Ngoài bố mẹ, mỗi ngày trẻ sẽ được tiếp xúc với thầy cô giáo ở trường học. Sự phát triển về tri thức, hành vi và nhân cách của trẻ đều sẽ bị ảnh hưởng từ chính bản thân thầy cô, cũng như cách mà thầy cô giáo dục học sinh. Vì lẽ đó mà dù chỉ là những trò vui đùa trong lớp học, thì nó vẫn phải ở một giới hạn phù hợp, nếu thầy cô làm lố thì người bị tác động tiêu cực nhất không ai khác chính là bọn trẻ.
Kể từ khi kỳ nghỉ hè kết thúc và học sinh trên khắp cả nước dần quay trở lại trường học, thì dạo gần đây trên mạng xã hội liên tục xuất hiện những bài chia sẻ có phần không hay xoay quanh các vấn đề liên quan đến trường lớp. Đơn cử như mới đây, cõi mạng “dậy sóng” câu chuyện về một giáo viên mầm non đã đăng tải đoạn clip gây “phản cảm”.
Trong đó, ghi lại hình ảnh các bé học sinh bị bắt “đeo gông” ở cổ tay giống tù nhân ngày xưa vì bị gán các "tội danh" như “thánh dỗi của lớp”, "7h30 vào lớp, 10h mới có mặt", "ăn chậm nhất lớp", "ẻ nhiều nhất lớp", “sơ hở là khóc”, “bà tám của lớp”, “cô nói 1, trả treo 10”. Được biết, đeo còng tay giấy vốn là "trend" trên TikTok khá nổi trong suốt một khoảng thời gian dài, được nhiều người hưởng ứng, trong đó không chỉ có thầy cô giáo mà còn có cả phụ huynh cũng thực hiện với con mình.
Ban đầu “trend” được tạo ra với mục đích tạo niềm vui, thế nhưng một bộ phận lớn bố mẹ cảm thấy đây là một trò đùa “nhạy cảm”, và nó càng ngày càng lố khi có sức lan tỏa mạnh mẽ trên MXH. Việc con cái của họ bị thầy cô giáo chụp hình, rồi đăng công khai trong tình huống này được đánh giá là hành động phản giáo dục và cần lên án, bởi nó thực sự xâm phạm không nhỏ đến quyền riêng tư của những đứa trẻ.
Vì còn nhỏ, nhận thức chưa hoàn thiện nên các bé trở thành đối tượng để người lớn “câu view”, nhưng khi trẻ lớn hơn và nhìn thấy gương mặt của mình bỗng dưng bị “bêu riếu” trên khắp truyền thông cả nước như thế, tâm lý trẻ chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Mỗi đứa trẻ đều có tốc độ phát triển khác nhau, điểm mạnh và điểm yếu riêng, trách nhiệm của các nhà giáo, của bố mẹ là giúp con phát huy điểm mạnh, và sửa đổi hoặc loại bỏ điểm yếu. Chứ không thể nào làm những việc vô bổ, thậm chí là hại hơn lợi giống như trò đùa này.
Bên cạnh đó, cha mẹ cũng nên biết rằng, khi trẻ lớn dần thì con sẽ có những quyền tự do cá nhân, thích được làm chủ bản thân mình và không thích hình ảnh riêng tư của bản thân bị đem ra bàn tán, nhất là với những lời lẽ không hay. Đôi khi việc làm tưởng đùa vui của người lớn, của thầy cô giống như ở trên sẽ vô tình đem lại những hệ quá xấu cho tương lai trẻ sau này. Do đó, cha mẹ cần lưu ý trước khi muốn đăng tải bất kỳ hình ảnh nào của con lên mạng xã hội:
- Tạo cơ hội cho những kẻ bắt cóc
Không chỉ ảnh mà cha mẹ còn đưa quá nhiều chi tiết về bé, như đang đi đâu, làm gì, ăn gì, giờ giấc ra sao, học trường nào…Đây là những thông tin mà bọn chuyên bắt cóc trẻ dựa vào để dễ dàng hành động. Trẻ con vẫn chưa biết cách để tự bảo vệ mình, và rất dễ tin tưởng nếu người lạ nói đúng tên tuổi, thông tin của bé. Thế nên, cha mẹ càng phải bảo vệ những thông tin cá nhân của con vì lý do an toàn.
- Dễ bị kẻ xấu lợi dụng
Rất nhiều kẻ xấu thường xuyên săn lùng hình ảnh các em bé trên mạng để trục lợi cho mình. Trên các trang tin, đặc biệt ở các nước phương Tây, đã rất nhiều các câu chuyện phụ huynh tá hỏa khi phát hiện ảnh con em mình xuất hiện trên các trang web khiêu dâm.
- Trẻ nhận bình luận xấu, chỉ trích
Chúng ta nên nghĩ về cái giá phải trả khi đăng tải một bức ảnh, đặc biệt nếu đó là tấm hình của con cái. Có nhiều hành động với cha mẹ là bình thường nhưng người ngoài - không hiểu hết câu chuyện, lại nhảy vào chỉ trích.
- Ảnh hưởng tương lai của trẻ
Những thông tin bố mẹ đăng tải có thể là những thông tin đứa trẻ sẽ không muốn thấy về sau này. Những hình ảnh xấu của trẻ hồi bé như khóc nhè, cắn móng chân,...có thể là lí do khiến bé bị bạn bè trêu chọc, bắt nạt sau này.
Thậm chí, khi mà hiện nay nhiều nhà tuyển dụng đã sử dụng mạng xã hội để tìm kiếm thông tin về ứng viên vì việc đăng tải hình ảnh càng cần phải cẩn thận. Ở nước ngoài, đã có những chiến dịch cho phép trẻ em được quyền gỡ những thông tin liên quan tới chúng ở một độ tuổi nhất định (16 tuổi) để tránh ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống cá nhân.