Cô giáo tiểu học quyết tâm áp dụng "Học thông qua chơi" vào mọi bài giảng để thu hút học sinh

CTV
Mặc dù không ít người cho rằng “chơi” hoàn toàn tách biệt với “học” nhưng cô Hoàng Thị Hương - Giáo viên dạy lớp 1, trường tiểu học Đạo Đức, xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang lại có một hành trình khác biệt - gỡ bỏ quan điểm này và mang đến những giá trị tích cực cho bản thân cùng học sinh.

Học sinh vui vẻ, cô giáo không mệt mỏi dù phải điều chỉnh kế hoạch dạy học

Những ngày đầu khi nghe đến việc áp dụng Học thông qua Chơi (HTQC) vào hoạt động giảng dạy, cô Hương cảm thấy điều này còn mơ hồ với mình. Bởi lẽ, với thâm niên làm giáo dục hơn 24 năm, cô e ngại khi phải thay đổi cấu trúc bài giảng, cách thức dạy học và thậm chí phải chuẩn bị nhiều nguyên vật liệu và thiết bị hỗ trợ để phục vụ tiết học. Hơn nữa, không nằm ngoài quan điểm “Học cho ra học, chơi cho ra chơi", cô vẫn có nhiều trăn trở và ngại thay đổi.

Nhưng với tình yêu nghề, cô đã cho bản thân một cơ hội thay đổi góc nhìn để hành trình dạy học trở nên hiệu quả hơn bằng việc tham gia dự án “Lồng ghép Học thông qua Chơi trong giáo dục tiểu học tại Việt Nam” (iPLAY). Qua đó, người làm nghề giáo như cô có dịp nhìn nhận đúng về hướng tiếp cận giáo dục này. Điểm nhấn của HTQC là sử dụng và kết hợp nhiều phương pháp, kỹ thuật khác nhau trong cùng một tiết học. Cũng chính vì thế mà “chơi" trong HTQC không đơn thuần chỉ là trò chơi mà thực chất là hoạt động khám phá, thử nghiệm, tìm tòi.

Ngoài ra, HTQC cũng thúc đẩy tinh thần tự chủ của học sinh và khuyến khích các em tương tác để giải quyết vấn đề. Do vậy, cô Hương cũng không còn quá bận tâm đến việc phải chuẩn bị thật nhiều dụng cụ hay lo ngại về sĩ số học sinh hay diện tích lớp học. Cô nhận ra, HTQC có thể áp dụng linh hoạt ở bất kỳ không gian nào, với bất kỳ dụng cụ học tập sẵn có nhưng vẫn đảm bảo các yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Lớp học năng động của các em học sinh lớp 1/X trường tiểu học Đạo Đức, tỉnh Hà Giang

Tâm sự về lý do giúp bản thân thay đổi suy nghĩ, “người mẹ thứ 2” của học sinh lớp 1A2 chia sẻ: “Nhìn các em tiếp thu kiến thức một cách vui vẻ khiến tôi rất hạnh phúc. Cho nên, dù phải điều chỉnh kế hoạch dạy học, tôi cũng không thấy mệt mỏi, trái lại còn có động lực hơn".

Tạo không khí thoải mái bằng cách khuyến khích học sinh

Với động lực này, cô Hoàng Thị Hương đã trở thành một trong những giáo viên điển hình áp dụng thành công HTQC ở tỉnh Hà Giang. Cô chủ động lồng ghép HTQC vào tất cả bài giảng, đặc biệt ở môn Tiếng Việt. Cô cho rằng đối với học sinh mới chập chững tiếp cận mặt chữ, việc tạo cảm hứng học sẽ giúp các em hiểu bài sâu hơn và nhớ bài lâu hơn.

Trong các phương pháp giảng dạy để áp dụng HTQC, cô Hương đặc biệt yêu thích các hoạt động mô phỏng vì tính ứng dụng cao. Chẳng hạn như khi dạy vần “oan" và “oăn", cô chia lớp học thành 2 đội chơi. Từng đội mô phỏng hành động có chứa vần vừa được học, đội thua sẽ nhảy lò cò quanh lớp. Các em đã thảo luận với nhau rất sôi nổi để thử thách đội bạn với hàng loạt từ như “máy khoan”, “ngoan ngoãn”, “khỏe khoắn”... Những tiếng cười hào hứng, những đôi mắt lấp lánh ngày hôm đó chính là “quả ngọt” mà cô Hương đã nỗ lực “vun trồng”, giúp bản thân có thêm cảm hứng để biên soạn những tiết học hấp dẫn hơn nữa.

Các tiết học của cô Hương luôn tạo điều kiện cho học sinh có nhiều cơ hội thử nghiệm và tham gia tích cực vào bài học.

Thông qua việc áp dụng HTQC, cô Hương cũng nhận ra tầm quan trọng của việc động viên học sinh khi các con làm sai: “Tâm lý chung của các con là sợ trả lời sai. Lúc đó, tôi thường tạo không khí thoải mái bằng cách khuyến khích các con. Tôi sẵn sàng thực hiện hình phạt cùng đội thua và tạo cơ hội mới để các con tìm ra đáp án đúng trong những cơ hội sau. Nhờ đó, học sinh dần mở lòng và tự tin thể hiện mình, tình cảm cô trò cũng từ đó ngày càng gắn bó hơn.

Lan tỏa và nhân rộng Học thông qua Chơi

Sau thành công bước đầu, cô Hương tiếp tục lan tỏa HTQC đến đồng nghiệp và cha mẹ học sinh. Các thầy cô công tác cùng trường thường dự giờ lớp của cô và được truyền cảm hứng để áp dụng HTQC vào giảng dạy. Nhiều thầy cô phấn khởi khi học sinh lớp mình hứng thú, say mê bài giảng và ngày càng tiến bộ.

Cô còn thành công mang HTQC đến cha mẹ học sinh. Cô nhớ lại: “Khi nghe học sinh nói ở lớp con được chơi vui lắm thì nhiều cha mẹ rất ngạc nhiên. Họ nghĩ rằng con lo chơi thì thời gian đâu mà học. Nhưng sau khi tôi mời họ đến dự giờ và triển khai HTQC, họ bắt đầu ủng hộ và đồng hành cùng tôi để áp dụng HTQC ở nhà". Nhiều cha mẹ không ngại chơi đếm số cùng con, ủng hộ con sáng tạo làm diều hay thậm chí diễn tả các hành động mô phỏng cho con đoán. Nhìn sự hỗ trợ nhiệt tình ấy, cô Hương càng tin rằng bản thân mình đã làm đúng và có thêm động lực để lan tỏa HTQC đến thật nhiều đồng nghiệp và cha mẹ học sinh.

Cha mẹ cùng con tham gia ngày hội HTQC tại trường tiểu học thuộc tỉnh Hà Giang

Không dừng lại ở đó, cô cho biết bản thân đang tiếp tục thử nghiệm các phương pháp khác nhau để áp dụng HTQC hiệu quả hơn. “Sắp tới, tôi dự định sẽ cho các em học nhóm với kỹ thuật “ổ bi" và lên kế hoạch cho những hoạt động mô phỏng thú vị hơn. Mong rằng các con sẽ thích thú hưởng ứng", cô Hương khấp khởi hy vọng.