vào đầu tháng 4/2023, vượt kỷ lục 21 độ C hồi năm 2016 vốn là năm có hiện tượng El Nino.
Các đại dương ấm hơn dấy lên mối lo ngại về những cơn bão cực đoan hơn, tăng tốc độ tan chảy của các chỏm băng, các đợt nắng nóng trên biển nghiêm trọng hơn, gây ra hiện tượng tẩy trắng san hô hàng loạt.
“Những vùng rộng lớn của đại dương trên thế giới đang ấm. Ấm lạ thường. Nền nhiệt năm nay có khả năng phá kỷ lục”, Giáo sư hải dương học Moninya Roughan tại Đại học New South Wales (Australia) bày tỏ quan điểm.
Bị đè nén bởi tác động làm mát của hiện tượng thời tiết La Nina trong 3 năm, nhiệt độ đại dương ấm trở lại nhanh chóng là lời nhắc nhở về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đang làm nóng các đại dương với tốc độ đáng lo ngại.
Theo Giáo sư Moninya, khi hiện tượng La Nina xảy ra, nước mát hơn từ sâu trong đại dương dâng lên bề mặt, hoạt động giống như một chiếc điều hòa bằng cách làm mát mọi thứ. Trong khi đó, hiện tượng El Nino giống như hành động tắt điều hòa đi.
Nữ giáo sư giải thích: “Bật điều hòa giúp ngăn bớt sức nóng bên ngoài, với đại dương cũng tương tự. La Nina mang đến 3 năm thời tiết mát mẻ hơn trong khi hiện tượng nóng lên toàn cầu tiếp tục với tốc độ nhanh. Hiện giờ có khả năng chúng ta sẽ chứng kiến sức nóng bùng nổ trở lại”.
Chính tốc độ gia tăng nhiệt độ trong những tuần gần đây đã khiến các nhà khoa học vừa bất ngờ vừa lo ngại. Cuối tháng 4/2023, Giáo sư Mike Meredith tại Viện nghiên cứu Nam Đại Dương Anh chia sẻ với The Guardian: “Điều này khiến các nhà khoa học phải vò đầu bứt tai. Việc nhiệt độ tăng lên nhiều như thời gian trước là một điều thực sự bất ngờ và rất đáng lo ngại. Đó có thể là đợt nóng cao trong thời gian ngắn hoặc là khởi đầu của điều gì đó nghiêm trọng hơn”.
Trong khi đó, Tiến sĩ Agus Santoso ở Trung tâm Nghiên cứu Biến đổi khí hậu thuộc Đại học New South Wales nói với Straits Times: “Nhiệt độ bề mặt đại dương toàn cầu hàng ngày từ tháng 4/2023 ở mức rất cao. Đây có thể là hệ quả của nóng lên toàn cầu hoặc tình trạng nóng lên gay gắt ở một số nơi nhất định, hoặc cả hai”.
Theo dữ liệu của Cơ quan Đại dương và Khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA), nhiệt độ trung bình bề mặt đại dương toàn cầu hôm 2/5 đã giảm một chút xuống 20,9 độ C nhưng vẫn cao hơn mức cùng kỳ của tất cả các năm trong thập kỷ qua.
Mặc dù 0,1 độ C hoặc 0,2 độ C nghe có vẻ không lớn nhưng cần nhiều năng lượng để làm nóng nước hơn không khí. Các đại dương bao phủ khoảng 70% bề mặt hành tinh và một lượng nhiệt khổng lồ đã được hấp thụ. Nếu không có các đại dương, Trái Đất sẽ nóng hơn rất nhiều do đại dương đã hấp thụ hơn 90% lượng nhiệt dư thừa đến từ hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Lượng nhiệt đó đang tăng lên, gây ra các đợt nắng nóng nghiêm trọng hơn trên biển, dấy lên mối lo ngại đối với các sinh vật biển, cũng như những tác động đến thời tiết và chỏm băng. Một nghiên cứu được công bố vào tháng 1/2023 cho thấy, năm 2022 là năm nóng nhất được ghi nhận ở các đại dương trên thế giới.
Mối quan tâm chính của các nhà khoa học hiện nay là tác động của El Nino sắp xảy ra. Ngày 3/5, Liên Hợp Quốc cho biết El Nino ngày càng nhiều khả năng phát triển trong những tháng tới, có thể tạo ra những kỷ lục nhiệt độ mới.
Tổ chức Khí tượng Thế giới ước tính có 60% khả năng El Nino sẽ phát triển vào cuối tháng 7/2023 và 80% khả năng nó sẽ phát triển vào cuối tháng 9/2023. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ hiện tượng này sẽ mạnh đến mức nào.
Đinh Kim (Theo Straits Times)