Cậu bé 5 tuổi nghịch ngợm làm vỡ bình cổ 3.500 năm tuổi, viện bảo tàng sung sướng mời quay lại

Phản ứng của viện bảo tàng khiến ai cũng bất ngờ.

Tò mò và nghịch ngợm là bản tính của trẻ nhỏ, đó vừa là điều có lợi nhưng cũng vừa là điều có hại. Có lợi vì những đứa trẻ hoạt bát, không thích ngồi yên một chỗ sẽ có cơ hội được khám phá, tiếp xúc nhiều hơn với thế giới xung quanh. Nhưng nếu sự tò mò không được thực hiện một cách có kiểm soát, những tình huống bất trắc có thể xảy ra bất cứ lúc nào, đôi khi nó không chỉ ảnh hưởng đến bản thân trẻ, mà còn tác động đến nhiều thứ khác.

Ví dụ như tình huống không may xảy ra với một cậu bé 5 tuổi, được chia sẻ rầm rộ trên MXH mới đây. Cụ thể, tại bảo tàng Hecht, thuộc Đại học Haifa ở Israel, một di tích văn hóa quý giá đã bị vỡ thành nhiều mảnh do sự tò mò của cậu bé 5 tuổi trong lúc tham quan, gây ra làn sóng bàn tán rộng rãi. Đó là một chiếc bình cổ thời đồ đồng 3500 năm tuổi, có niên đại từ giữa 2200 và 1500 trước Công nguyên. Nó được sử dụng để lưu trữ và vận chuyển các chất lỏng như rượu vang hoặc dầu ô liu.

Sự cố xảy ra ở khu vực lối vào bảo tàng, nơi trưng bày không được bảo vệ bằng kính hoặc các rào chắn khác. Bảo tàng này có ý tưởng trưng bày độc đáo so với các bảo tàng khác. Người sáng lập bảo tàng Reuben Hecht luôn nhấn mạnh việc đưa những hiện vật lịch sử đến gần hơn với công chúng, để họ có thể cảm nhận một cách trực tiếp và gần gũi nhất. 

Vì vậy, nhiều hiện vật không được đặt trong tủ kính mà được trưng bày ngay trước mặt du khách. Đối với người lớn, kiểu trưng bày này có thể là một trải nghiệm đưa họ đến gần hơn với lịch sử, nhưng đối với một đứa trẻ mới 5 tuổi, đây chắc chắn là một "thử thách tò mò" đầy hấp dẫn.

Cũng vì tò mò nên cậu nhóc đã lỡ tay đụng mạnh vào chiếc bình khiến nó bị rớt xuống đất và vỡ tan tành. Sau khi bố mẹ cậu bé phát hiện sự cố, phản ứng ban đầu của họ là cực kỳ sững sờ. Tuy nhiên, nhìn thấy sự hoảng loạn của con trai, bố mẹ cậu đã ngay lập tức trấn an con, đồng thời họ cũng sẵn sàng chịu trách nhiệm với viện bảo tàng vì bản thân đã không trông nom con tốt dẫn đến tình huống đáng tiếc này.

Thế nhưng, bảo tàng cho biết họ không thực hiện các biện pháp pháp lý nghiêm khắc đối với vụ việc vì đây chỉ là một tai nạn vô ý. Bảo tàng nhấn mạnh sẽ chỉ yêu cầu cảnh sát can thiệp trong những trường hợp có hành vi phá hoại. Để xử lý sự việc này, họ quyết định giao chiếc bình cho đội phục chế chuyên nghiệp để phục hồi và hứa sẽ đưa nó trở lại trưng bày cho công chúng trong thời gian sớm nhất. Sau tình huống bất trắc, cậu bé và gia đình vẫn được bảo tàng mời trở lại tham quan. 

Thực tế, khi các bé phạm lỗi ở những nơi đông người, cha mẹ nghĩ rằng trẻ nhỏ chưa có lòng tự trọng, kỳ thực các bé còn nhạy cảm hơn người lớn. Mắng mỏ hay roi vọt trước mặt nhiều người có thể làm tổn thương lý tâm lý trẻ.

Ngược lại, khi các con phạm lỗi, cha mẹ nên bình tĩnh và giúp con giải quyết tình huống bằng cách thử hỏi con 8 câu hỏi sau:

1. Đã xảy ra chuyện gì vậy con?

Câu hỏi này nghe thì có vẻ đơn giản nhưng kỳ thực lại vô cùng quan trọng.

Cha mẹ nên bình tĩnh và lắng nghe những lời trẻ nói, đứng ở góc độ của con để xem xét sự thật, để tránh hiểu lầm trách oan con trẻ. Hơn nữa, hãy để con có cơ hội được nói, thậm chí nếu thực sự lỗi là do trẻ, thì ít nhất trẻ cũng có cơ hội tự bảo vệ bản thân hoặc sẵn sàng thừa nhận điểm sai sau khi mọi chuyện đã rõ ràng.

2. Con cảm thấy như thế nào?

Sau khi tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra, đừng vội vàng giáo dục con cái.

Nghiên cứu khoa học cho thấy một khi con người có cảm xúc mãnh liệt hoặc đang bị kích thích, thì bên ngoài dẫu ai nói gì cũng sẽ không dễ dàng tiếp thu vào bộ não. Điều đó cũng có nghĩa là, khi trẻ vẫn còn mang trong mình một cảm xúc kích động, thì cha mẹ dù nói gì, trẻ cũng không lắng nghe.

Vì vậy, nếu muốn con cái có thể nghe theo ý kiến của mình, cha mẹ cũng cần đồng cảm với cảm xúc của con và an ủi để con vượt qua được những cảm xúc tiêu cực.

3. Con cảm thấy có những cách xử lý nào?

Cha mẹ nên lắng nghe những suy nghĩ ngây thơ non nớt của trẻ để trẻ cảm nhận được sự tôn trọng khi thể hiện quan điểm.

Cha mẹ hãy ở bên cạnh cùng con nghĩ ra ý tưởng, từng bước lập kế hoạch cho con, cùng con định hướng ra các giải pháp.

4. Nếu lần sau lại gặp tình huống tương tự, con sẽ làm thế nào?

Sau khi đợi mọi chuyện qua đi, cha mẹ có thể cho trẻ cơ hội tự đánh giá bản thân mình. Điều này phản ánh sự phán đoán và cách giải quyết của trẻ đã có hiệu quả hay để lại hệ quả như thế nào.

Nhiều bậc cha mẹ tin rằng con mình còn nhỏ, không có khả năng giải quyết vấn để. Thực tế thì, ngay cả khi còn nhỏ, trẻ cũng sẽ có cách vận dụng các chiến lược và giải pháp cho mọi vấn đề theo cách của các con.

KIỀU TRANG