Câu chuyện đấu giá đất: Từ "quân xanh - quân đỏ" đến cả “giang hồ”

Câu chuyện thâu tóm đất đấu giá vẫn chưa hết nóng và những phi vụ khiến nhiều cá nhân rơi vào vòng lao lý đang là lời cảnh báo.

Xuất hiện "cò đấu giá", "quân xanh - quân đỏ" ở một số địa phương

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có báo cáo gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trước phiên chất vấn ngày 16/3 liên quan một số vấn đề về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị.

Đáng chú ý, báo cáo nêu, thời gian qua, một số địa phương đã xuất hiện hiện tượng "cò đấu giá", "quân xanh - quân đỏ", để lộ thông tin về người đăng ký tham gia đấu giá trước khi cuộc đấu giá diễn ra và tình trạng "xã hội đen" đe dọa cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá phải xin rút hồ sơ.

Có hiện tượng bỏ giá rất cao một số lô đất rồi bỏ cọc nhằm gây hiệu ứng tạo mặt bằng giá ảo để mua đi, bán lại nhiều lô đất đã trúng đấu giá khác hoặc bán ra các lô đất đã gom trong khu vực nhằm thu lợi.

Một số nơi có hiện tượng thông đồng giữa tổ chức tư vấn định giá với người tham gia đấu giá để "dìm giá" (như vụ đấu giá đất tại tỉnh Thái Bình năm 2020; tại huyện Đông Anh, Hà Nội năm 2021…).

Báo cáo cũng nhận định, thời gian từ khi trúng đấu giá đất đến khi hủy quyết định trúng đấu giá do người trúng đấu giá không nộp đủ tiền là khá dài (180 ngày như ở Thủ Thiêm) là một sơ hở để các công ty tham gia đấu giá thực hiện các ý đồ như thổi giá bất động sản để tăng giá trị cổ phiếu, cơ cấu lại khoản nợ trong các ngân hàng, bán hàng tồn đọng...

Để khắc phục tình trạng này trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định, cần thống nhất về mặt nhận thức trong công tác định giá đất. Giá đất trúng đấu giá là giá đặc thù, cá biệt. Do đó, cần cân nhắc kỹ khi coi giá đất trúng đấu giá là thông tin đầu vào để xác định giá đất cụ thể.

Bên cạnh đó, cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan liên quan. Trong đó, Bộ Tư pháp với trách nhiệm là cơ quan giúp Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đấu giá tài sản chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về đấu giá, có yếu tố trục lợi trong đấu giá quyền sử dụng đất.

Về giải pháp căn cơ, cần tổng kết, đánh giá sửa đổi, bổ sung Luật đấu giá tài sản, trong đó chú trọng quy định cụ thể về đấu giá tài sản là quyền sử dụng đất.

Lãnh đạo bộ cũng đề xuất Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo rà soát các tổ chức tín dụng cho các nhà đầu tư vay tiền tham gia đấu giá đất để đảm bảo an toàn tín dụng.

Đồng thời, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo làm tốt công tác xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất bảo đảm sát giá thị trường; quản lý chặt chẽ đối với hồ sơ đấu giá; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với doanh nghiệp đấu giá tài sản.

Tăng cường mối quan hệ giữa tổ chức bán đấu giá với cơ quan công an để đảm bảo an ninh trật tự tại các cuộc đấu giá quyền sử dụng đất; áp dụng linh hoạt hình thức đấu giá, mở rộng hình thức đấu giá trực tuyến…

Những phi vụ khiến nhiều cá nhân rơi vào vòng lao lý

Ngày 9/11/2021, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Tp.Hà Nội đã khởi tố, bắt tạm giam 8 bị can về tội "vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản", lợi dụng chức vụ, quyền hạn, xảy ra tại Đông Anh, Hà Nội.

Trong đó có Nguyễn Thị Loan, chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần tập đoàn Vimedimex (người đang nắm giữ vị trí quan trọng tại nhiều doanh nghiệp có vốn hàng nghìn tỉ đồng, trải dài từ các lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, y dược đến bất động sản) và 3 bị can thuộc công ty tham gia đấu giá; 3 bị can thuộc công ty cổ phần tư vấn thẩm định giá và 1 bị can thuộc Ban quản lý dự án huyện Đông Anh. Thiệt hại ban đầu được xác định khoảng 200 tỷ đồng.

Theo tài liệu điều tra, khu đất gần 5ha ở Cổ Dương, Đông Anh, Hà Nội ban đầu được Công ty cổ phần Tư vấn thẩm định giá và đầu tư Hà Nội xác định giá trị bán đấu giá khoảng 500 tỉ đồng. Thế nhưng, trước yêu cầu của một cán bộ thuộc Ban quản lý dự án huyện Đông Anh, đơn vị thẩm định giá đã hạ giá xuống chỉ còn khoảng 300 tỉ đồng.

Để hoàn thiện chứng từ thẩm định giá, các đối tượng đã lập khống 12 phiếu khảo sát để đưa vào hồ sơ. Bằng nhiều thủ đoạn, công ty thẩm định giá đã hạ giá thẩm định đất xuống còn hơn 17 triệu đồng/m2, trong khi giá giao dịch thực tế tại thời điểm thẩm định khoảng từ 60 - 70 triệu đồng/m2.

Sau khi hội đồng thẩm định giá đất duyệt mức giá sàn là hơn 18 triệu đồng/m2 để tổ chức đấu giá, Nguyễn Thị Loan đã đưa 3 công ty vào tham gia đấu giá, gồm Công ty cổ phần Bất động sản Thanh Trì, Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Mỹ Đình và Công ty cổ phần Phát triển nhà ở Bắc Từ Liêm.

Với hành vi chỉ đạo các đối tượng cấp dưới thông đồng, dìm giá trong quá trình tham gia đấu giá quyền sử dụng đất, công ty mà bà Loan nắm quyền chi phối, là Công ty cổ phần Phát triển nhà ở Bắc Từ Liêm, đã trúng đấu giá với mức hơn 20 triệu đồng/m2.

Chỉ sau đúng 1 tháng được bàn giao đất, bà Loan đã bán, với thửa có giá cao nhất lên tới 110 triệu đồng/m2, thu lợi nhuận khoảng 200 tỉ đồng.

Cơ quan điều tra đã chứng minh Nguyễn Thị Loan và các thuộc cấp là Nguyễn Hưng, Nguyễn Xuân Đức, Tạ Thị Vân phạm tội vi phạm các quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản, quy định tại điều 218 Bộ luật hình sự.

Các cá nhân còn lại bị cáo buộc có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, quy định tại điều 356 Bộ luật hình sự, do có hành vi thông đồng hạ giá khởi điểm để đấu giá đất tại dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất đấu giá phía đông nam, thôn Cổ Dương, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, Hà Nội.

Trước phi vụ của Vimedimex, trường hợp của nhóm giang hồ “Đường Nhuệ” tại Thái Bình cũng khiến dư luận ngỡ ngàng khi có thể biến từ không trúng đấu giá thành trúng.

Cụ thể, TAND tỉnh Thái Bình ngày 18/9 đã đưa ra xét xử vụ án "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" liên quan đến nhóm cán bộ lãnh đạo, nhân viên của Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Thái Bình và Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh cùng bị cáo Nguyễn Thị Dương (vợ ông trùm Đường "Nhuệ").

Các bị cáo trong vụ án gồm: Vũ Gia Thành - nguyên đấu giá viên Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Thái Bình; Phạm Văn Hiệp - nguyên giám đốc Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Thái Bình, thuộc Sở Tư pháp tỉnh Thái Bình; Trịnh Thị Minh Thúy - nguyên trưởng phòng quản lý và phát triển quỹ đất, Trung tâm Phát triển quỹ đất và kỹ thuật tài nguyên; Hà Văn Dũng - nguyên cán bộ nhân viên Trung tâm Phát triển quỹ đất và kỹ thuật tài nguyên, thuộc Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Thái Bình và Nguyễn Thị Dương - giám đốc Công ty TNHH Đường Dương.

Theo cáo trạng, Nguyễn Thị Dương là giám đốc Công ty TNHH Đường Dương, từng tham gia nhiều cuộc đấu giá quyền sử dụng đất ở tỉnh, được bà Nguyễn Thị Hạnh nhờ mua một lô đất ở Tp.Thái Bình.

Sau khi xem lô đất số 09 thuộc khu dân cư phường Bồ Xuyên, TP Thái Bình, bà Hạnh đã nhất trí mua, đồng thời nhờ Dương đứng ra làm mọi thủ tục giấy tờ tham gia đấu giá lô đất. Dương sau đó giao cho một đàn em lo thủ tục.

Khi Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Thái Bình thông báo đấu giá lô đất trên, Dương cho đàn em lấy tên bà Hạnh và Phạm Đình Dũng tham gia đấu giá.

Kết quả sau buổi đấu giá, do có nhiều người cùng tham gia và khi biết bà Hạnh không trúng (do một phiếu không hợp lệ và một phiếu trả giá thấp hơn) nên Dương đã đến Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Thái Bình thuộc Sở Tư pháp Thái Bình để đặt vấn đề với những người có chức vụ, quyền hạn tại đây nhằm thay đổi kết quả cho bà Hạnh trúng và được những người này đồng ý.

Sau khi được Vũ Gia Thành "gợi ý" điều kiện người đã được công bố trúng đấu giá phải đồng ý nhượng lại thì mới có thể thay đổi được kết quả thì Dương đã điện thoại cho chồng là Nguyễn Xuân Đường (Đường "Nhuệ") đến ép người mua phải miễn cưỡng từ bỏ kết quả trúng đấu giá lô đất số 09.

Cơ quan tố tụng xác định nạn nhân bị vợ chồng Đường "Nhuệ" ép phải từ bỏ trúng đấu giá là Vũ Thành Đạt. Khi gặp được người bỏ trúng đấu giá, Đường "Nhuệ" ngỏ lời đề nghị anh Đạt nhượng lại kết quả trúng để đổi lấy 20 triệu đồng nhưng anh Đạt không đồng ý, thấy vậy Dương cùng một số đàn em thân tín khác đã lao vào đánh đấm, đe dọa khiến nạn nhân phải chấp nhận nhượng lại lô đất.

Cáo trạng của Viện KSND tỉnh Thái Bình xác định các bị can có chức vụ, quyền hạn trong vụ án là Hiệp, Thành, Thúy và Dũng tuy không vụ lợi nhưng vì động cơ cá nhân khác nên đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để cố ý làm thay đổi kết quả trúng đấu giá từ Đạt sang cho bà Hạnh.

Điều này là trái quy định của Luật đấu giá tài sản, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của anh Đạt và làm ảnh hưởng tới uy tín của cơ quan nhà nước.

Nguyễn Thị Dương tuy không có chức vụ, quyền hạn, không quyết định được việc thay đổi người trúng đấu giá nhưng với mục đích đấu bằng được lô đất số 09 nên đã đặt vấn đề làm thay đổi kết quả trúng đấu giá, đồng thời là người trực tiếp đe dọa, đánh anh Đạt để ép phải từ bỏ kết quả. Ngoài ra, Dương còn giúp sức cho những người có chức vụ, quyền hạn để làm trái công vụ.

Cáo trạng cũng xác định không đủ căn cứ để buộc tội Đường "Nhuệ" đồng phạm với các bị can trong vụ án do không tác động gì với những người có chức vụ, quyền hạn tổ chức cuộc đấu giá. Bản thân cũng không biết cách thức phải làm như thế nào để thay đổi kết quả người trúng đấu giá.

Sau khi phân tích, đánh giá vai trò của từng bị cáo trong vụ án, HĐXX tuyên phạt bị cáo Thành 24 tháng tù, bị cáo Dương 18 tháng tù, bị cáo Hiệp 18 tháng tù, bị cáo Thuý 15 tháng tù (án treo) và bị cáo Dũng 12 tháng tù (án treo) cùng về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Ngoài hình phạt tù, HĐXX còn buộc 4 bị cáo Thành, Hiệp, Thuý và Dũng cấm đảm nhiệm các công việc liên quan đến đấu giá quyền sử dụng đất trong một thời gian nhất định.