Chưa xử phạt người không phân loại rác từ ngày 25/8, vì sao?

Theo lãnh đạo Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), ngày 25/8 tới đây chưa xử phạt trường hợp không phân loại rác tại nguồn.

Theo Nghị định 45/2022, có hiệu lực từ ngày 25/8 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, hộ gia đình, cá nhân không phân loại; hoặc không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đến 1.000.000 đồng.

Điều này khiến nhiều cơ quan quản lý và người dân cảm thấy băn khoăn. Đa phần đều cho rằng chưa được hướng dẫn về thực hiện quy định này nhưng đã có thời hạn xử phạt. Đặc biệt là chưa có lộ trình với kế hoạch chi tiết, tuyên truyền thay đổi nhận thức,...

Trước băn khoăn này, ông Nguyễn Hưng Thịnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài Nguyên và Môi trường) nói, nhiều người đang có cách hiểu chưa đúng về thời điểm áp dụng xử phạt đối với hành vi không thực hiện phân loại rác thải từ đầu nguồn.

Ông Thịnh cho biết: “Từ ngày 25/8 Nghị định 45 có hiệu lực, tức là thời điểm Nghị định có hiệu lực chứ không phải thời điểm áp dụng chế tài xử phạt.

Cũng giống như Luật Bảo vệ Môi trường 2020 có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, nhưng một số chế định ghi trong Luật thực hiện có lộ trình. Đến thời điểm có lộ trình đó thì mới triển khai thực hiện, còn những điều khoản thi hành chung thì đương nhiên vẫn có hiệu lực từ thời điểm Luật được ban hành. Quy định về phân loại rác thải từ đầu nguồn cũng như vậy”.

Theo quy định tại Điều 75, Luật Bảo vệ Môi trường, UBND cấp tỉnh dựa vào hướng dẫn của Bộ Tài Nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) để xây dựng hướng dẫn về phân loại chất thải tại nguồn.

Ông Thịnh cho biết, Tổng cục Môi trường đang chuẩn bị lấy ý kiến các địa phương về hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Sau khi Bộ TN&MT ban hành hướng dẫn về phân loại rác thải, các tỉnh, thành phố sẽ căn cứ vào điều kiện thực tế về hạ tầng kỹ thuật, công nghệ xử lý rác… ở địa phương mình để quy định chi tiết việc này.

“Tùy vào thực tế của các địa phương mà quyết định phân loại như thế nào. Tinh thần của Luật là phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn do UBND cấp tỉnh quy định. Lộ trình thực hiện chậm nhất là vào ngày 31/12/2024. Luật cho 3 năm để triển khai áp dụng chế tài này. Chỉ khi các địa phương ban hành các quy định triển khai cụ thể, lúc đó mới áp dụng xử phạt. Còn thời điểm 25/8 tới đây là thời điểm Nghị định 45 có hiệu lực chung, chưa phải là thời điểm xử phạt", VOV dẫn lời ông Nguyễn Hưng Thịnh nói.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Hưng Thịnh cho biết thêm: "Luật cũng giao cho UBND cấp tỉnh ban hành quy định cụ thể để triển khai tại từng địa phương, 63 tỉnh tùy theo điều kiện, đặc thù của từng địa bàn, miền núi khác, nông thôn khác, đô thị khác, nên từng địa phương sẽ ban hành quy định cụ thể của từng địa phương. Đó là quy định sau này áp dụng cho từng hộ dân, hộ gia đình là trách nhiệm của UBND cấp tỉnh".

Liên quan đến vấn đề này, theo GS.TS Nguyễn Hoàng Trí, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục môi trường (Đại học Sư phạm Hà Nội), sự cần thiết phải có quy định rõ ràng về mặt thu gom, phân loại rác tại nguồn, đó là một trong những giải pháp về mặt kinh tế, chính sách. Song song với giải pháp đó, vẫn cần có sự nâng cao nhận thức của người dân bằng các phương tiện truyền thông đại chúng, báo chí... giúp người dân thay đổi hành vi của mình. "Bên cạnh đó, cần chính sách cung cấp thiết bị cần thiết để quá trình phân loại rác được thực hiện thành công", ông Trí chia sẻ với Lao Động.

Theo VnExpress, báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia năm 2019 của Bộ TN&MT cho biết, mỗi ngày cả nước phát sinh gần 65.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt, trong đó Tp. HCM khoảng 9.500 tấn, Hà Nội hơn 6.500 tấn.

Năm 2007, Hà Nội thí điểm thu gom, phân loại chất thải tại nguồn ở phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm. Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá dự án bước đầu đưa được khái niệm phân loại rác vào nhà trường và nhân rộng ra các phường. Tuy nhiên, sau khi dự án kết thúc, việc phân loại không được duy trì.

Một số địa phương khác đã thí điểm phân loại rác tại nguồn nhưng không đạt kết quả hoặc không được duy trì gồm: Tp.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ năm 2017, Bắc Ninh năm 2014, Hưng Yên năm 2012, Lào Cai 2016.