Liên tiếp ghi nhận các trường hợp ngộ độc hóa chất
Thời gian gần đây, các bệnh viện trong nước đã ghi nhận các trường hợp trẻ em bị ngộ độc do uống nhầm nước tẩy rửa, dung dịch trong thuốc lá điện tử, thậm chí là thuốc trừ sâu, thuốc diệt chuột… Các loại dung dịch này thường có màu sắc bắt mắt, được người lớn đựng trong chai nước ngọt, nước suối tái sử dụng…
Khi để những đồ vật này ở gần tầm tay của trẻ tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc hóa chất cho trẻ, bởi trẻ nhỏ vốn hiếu động, chưa có ý thức, thấy những loại chai lọ màu sắc sặc sỡ hấp dẫn khiến bé tò mò, cầm chơi, thậm chí uống ngay.
Theo BS. Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt Nga - Bộ Quốc phòng, trẻ uống nhầm hóa chất thường có biểu hiện như ho sặc sụa, cơ thể tím tái, hơi thở có mùi hóa chất… Nếu nuốt phải hóa chất có tính ăn mòn, có thể xuất hiện vết bỏng quanh vùng miệng.
Ngoài ra, các biểu hiện khác do uống nhầm hóa chất như buồn nôn, nôn, môi lưỡi đỏ hoặc phồng rộp, đau bụng… Trẻ khó thở, nhịp thở nhanh, da tím tái, quan sát thấy cánh mũi phập phồng, co kéo cơ hô hấp ở cổ, có biểu hiện của suy hô hấp.
Trường hợp nặng, trẻ có thể bị mất ý thức, hoảng loạn, la khóc, thậm chí rơi vào trạng thái hôn mê bất tỉnh.
Bác sĩ đưa ra khuyến cáo
Gần đây nhất, Trung tâm Y tế thành phố Móng Cái (Quảng Ninh) cũng vừa tiếp nhận cấp cứu trường hợp trẻ nhập viện trong tình trạng bỏng kết mạc, giác mạc do hóa chất tẩy rửa.
Theo các bác sĩ, trên thực tế đã có rất nhiều trường hợp trẻ em bị ngộ độc, tai nạn thương tích: bỏng, đuối nước, ngộ độc do uống nhầm thuốc trừ sâu, thuốc diệt chuột, thuốc chữa bệnh, nước tẩy rửa… nguyên nhân phần lớn đều do sự bất cẩn của người lớn khi để các đồ vật có nguy cơ gây hại ở gần tầm tay của trẻ, đựng trong chai nước ngọt… tạo sự tò mò và nhầm lẫn ở trẻ.
Qua sự việc trên, các bác sĩ cảnh báo về tình trạng trẻ nhỏ bị bỏng do sự bất cẩn của người lớn và khuyến cáo phòng tránh ngộ độc hóa chất cho trẻ như sau:
Để các loại thuốc, hóa chất gia dụng ở những nơi an toàn, tránh xa tầm tay trẻ nhỏ. Với những hóa chất có độc tính cao như dung môi pha sơn, các loại thuốc diệt côn trùng… nên để ở những nơi riêng biệt, khóa cẩn thận.
Không dùng chai đựng nước uống để đựng hóa chất và ngược lại, cũng không nên dùng chai đựng hóa chất trước đó để đựng nước.
Không để bất cứ loại hóa chất nào trong khu vực trẻ em thường vui chơi qua lại.
Không nên để trẻ tự chơi một mình, nên có người lớn hướng dẫn và theo dõi chăm sóc trong quá trình vui chơi.
Ngăn cấm trẻ không được đến những nơi có chứa hóa chất.
Nên ưu tiên mua những sản phẩm tẩy rửa có nguồn gốc thiên nhiên ít độc hại sẽ tốt hơn.
Xử trí ra sao khi trẻ bị ngộ độc hóa chất?
Khi phát hiện trẻ có những biểu hiện ngộ độc nêu trên, cha mẹ cần nhanh chóng xử trí bằng cách trấn an tinh thần của bé và tìm hiểu về loại hóa chất mà bé đã uống nhầm hoặc tiếp xúc.
Nếu trẻ còn tỉnh táo, cần cho trẻ uống thật nhiều nước và nhanh chóng gây nôn càng sớm càng tốt để tống ngược chất độc ra ngoài.
Tuy nhiên, đối với trường hợp bị ngộ độc xăng hoặc các hóa chất dễ bay hơi, cha mẹ không được tiến hành gây nôn. Việc này có thể khiến hơi hóa chất tràn vào khí quản, dẫn đến tăng mức độ ngộ độc, có thể gây bỏng. Thay vào đó, có thể dùng bột gạo, sữa, bột mì, nước cháo, lòng trắng trứng gà để cho bé ăn.
Trường hợp trẻ ngộ độc kim loại nặng như chì, thủy ngân nên cho trẻ ăn lòng trắng trứng và sữa để tạo phản ứng kết tủa nhằm hạn chế chất độc ngấm vào bên trong cơ thể trẻ, bảo vệ thành ruột và niêm mạc dạ dày để ngăn không cho hấp thụ hóa chất.
Sau khi đã sơ cứu tại chỗ, cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để các bác sĩ đưa ra phương án điều trị thích hợp như rửa ruột, truyền thuốc giải độc…
Lam Anh (t/h theo Sức Khỏe& Đời Sống, VTV)