Cơ chế hoạt động của vaccine Covid-19 do Nga sản xuất

Vaccine của Nga dựa trên công nghệ vector, đưa mã gene virus vào cơ thể, được bác sĩ ví như dùng tên lửa đẩy vệ tinh Sputnik vào không gian.

Cơ chế của nó là sử dụng virus vô hại đưa protein của nCoV vào tế bào người, giúp kích thích phản ứng của hệ miễn dịch.

Vector là một virus thiếu đi đoạn gene giúp tái tổ hợp, tự nhân lên, được các nhà khoa học sử dụng để vận chuyển vật chất di truyền của một loại virus khác vào tế bào người. Từ đó, hệ miễn dịch sẽ nhận biết mầm bệnh, sản sinh kháng thể hoặc tế bào T (tế bào miễn dịch) để tự bảo vệ.

Vector không gây hại cho cơ thể. Trong một số trường hợp, vi khuẩn giảm độc lực cũng có thể được sử dụng làm vector, song không phổ biến bằng virus. Vaccine sử dụng công nghệ vector thường dùng để ngăn ngừa các mầm bệnh đường hô hấp.

Hình ảnh hai virus vector của vaccine, chứa đoạn mã gene lấy từ nCoV. Đồ họa: Sputnik

nCoV sở hữu một thành phần được gọi là protein S, tạo thành các gai đặc trưng trông như "vương miện" , bao bên ngoài vỏ virus. Đây là chìa khóa giúp chúng gắn chặt vào tế vào, xâm nhập vật chủ một cách thuận lợi hơn.

Đối với vaccine Nga, ở mũi tiêm đầu tiên, vector là virus cảm cúm vô hại đưa protein S của nCoV vào tế bào. Cơ thể bắt đầu nhận diện được mầm bệnh, từ đó kích hoạt hệ miễn dịch, sinh ra kháng thể.

Một vector của vaccine chỉ tạo được phản ứng miễn dịch ngắn hạn cho cơ thể, vì vậy cần tiêm mũi thứ hai.

"Để kéo dài khả năng miễn dịch, một đoạn gene tương tự của nCoV được đưa vào cơ thể sau ba tuần, sử dụng ‘xe đẩy’ khác. Kết quả, cơ thể không kháng được virus vô hại ban đầu, nhưng lại hình thành hàng rào bảo vệ với Covid-19", bác sĩ Sergei Tsarenko, Phó trưởng khoa gây mê và hồi sức tại Bệnh viện thành phố Moskva, nói.

Mũi tiêm thứ hai diễn ra sau đó 28 ngày, vaccine sử dụng một loại virus vô hại khác, kích thích hệ miễn dịch lâu dài.

Về cơ bản, sản phẩm bao gồm hai thành phần: virus vô hại (phương tiện chuyên chở) và một đoạn của bộ gene nCoV.

Bác sĩ Sergei Tsarenko, Phó trưởng khoa gây mê và hồi sức tại Bệnh viện thành phố Moskva, sử dụng hình ảnh "tên lửa đẩy" để giải thích ý tưởng này rõ hơn. Virus cúm đóng vai trò như phương tiện, mang theo một phần của nCoV vào cơ thể người, từ đó hệ miễn dịch nhận biết mầm bệnh. Đây cũng là lý do vì sao vaccine được gọi là Sputnik, theo tên vệ tinh đầu tiên trên thế giới "Sputnik 1" được Liên Xô phóng lên vũ trụ năm 1957.

Vaccine dựa trên vector không phải khái niệm quá mới mẻ. Nó từng được sử dụng để điều chế liều tiêm phòng bệnh Ebola. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên các nhà khoa học sử dụng tới hai loại vector để mang mã di truyền của virus vào cơ thể. Phương pháp được phát triển bởi Trung tâm Nghiên cứu Gamaleya, Nga, độc đáo hơn so với các đơn vị đối thủ trên thế giới.

Đến nay, toàn cầu có hơn 150 loại vaccine đang trong các giai đoạn nghiên cứu khác nhau, trong đó 29 "ứng viên" đã bước vào khâu thử nghiệm cuối cùng, trên hàng chục nghìn tình nguyện viên. Các loại vaccine dựa trên nhiều công nghệ khác nhau như vật chất di truyền - RNA (sản phẩm của Moderna), vector (vaccine của Đại học Oxford phối hợp AstraZeneca), vaccine truyền thống (của công ty công nghệ sinh học Trung Quốc SinoVac)...