Cô gái bị biến dạng khuôn mặt khi trang trí phòng cưới, chuyên gia cảnh báo “quả bom” nổ chậm trực chờ ở những buổi tiệc

CTV
Việc dùng những quả bóng bay trang trí ở các bữa tiệc, sự kiện nếu không biết rõ nguồn khí bơm bên trong thì không khác gì đang ở cạnh bom nổ chậm, chúng có thể gây hại khủng khiếp với sức khỏe.

Mới đây trên mạng xã hội xuất hiện dòng chia sẻ về việc một thanh niên khi đang bơm bóng bay trang trí thì quả bóng phát nổ khiến cơ thể bị thương tích. Theo chia sẻ của cô gái này, khi đặt bóng, người bán có nói là bóng bơm khí ô xy và dặn không để gần lửa, tàn thuốc vì sẽ gây cháy… Ngoài ra, gia đình không nhận được bất kỳ căn dặn hay tư vấn nào khác.

Vì vậy, khi thấy bóng không còn bay, cô gái liền tháo hơi ra để dùng bơm điện bơm hơi vào với mục đích cho bóng bay lên. “Em tháo hơi ra cũng không hề có mùi giống như bóng bay ô xy hình con vật ngoài chợ, quả bóng cũng rất dày... Tưởng nó bình thường nên em dùng bơm điện, bơm hơi vào, thế là “BÙM”. Em bơm ở góc phòng mà khí nó nén vỡ tan cả cửa kính phòng luôn, khoảng cách phải 2 mét. Đúng kiểu tiền mất tật mang, đẹp phòng cưới được 30 phút thì bay ngay cái mặt tiền.

Nội dung chia sẻ trên mạng xã hội và hình ảnh thương tích sau vụ nổ bóng bay.

Cho đến bây giờ, mỗi khi nhìn mặt mình trong gương, thực sự em trách bản thân, trách cả người làm trong nghề trang trí phòng cưới, sự kiện… Nếu hôm đó thay vì chỉ có mình em, mà còn thêm con em nữa thì không hiểu mọi chuyện sẽ như nào? Bản thân em không dám nghĩ tới. Đúng là hiện đại hại tiền thêm nguy hiểm”, người này chia sẻ.

Trao đổi với PV, bác sĩ Nguyễn Thống - nguyên Trưởng khoa Bỏng (Bệnh viện Xanh Pôn) cho biết, tình trạng bỏng do nổ bóng bay diễn ra ngày càng nhiều, với các mức độ khác nhau, những trường hợp nhẹ thường họ ít đến bệnh viện mà tự sơ cứu ở nhà.

Bác sĩ Thống chỉ ra rằng, tai nạn nổ bóng bay chủ yếu diễn ra ở các cuộc vui trong đó nhiều nhất là các buổi tổ chức sinh nhật, buổi họp lớp, ngày cưới… "Tôi từng tiếp nhận và điều trị cho chính chú rể phải nhập viện do nổ bóng bay trong ngày cưới vì tay vừa cầm điếu thuốc vừa trang trí sân khấu. Hay trường hợp đặc biệt hơn là trong buổi lễ mừng thọ bà, cả hai bà cháu cũng bị bỏng phải vào viện do bóng bay phát nổ”, bác sĩ Thống cho hay.

BS Thống cho rằng, chính ở những cuộc vui mọi người sẽ chìm đắm trong hạnh phúc, trong không khí vui vẻ mà không để ý khi tháo dỡ, trang trí bóng bay, từ đó dẫn đến nổ và gây tai nạn. Ông Thống cũng nhấn mạnh, chỉ loại bóng bay bơm bằng khí hydro khi nổ mới gây bỏng và có tính sát thương cao.

BS Thống cho biết, có rất nhiều vụ nổ bóng bay xảy ra trong các buổi tiệc. Ảnh: Lê Phương

Theo vị bác sĩ này lý giải, khí hydro ở Việt Nam rất nhiều và rẻ nên được các công ty tổ chức sự kiện sử dụng nhiều. Loại khí này rất dễ phát nổ khi tiếp xúc với nguồn nhiệt, thậm chí là ánh nắng mặt trời. Hay như trường hợp trên, khi bơm hơi mới vào dưới áp lực lớn cũng có thể gây nổ. “Một quả bóng nổ có thể sẽ không sao, nhưng khi một quả nổ sẽ kéo theo một chùm bóng nổ thì nhiệt độ tự cháy của khối hydro rất cao, vì thế có thể gây bỏng da, cháy tóc, mù mắt”, bác sĩ Thống cảnh báo.

Để tránh tai nạn bỏng do nổ bóng bay bơm khí hydro gây ra, BS Thống cho rằng, cần quản lý chặt nguồn cung cấp, cấm bán loại bóng bay này. Hơn nữa, mọi người nên cảnh giác, nhất là trẻ nhỏ, khi chơi và đứng gần loại bóng bay được coi như “bom nổ chậm" này.

Với trường hợp bị bỏng do nổ bóng bay bơm khí hydro, bác sĩ Nguyễn Thống cho biết, mọi người cần dùng nước sạch để rửa vết thương, giúp hạn chế phù nề và không lan rộng ra bộ phận khác. Tiếp theo, dùng kéo khéo léo cắt quần áo và nhẹ nhàng lấy trang sức trên người nạn nhân. Cuối cùng là dùng bông băng y tế (vải mềm) cuốn bên ngoài vết bỏng vừa đủ và chuyển nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất.