Phải nói, ghen là “thuộc tính” bình thường của con người. Yêu mới ghen và cả không yêu cũng ghen. Chuyện đánh ghen tồn tại từ xưa đến nay, với 1.001 kiểu ra “đòn” không lạ với người đời. Thế hệ xưa quan niệm, tội lỗi ở kẻ “giựt chồng” dù nhiều khi nguyên nhân sâu xa không phải vậy mà có thể do bị ép buộc, không lối thoát. Từ đó, xã hội ủng hộ phương án “xử” kẻ giựt chồng.
Thời hiện đại, nhiều người lên tiếng tại sao đánh người phụ nữ ấy mà không đánh anh chồng lăng nhăng? Chính anh ta mới là nguồn cơn của mọi rắc rối. Nếu anh ta là nạn nhân của một cái bẫy tình, thì là đàn ông, trách nhiệm gia đình trên hết, anh ta phải mạnh mẽ bứt ra khỏi cái bẫy tình ấy mới đáng mặt nam nhi. Tóm lại, tại “anh” trước rồi mới tại “ả” sau, không có “anh” thì làm sao có “ả”.
Nếu ngày xưa, chuyện đánh ghen một là chính mắt thấy, hai là tai nghe kể lại, gói gọn trong phạm vi nhỏ, làng xã, thành phố nếu công khai trên báo chí… thì giờ đây, với phương tiện multimedia, nối mạng toàn cầu, một sự việc nhỏ ở đẩu đâu, trong tích tắc cả bàn dân thiên hạ đều biết và chuyền nhau xem. Tận mắt nhìn thấy cảnh cô vợ xử ả giựt chồng với đầy đủ âm thanh, hình ảnh thật. Không nhầm vào đâu được, anh chồng lăng nhăng bị vợ bắt quả tang, túm gọn.
Có những anh chồng, rất “đáng mặt anh hào” dàn xếp khéo léo khi đứng giữa hai người đàn bà mà anh đã từng ôm ấp, nói lời yêu thương, làm người xem thấy thỏa mãn, mức độ chì chiết vì thế giảm đi. Tuy vậy, cũng có những anh chồng cư xử không “chuẩn”, bênh vực kẻ giựt chồng và hiếp đáp người vợ tào khang giữa chốn đông người khiến dư luận được dịp phẫn nộ. Tuy nhiên, chuyện qua rồi bỏ, chẳng ai quan tâm vợ chồng nhà ấy thế nào sau sự cố, “bát nước đổ đi rồi” hay “lành làm gáo vỡ làm muôi”.
Khủng hoảng truyền thông bây giờ quá đa dạng, sự việc này chồng sự việc kia, con người dễ quên mau là vì thế. Hậu quả để lại chỉ có người trong cuộc lãnh đủ. Chồng còn nhìn mặt vợ hay không, con cái nhìn cha với ánh nhìn ghẻ lạnh hay cảm thông, tha thứ. “Tiểu tam” kia đã biết ân hận chưa, hay lại như con thiêu thân lao vào một cuộc tình vụng trộm khác để rồi sau đó, nếu xảy ra câu chuyện mới có liên quan, người ta sẽ “lục hồ sơ”, truy lại dấu vết vốn không thể xóa trên mạng được.
Các chuyên gia luôn khuyên bảo, người trong cuộc phải bình tĩnh, việc đâu còn có đó. Thế nhưng nói thì dễ, rơi vào trường hợp ấy liệu mấy người giữ được bình tâm, xử lý khéo léo sao cho đẹp cả đôi đường? Khó lắm!
Nhiều người cho rằng, làm gì cũng phải nghĩ đến con. Lập tức có ngay câu phản biện: “Nếu nghĩ đến con thì người ta đã không làm, xã hội không bị xáo trộn”. Vậy là thêm câu khuyên bảo nữa: “Người này không nghĩ đến con thì người kia phải nghĩ, vợ chồng phải một bên nóng, bên lạnh, bên cạn nghĩ, bên chừng mực mới cân bằng được phép thử”. Lại nghe tiếng “hứ”: “Nói thì dễ, ai nói chả được, làm mới khó”.
Vậy đấy, làm mới khó. Ngay cả việc “động tay động chân” cũng rất khó rồi, thế nên trước khi quyết định “xử” kẻ thứ ba, cần cân nhắc, đắn đo, xử thế nào, có cần giữ lại ông chồng phản bội đó không, lợi hại, thiệt hơn ra sao? Hay là bỏ quách cho “đứa” nào rước thì rước, năm ba bữa nửa tháng ớn ngay thôi mà!
Riêng việc dừng lại và phân tích như thế sẽ khiến người trong cuộc biết bình tĩnh và tính toán xử lý cách nào tốt nhất.
Ghen là việc rất dễ, không yêu cũng có thể ghen vì tự ái bị đụng chạm, vì anh khinh tôi, coi thường tôi khi quen một con nhỏ không đáng giá một xu. Đã vậy tôi cứ siết chặt mối quan hệ vợ chồng này để xem anh và nó sẽ “tiến tới” kiểu gì…
Thể hiện ghen ra mặt thế nào mới là việc làm khó.
Thế nên, vừa xem xong một cái clip đánh ghen đang “hot” trên mạng, bà vợ quay sang nhìn ông chồng: “Cảm ơn anh bao năm qua đã không làm em ghen”. Ông chồng đang xem ti vi, nghe vậy sau vài giây ngớ người ra, ông chợt cảm thấy lạnh sống lưng. Bà vợ mình hôm nay làm sao thế nhỉ, là lời thật hay cảnh cáo? Trong khi đó, bà vợ vẫn giữ thái độ điềm tĩnh, lạnh lùng: “Thực ra tôi biết tỏng ông từ lâu rồi, nhưng tôi cảm ơn vì ông ăn vụng mà vẫn biết chùi mép đó thôi”.