UBND TP Hà Nội đang lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết "Quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trên địa bàn thành phố Hà Nội".
Theo đó, một số hành vi vi phạm giao thông theo quy định của Nghị định 168/2024 có mức phạt thấp nên đề xuất tăng 2 lần, còn những hành vi có mức phạt cao thì kiến nghị tăng 1,5 lần.
Các lỗi sẽ bị tăng mức phạt từ 1,5 - 2 lần dựa trên tiêu chí: hành vi vi phạm có tính chất phổ biến, diễn ra hằng ngày ảnh hưởng tiêu cực đến thói quen tham gia giao thông của người dân và mỹ quan đô thị; hành vi vi phạm là nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông; hành vi vi phạm gây ảnh hưởng xấu đến trật tự công cộng, kết cấu hạ tầng giao thông.
Trong đó, xuất hiện nhiều lỗi vi phạm của cá nhân, tổ chức được đề xuất xử phạt với số tiền hơn 100 triệu đồng.
Đơn cử như hành vi lùi xe ở đường một chiều, đường có biển “cấm đi ngược chiều”, khu vực cấm dừng, trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường, nơi đường bộ giao nhau, nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt, nơi tầm nhìn bị che khuất, lùi xe không quan sát hai bên và phía sau xe hoặc không có tín hiệu lùi xe (Nghị định 168 quy định phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng), Hà Nội đề xuất tăng mức phạt lên 4 - 6 triệu đồng.
Tương tự với hành vi điều khiển xe không đi bên phải theo chiều đi của mình, đi không đúng phần đường hoặc làn đường quy định (làn cùng chiều hoặc làn ngược chiều), Nghị định 168 quy định mức phạt tiền từ 4 - 6 triệu đồng với ô tô và 600 - 800 nghìn đồng đối với xe mô tô thì Hà Nội đề xuất nâng lên 8 - 12 triệu đồng với ô tô và 1,2 - 1,6 triệu đồng đối với xe máy.
Đáng chú ý, hành vi "giao phương tiện để cho người làm công, người đại diện thực hiện hành vi vi phạm tại điểm a, điểm d khoản 5 điều 21; khoản 3 điều 34 hoặc trực tiếp điều khiển phương tiện thực hiện hành vi quy định tại điểm a, điểm b khoản 6 điều 21; khoản 3 điều 34 Nghị định 168" bị đề xuất xử phạt gấp đôi mức phạt của Nghị định 168 với cá nhân là 40 - 52 triệu đồng, tổ chức là 80 - 104 triệu đồng.
Hành vi "giao phương tiện hoặc để cho người làm công, người đại diện điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 4 điều 34; điểm b khoản 4 điều 34; điểm c khoản 4 điều 34 hoặc trực tiếp điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 4 điều 34; điểm b khoản 4 điều 34; điểm c khoản 4 điều 34 của Nghị định 168" bị đề xuất xử phạt đối với cá nhân là 56 - 60 triệu đồng, tổ chức là 112 - 120 triệu đồng.
Hành vi "giao phương tiện hoặc để cho người làm công, người đại diện điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 7 điều 21 hoặc trực tiếp điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 7 điều 21 của Nghị định 168" bị đề xuất xử phạt 45 - 60 triệu đồng đối với cá nhân, 90 - 120 triệu đồng đối với tổ chức.
UBND TP.Hà Nội cho rằng, lý do đề xuất xử phạt gấp đôi quy định tại Nghị định 168 đối với các hành vi trên là do "gây ảnh hưởng xấu đến kết cấu hạ tầng giao thông".
Cụ thể, VietNamNet đưa tin, lý giải việc đề xuất tăng mức xử phạt như trên, Hà Nội cho rằng Thủ đô là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục của cả nước với dân số hơn 8,5 triệu người, là đầu mối giao thông quan trọng của cả nước... trong khi ý thức tham gia giao thông của người dân thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế. Tình trạng người dân vi phạm vẫn tiếp diễn, thường lặp lại đối với một số hành vi vi phạm nhất định: Không chấp hành vạch kẻ đường, biển báo hiệu, không đội mũ bảo hiểm, đi ngược chiều, đi vào đường cấm, sai làn đường...
Ngoài ra, Luật Thủ đô có hiệu lực từ ngày 1/1 cũng cho phép HĐND TP Hà Nội quy định mức tiền phạt cao hơn không quá 2 lần mức phạt do Chính phủ quy định đối với một số vi phạm hành chính trong giao thông đường bộ.
Từ những căn cứ trên, UBND TP Hà Nội cho rằng cần tiếp tục tăng nặng đối với một số hành vi vi phạm để nâng cao ý thức tự giác chấp hành của người tham gia giao thông, từng bước hình thành văn hóa giao thông, kiềm chế và làm giảm ùn tắc, tai nạn.
Sau khi lấy ý kiến, dự thảo Nghị quyết sẽ được trình HĐND TP, dự kiến nghị quyết có hiệu lực từ tháng 7.
Dưới đây là một số hành vi được Hà Nội để xuất tăng mức xử phạt cao hơn so với Nghị định 168 của Chính phủ: