Chủ tịch Nguyễn Tuấn Hải và Alphanam bán dự án Sakura 47 Vũ Trọng Phụng cho ai?

Trước những sai phạm tại dự án Sakura – 47 Vũ Trọng Phụng, Alphanam và chủ tịch Nguyễn Tuấn Hải đã thoái vốn khỏi Công ty Hùng Tiến Kim Sơn. Đối tác nhận chuyển nhượng lại có quan hệ mật thiết với chính Tập đoàn Alphanam.

 

chu tich nguyen tuan hai va alphanam ban du an sakura 47 vu trong phung cho ai dsppl

Dự án Sakura 47 Vũ Trọng Phụng. Ảnh: Pháp luật Việt Nam

Tổ hợp căn hộ, văn phòng, thương mại Sakura Tower ở 47 Vũ Trọng Phụng, quận Thanh Xuân (Hà Nội) do Công ty cổ phần Hùng Tiến Kim Sơn làm chủ đầu tư và Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển hạ tầng Vinaconex - Alphanam thi công.

Dự án khởi công từ cuối năm 2009 với tổng diện tích đất là hơn 2.600m2, diện tích đất xây dựng là gần 1.300m2 tương ứng mật độ xây dựng 48,2% thuộc địa bàn phường Thanh Xuân Trung (Thanh Xuân, Hà Nội).

Vào thời điểm cuối năm 2011, nhiều cơ quan báo chí đưa tin "phanh phui" việc chủ đầu tư công trình Sakura Tower ở 47 Vũ Trọng Phụng (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội) bị phạt 500 triệu đồng vì xây dựng mà không có giấy phép và nhà thầu thi công là Công ty cổ phần đầu tư và phát triển hạ tầng Vinaconex - Alphanam 30 triệu đồng.

Đến năm 2014, Công ty Hùng Tiến Kim Sơn có văn bản gửi UBND quận Thanh Xuân với nội dung: “Trước tình hình kinh tế hết sức khó khăn, để tránh gây mất ổn định an ninh xã hội, kiện tụng kéo dài, tránh gây thiệt hại cho 200 hộ dân sinh sống tại tòa nhà, kính mong các ban ngành tạo điều kiện để Công ty Hùng Tiến Kim Sơn có thể tồn tại thêm một thời gian nữa, hoàn thành trách nhiệm giải quyết thủ tục làm sổ đỏ cho các hộ dân trước khi dừng hoạt động để giải thể công ty”.

Thời điểm đó, trả lời báo chí, ông Nguyễn Tuấn Hải, chủ tịch HĐQT Alphanam cho biết, “Alphanam từng “mua” Công ty Hùng Tiến Kim Sơn để thực hiện dự án Sakura. Tuy nhiên, hiện đơn vị này cũng chỉ là khách hàng của chủ đầu tư giống như các cư dân và không còn vai trò gì tại CTCP đầu tư Hùng Tiến Kim Sơn, do Alphanam đã thoái vốn khỏi doanh nghiệp này từ gần 2 năm trước”.

Tuy nhiên, theo thông tin từ Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Chủ tịch Nguyễn Tuấn Hải và Alphanam thoái vốn khỏi Hùng Tiến Kim Sơn vào tháng 8/2016. Cụ thể, trước khi thoái vốn, Tập đoàn Alphanam sở hữu 74,42% vốn điều lệ tại chủ đầu tư dự án Sakura 47 Vũ Trọng Phụng, còn ông Nguyễn Tuấn Hải sở hữu 16,28%.

Đến nay, Hùng Tiến Kim Sơn không thể hiện cổ đông sáng lập, góp vốn. Tuy nhiên, theo nguồn tin của PV, chủ dự án Sakura 47 Vũ Trọng Phụng hiện nay là công ty con của Công ty cổ phần viễn thông Thăng Long.

Người đại diện pháp luật hiện nay của cả Hùng Tiến Kim Sơn và Viễn thông Thăng Long là ông Nguyễn Tuấn Hoàng (SN 1975). Ông Hoàng là người có liên quan mật thiết với Alphanam của chủ tịch Nguyễn Tuấn Hải.

Ngoài hai công ty trên, ông Nguyễn Tuấn Hoàng còn là đại diện pháp luật của Công ty cổ phần bất động sản Hoa Anh Đào – một công ty con của Tập đoàn Alphanam.

Một dữ liệu của PV cho thấy, năm 2017, ông Nguyễn Tuấn Hải, Tập đoàn Alphanam và Công ty TNHH Hoàng Tử đã dùng toàn bộ 20 triệu cổ phần tại Công ty Hoa Anh Đào do ông Nguyễn Tuấn Hoàng làm đại diện pháp luật để thế chấp cho một khoản vay tại ngân hàng SHB. Đến năm 2018, Tập đoàn Alphanam và Chủ tịch Nguyễn Tuấn Hải lại thoái vốn khỏi Công ty Hoa Anh Đào.

Ngoài ra, Công ty Hoa Anh Đào còn dùng quyền đòi nợ từ các hợp đồng mua bán các sản phẩm căn hộ tại dự án King Palace 108 Nguyễn Trãi để thế chấp cho khoản vay trên.

Tháng 11/2020, Công ty Hoa Anh Đào lại mang 141 hợp đồng mua bán căn hộ tại dự án King Palace 108 Nguyễn Trãi dùng làm tài sản đảm bảo tại ngân hàng Maritimebank.

TTCP chỉ ra sai phạm tại dự án 47 Vũ Trọng Phụng và 108 Nguyễn Trãi

Mới đây, Thanh tra Chính phủ (TTCP) công khai Kết luận thanh tra về một số dự án đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách, nguồn vốn vay; việc chuyển đổi, chuyển nhượng nhà đất của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, nhà đất có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại Hà Nội (giai đoạn 2003-2016).

Qua thanh tra, TTCP phát hiện nhiều thiếu sót, vi phạm về đất đai, quy hoạch xây dựng, tài chính… đối với các dự án này. Điều đáng nói, hầu hết những cơ nhà đất trên sau chuyển đổi, chuyển nhượng đều được chủ đầu tư xây cao ốc, xây chung cư đến bán cho người dân về từ nhiều năm nhưng đến nay, cơ quan chức năng vẫn chưa xử lý hết sai phạm.

Trong đó có thể kể đến dự án Sakura 47 Vũ Trọng Phụng và dự án King Palace 108 Nguyễn Trãi.

Cụ thể, tại dự án nhà ở cao tầng kết hợp dịch vụ, công cộng – Sakura Tower tại 47 Vũ Trọng Phụng do Công ty cổ phần Hùng Tiến Kim Sơn làm chủ đầu tư. Kết luận thanh tra chỉ rõ, chủ đầu tư dự án khởi công công trình trước khi được UBND thành phố Hà Nội cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án; trước khi cấp phép xây dựng vi phạm Luật đất đai 2003, Luật Xây dựng 2003.

Bên cạnh đó, chủ đầu tư xây dựng công trình 28 tầng, vượt 2 tầng căn hộ so với phương án kiến trúc và hồ sơ xin phép xây dựng; xây tầng kỹ thuật không đúng với quy hoạch được phê duyệt và tự ý chuyển đổi công năng. Cụ thể, tầng kỹ thuật giữa tầng 2 và 3 hiện đang cho thuê làm văn phòng; tầng kỹ thuật giữa tầng 11 và 12 hiện đã chia thành 14 căn hộ để ở đã bán cho khách hàng.

Ngoài ra, chủ đầu tư xây dựng 78 căn hộ không đúng với hồ sơ cấp phép, dẫn đến người mua nhà chưa được cấp Giấy chứng nhận sở hữu nhà ở gây bức xúc, ảnh hưởng đến quyền lợi người mua nhà. “UBND TP Hà Nội không xử lý các sai phạm của chủ đầu tư, để tồn tại nhiều năm gây thất thoát ngân sách”, thông báo kết luận thanh tra nêu rõ.

Còn tại dự án King Palace 108 Nguyễn Trãi, theo kết luận thanh tra, Thủ tướng đã có quyết định quy định việc các doanh nghiệp có quyền sử dụng đất cũ phải di dời được phép hợp tác đầu tư với nhà đầu tư khác để thực hiện dự án. Tuy nhiên, UBND Thành phố Hà Nội không có văn bản hướng dẫn và quy định cụ thể nên các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước khi đưa vị trí đất vào hợp tác liên doanh đã xác định giá chưa sát thị trường.

BẠCH HIỀN - Người Đưa Tin Pháp Luật