Cách sơ cứu người bị tai nạn giao thông

Trên thực tế, nhiều người giúp đỡ người bị tai nạn không đúng cách, dẫn đến khả năng người bị nạn có thể gặp chấn thương nặng hơn hoặc có thể dẫn đến tử vong ngay lập tức.

Gọi người ứng cứu và cấp cứu 115

Trước hết, khi gặp tai nạn giao thông (TNGT), cần bình tĩnh gọi hỗ trợ xung quanh hoặc gọi cấp cứu 115 nơi gần nhất: mô tả chính xác địa chỉ xảy ra tai nạn; tình trạng thương vong của các nạn nhân và bình tĩnh trả lời những câu hỏi của họ... Không được tắt điện thoại trước, sau đó luôn để điện thoại ở chế độ chờ cuộc gọi cho đến khi cấp cứu 115 có mặt.

Sơ cấp cứu người bị nạn trong lúc chờ cứu trợ y tế

Nếu hiện trường còn yếu tố nguy hiểm (nguy cơ cháy, nổ...), hãy di chuyển nạn nhân ra vùng an toàn để tránh gây thêm thương tích cho nạn nhân và tránh biến người cấp cứu thành nạn nhân tiếp theo. Trường hợp không thể đưa được nạn nhân ra khỏi vùng an toàn do quá nguy hiểm hoặc không đủ khả năng, phải gọi thêm ứng cứu ngay.

Nếu hiện trường không có nguy cơ gây thêm tai nạn thì không di chuyển nạn nhân khi chưa tiến hành sơ cứu. Lý do là với TNGT, nạn nhân rất dễ bị gãy xương, chấn thương cột sống, đặc biệt là cột sống cổ, nếu di chuyển mà chưa được bất động dễ làm cho tổn thương của nạn nhân trở nên trầm trọng hơn: đầu xương gãy có thể đâm vào mạch máu, thần kinh... gây chảy máu, đau đớn, sốc, nguy hiểm đến tính mạng; tủy sống có thể bị đứt rời... gây di chứng nặng nề, kể cả khi bảo toàn được mạng sống.

so-cuu-khi-gap-tai-nan-giao-thong-3-resize-1620099506.jpg
Hô hấp nhân tạo và ép tim ngoài lồng ngực là cấp cứu tối khẩn cấp khi nạn nhân ngừng thở, ngừng tim.

Xử trí một số chấn thương thường gặp khi bị TNGT

Đối với vết thương chảy máu: Đây là chấn thương thường gặp nhất khi bị TNGT. Nguyên nhân là do va đập, bị vật sắc nhọn đâm vào da thịt, đứt mạch máu... dẫn đến máu chảy. Nạn nhân mất quá nhiều máu dễ choáng, bất tỉnh, tử vong.

Trường hợp này cần làm garo cầm máu bằng cách quấn thật chặt ở vị trí trên vết thương 3-5cm. Có thể dùng vải sạch làm garo nếu không có sẵn dụng cụ y tế, kiểm tra độ chặt của garo thường xuyên. Trong trường hợp vết thương có dị vật, không nên rút dị vật ra vì có thể làm máu chảy ra nhiều hơn dẫn đến mất máu. Đối với vết thương chảy máu không có dị vật, dùng gạc hoặc vải sạch ép trực tiếp lên vết thương và giữ chặt để cầm máu rồi băng lại. Mọi thao tác phải đòi hỏi nhanh, chính xác và đảm bảo sạch sẽ, tránh vết thương nhiễm trùng. Sau đó nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện gần nhất.

Nếu nghi ngờ gãy xương: Cần bình tĩnh xem xét. Dấu hiệu điển hình gãy xương là đau ở vùng gãy, đau hơn khi sờ ấn hoặc cử động, giảm hoặc không thể cử động chỗ bị thương, kèm theo sưng nề, chảy máu. Trong một số trường hợp, gãy xương hở đầu, xương có thể đâm thủng da, chân tay gãy rời, lủng lẳng.

Việc đầu tiên cần làm là cố định tạm thời bộ phận bị gãy. Nếu gãy xương ở gần các khớp, phải cố định cả khớp. Riêng gãy xương hở, không được rửa mà chỉ lau xung quanh vết thương, bôi thuốc sát trùng và băng ép vô khuẩn. Tuyệt đối không ấn đầu xương gãy vào trong. Sau đó nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị.

Đặc biệt chú ý với những người bị tai nạn dẫn đến gãy đốt sống cổ. Không nên tự ý di chuyển nạn nhân. Nếu tự ý di chuyển nạn nhân không đúng cách dễ dẫn đến nguy cơ bị liệt toàn thân hoặc tử vong.

Đối với chấn thương sọ não: Nạn nhân chấn thương sọ não có thể bị vỡ sọ, vết thương xuyên thấu, giập não, xuất huyết trong hoặc phù não, co giật. Khi đó, nên đặt nạn nhân nằm ở nơi thoáng khí. Nếu nạn nhân ngưng tim, ngưng thở, nên ưu tiên hô hấp nhân tạo, xoa bóp lồng ngực ở vùng tim. Sau khi xử trí tổn thương, gọi cấp cứu đến nhanh nhất có thể. Khi gặp nạn nhân bị thương nặng (nghe gọi không phản ứng), cách tốt nhất là đặt họ nằm yên nơi thoáng khí, nhanh chóng nhờ người có chuyên môn đến sơ cứu trước khi đưa vào viện.

 

Theo Sức khỏe & đời sống