Cảnh báo tình trạng bùng nợ công ty tài chính, app vay tiền

Ngoài những người vì khó khăn không trả được nợ, một bộ phận vay có điều kiện để trả nhưng cố tình không trả, dùng các mánh khoé để bùng nợ của công ty tài chính, app cho vay online. 

“Khống” lương, “bùng” nợ

Chia sẻ với phóng viên về vấn đề vay tiêu dùng, ông Đ.X.T. - Chủ một doanh nghiệp tại Hà Nội cho biết, vay tiêu dùng đã trở thành nhu cầu khá phổ biến của nhiều nhân viên các công ty. Để được vay, một trong các điều kiện được phía tổ chức tài chính đưa ra là phải chứng minh được mức thu nhập đảm bảo có thể trả được khoản tiền sẽ vay. Chính vì lý do này nên nhân viên đã xin xác nhận bảng lương từ công ty. Tuy nhiên, bảng lương đó đều kê cao hơn nhiều so với thu nhập thực nhận.

Nhiều người làm khống bảng lương để vay được tiền từ các tổ chức tín dụng (Ảnh minh họa).

Chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như người vay trả lãi đúng hẹn. Song, ông T. cũng từng chứng kiến một vài trường hợp bùng nợ khiến phía tổ chức cho vay lên tận công ty tìm người và xác minh thông tin, vừa gây phiền hà vừa làm mất uy tín của công ty.

“Nhân viên của mình nhờ không lẽ không giúp. Họ cũng trình bày hoàn cảnh cần vay gấp để phục vụ những nhu cầu rất chính đáng như mua nhà, mua xe… rồi cam kết sẽ trả đủ, không gây ảnh hưởng đến công ty. Tôi cũng không ngờ là các bạn ấy lại bùng nợ vì thường ngày vẫn sống hưởng thụ.

Sợ chúng tôi bao che các tổ chức cho vay còn nhiều lần lên tận công ty tìm người vay, rất phiền hà. Để hạn chế tình trạng này, chúng tôi tuyệt đối không hỗ trợ bất cứ nhân viên nào để tránh rước họa vào thân”, ông T. cho biết.

Hiện nay thực trạng khai tăng lương, vay rồi bùng nợ của một bộ phận nhân viên đã gây phiền toái cho không ít doanh nghiệp. Những người này khi không trả nợ thường bỏ nơi tạm trú, chuyển việc, tắt máy, đổi số liên lạc khiến việc đòi được nợ của bên cho vay rơi vào bế tắc.

Theo luật, để thu hồi tiền, bên cho vay có thể khởi kiện. Tuy nhiên với những khoản vay nhỏ thì chi phí, thời gian cho việc này nhiều khi còn tốn kém hơn khoản nợ đã cho vay. Chính vì thế mà các tổ chức tài chính cho vay tiêu dùng hiện nay đang phải chịu nhiều áp lực, rủi ro với những người vay bùng nợ.

Thách thức pháp luật

Tình trạng vay và bùng nợ vốn tồn tại lâu nay, nhưng sau khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều địa phương áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, phải làm việc online, thu nhập giảm sút… thì tình trạng này càng xảy ra phổ biến hơn. Thậm chí, thời gian gầy đây các hội nhóm “bùng nợ” trên mạng xã hội hoạt động sôi nổi với số lượng thành viên lên tới hàng chục nghìn tài khoản.

Một hội nhóm những người chuyên bùng nợ trên mạng xã hội có đến gần 17.000 người tham gia.

Theo đó, các con nợ vô tư khoe “chiến tích” bùng nợ, chia sẻ đủ mánh khóe để vay được tiền, cách đối phó với chủ nợ…. Trong đó, có nhiều người vay rồi bùng nợ hàng trăm triệu đồng, tuy nhiên vẫn đang tìm cách để tiếp tục vay thêm và đương nhiên vẫn nung nấu ý định tiếp tục bùng nợ.

Đáng chú ý, càng ngày càng nhiều người trẻ tìm đến vay app, các tổ chức cho vay với lãi suất cao. Trong một nhóm chuyên bùng nợ app trên mạng xã hội có đến gần 17.000 thành viên, không khó để bắt gặp các trường hợp mới chỉ 18 đến 20 tuổi hỏi cách vay tiền. Trong đó, có người thậm chí sau khi bùng tiền từ app còn đăng hỏi mua xe phục vụ nhu cầu đi lại của bản thân.

Giới trẻ sa đà vào vay app, vay tín dụng đen ngày càng nhiều.

Thông qua bài đăng trong hội nhóm, phần lớn con đường dẫn đến vay app, vay tín dụng đen lãi suất cao là do lô đề, bài bạc, nợ nần. Thậm chí có đến “90%” thành viên trong nhóm đều có “tiểu sử” dính vào cờ bạc. Khi không có đường lui, họ bắt đầu tìm đến các hội nhóm bùng nợ để tính cách và luôn sống trong tình trạng sợ hãi, trốn tránh, gia đình bạn bè xa lánh.

Coi chừng phạm tội!

Nói về vấn đề này, TS.LS Đặng Văn Cường - Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết: Theo quy định của pháp luật thì bên vay tài sản có nghĩa vụ trả lại tài sản cùng với lãi suất thỏa thuận theo đúng thời hạn, đúng địa điểm và phương thức mà hai bên thỏa thuận.

Trường hợp bên vay tài sản chậm trả nợ, vi phạm nghĩa vụ trả nợ bao gồm cả nghĩa vụ trả nợ gốc và nợ lãi thì phải chịu lãi suất nợ quá hạn. Nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật.

Trường hợp vay tiền sau đó gian dối hoặc bỏ trốn để trốn tránh nghĩa vụ trả nợ với số tiền từ 4.000.000 đồng trở lên thì hành vi này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Trường hợp vay tiền sau đó sử dụng tiền vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến mất khả năng trả nợ như mang tiền đi đánh bạc, buôn lậu hoặc thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác thì hành vi này cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Ngoài ra Bộ luật Hình sự năm 2015 còn quy định hành vi vay tài sản, có khả năng trả nợ nhưng cố tình không trả thì cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nếu trường hợp đưa ra thông tin gian dối để vay tiền, sau đó chiếm đoạt, không có ý định trả tiền thì với số tiền chiếm đoạt từ 2.000.000 đồng trở lên, người vay tiền sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015.

PV - Người Đưa Tin