Cần bổ sung việc bạo hành trên không gian mạng
Chiều 31/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự thảo Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Đóng góp về nội dung này, tại tổ 12, đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (đoàn Bắc Ninh) đánh giá, dù Việt Nam là một nước tiếp cận luật bạo lực gia đình từ rất sớm, nhưng số lượng người bị bạo hành báo đến các cấp chính quyền vẫn còn thấp. Thậm chí, có hơn 90% phụ nữ bị bạo hành không tìm kiếm sự giúp đỡ.
“Việc này là một trong những điều cần đẩy mạnh hơn trong công tác việc tuyên truyền, phổ biến để những người bị bạo hành có thể biết”, bà Kim Anh nói.
Bà cũng đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung thêm hành vi bạo lực trên không gian mạng vào Dự án Luật. Bà cho biết, nhiều sự việc mâu thuẫn gia đình khi xảy ra, người không bằng lòng lại tìm cách đưa lên mạng để mà bêu tên người trong gia đình.
“Bạo lực này còn khủng khiếp hơn là bạo hành bên trong nội bộ gia đình. Đối với bản thân của từng người bị bạo hành, họ rất ngại khi bị người khác biết được nỗi khổ của bản thân. Vì vậy, tôi cho rằng cần thiết phải bổ sung thêm hành vi này vào dự án luật”, bà góp ý.
Theo nữ đại biểu, mục tiêu của xử lý các hành vi bạo lực gia đình là vẫn phải làm sao giữ được gia đình êm ấm, hạnh phúc. Vì vậy, việc giải quyết mâu thuẫn phải theo 3 chương trình là tích tụ mâu thuẫn – bùng phát bạo lực – gia đình làm lành trở lại.
Theo dự án luật, Chủ tịch UBND cấp xã được quyền ra quyết định cấm tiếp xúc mỗi lần không quá 3 ngày khi người bị bạo lực, người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp yêu cầu cấm tiếp xúc và hành vi bạo lực gây tổn hại hoặc đe dọa tổn hại đến sức khỏe hoặc đe dọa tính mạng của người bị bạo lực.
Người bị cấm tiếp xúc phải giữ khoảng cách với người bị bạo lực suốt thời gian cấm tiếp xúc từ 50m trở lên, nếu vi phạm sẽ bị tạm giữ.
Về nội dung này, bà Kim Anh đặt vấn đề rằng đâu là cơ sở để đưa ra khoảng cách 50m? “Tôi không hiểu sao lại là 50m? Vậy bạo hành nhau trên không gian mạng thì sao? Cách nhau nửa vòng trái đất cũng có thể bạo lực gia đình được cơ mà”, bà nói và nhấn mạnh, khoảng cách 50m còn phiến diện, chưa đầy đủ, cần cân nhắc thêm.
Góp ý về một nội dung mà đại biểu Lý Anh Thư (đoàn Kiên Giang) cho rằng là “nhạy cảm”, bà Thư nói rằng đối tượng bạo lực gia đình đa phần được cơ quan chức năng xử lý là trường hợp xảy ra với phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, tuy nhiên, mối quan hệ giữa những người đồng giới với nhau lại chưa được nhắc đến.
“Mặc dù pháp luật không công nhận, nhưng trong thực tế vẫn có các mối quan hệ đồng giới về chung sống một nhà, được hai bên gia đình công nhận. Vậy thử hỏi, nếu trong mối quan hệ gia đình đó có xảy ra bạo lực gia đình thì các cơ quan có thẩm quyền, người bảo vệ sẽ xử lý thế nào?”, bà Thư đặt câu hỏi và kiến nghị cơ quan soạn thảo xem xét thêm ở góc độ này.
Thời gian có hiệu lực của Luật quá chậm
Cũng thảo luận tại tổ, đại biểu Nguyễn Danh Tú (đoàn Kiên Giang) đề nghị ban soạn thảo cân nhắc thêm về nội dung “người có nguy cơ cao gây bạo lực gia đình là người sống trong môi trường thường xuyên có bạo lực gia đình”.
Ông Tú cho rằng, ban soạn thảo cần nghiên cứu kỹ và cũng cần có điều chỉnh cho đảm bảo chính xác, phù hợp hơn. Bởi với quy định như vậy, vô hình trung quy định người là nạn nhân của bạo lực gia đình lại trở thành người có nguy cơ cao gây bạo lực gia đình.
Về biện áp cấm tiếp xúc, trong đó có trường hợp toà án nhân dân ra tự quyết định cấm tiếp xúc. Ông Tú nhấn mạnh rằng ban soạn thảo cần xem xét, cân nhắc lại vì chưa phù hợp với khoản 3, điều 111; khoản 1, 2, 3, 4, 5 điều 114; điều 135 của Bộ luật Tố tụng dân sự, bởi Bộ luật này không có trường hợp nào toà án ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, cấm tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình. Do vậy, vị đại biểu cho rằng, cần điều chỉnh cho thống nhất với hệ thống pháp luật.
Trong nội dung đóng góp, ông Tú chỉ ra rằng thuyết minh của tờ trình Dự án nói rằng việc ban hành Luật Phòng chống bạo lực gia đình là rất cần thiết, nhưng thời gian luật có hiệu lực là ngày 1/7/2023. “Nghĩa là hơn 1 năm nữa mới có hiệu lực, như vậy là quá chậm. Tôi yêu cầu cơ quan ban hành thuyết minh rõ hơn về nội dung này”, ông nhấn mạnh.
Theo Người Đưa Tin Pháp Luật