Phản ánh với VietNamNet, chị B.T (28 tuổi) cho biết, nạn nhân của làm đẹp da cấp tốc là H. - chị gái mình. Chị H. hiện là giáo viên ở miền quê thuộc tỉnh Đồng Tháp.
Theo chị B.T, người chị gái bị nám hỗn hợp sau khi sinh, da không còn trơn láng nên muốn phục hồi. Khi người quen của gia đình mở một tiệm spa gần nhà, chị H. đến ủng hộ và hy vọng tìm lại làn da đẹp.
Tuy nhiên, yêu cầu đặt ra là dù bằng phương pháp gì cũng đừng làm sưng mặt hoặc da quá xấu vì chị H. vẫn phải lên lớp, gặp học sinh, đồng nghiệp. Spa cam kết 100% mọi yêu cầu của khách hàng.
Mặt chị H. sưng, bong tróc da sau 2-3 ngày dùng thuốc bôi có mùi rượu. Ảnh: NVCC
Theo chị T, sau các bước chăm sóc cơ bản, nhân viên spa lấy một chai thủy tinh hình dáng tương tự chai serum, bôi lên mặt chị H.
“Lúc bôi xong tôi ngửi thấy mùi giống như rượu thuốc xông thẳng lên mũi. Tôi hơi lo nhưng lại không hỏi kỹ xem đó là thuốc gì, có phải rượu không. Nếu biết là rượu thuốc chắc chắn tôi không đồng ý vì biết trước hậu quả!”, chị T. hối hận.
Theo mô tả, dung dịch bôi đựng trong một chai 30ml, có cặn bên dưới, không nhãn mác, khi dùng phải lắc đều. Mỗi chai dùng trong 4 ngày, thoa sáng trưa chiều tối, không được rửa mặt. Trong vòng 1 tháng, dùng đủ 5 chai chị H. sẽ có làn da căng mịn.
Toàn bộ chi phí cho việc làm đẹp trên hết 3.550.000 đồng, trong đó có thuốc bổ trắng da 1.200.000 đồng, dung dịch bôi mặt (có mùi rượu thuốc) 350.000 đồng. Đáng nói, theo chị T., toàn bộ mỹ phẩm, thuốc uống của spa này đều bị xé nhãn, không nhận diện được sản phẩm.
Chưa kịp có hy vọng thì khuôn mặt chị H. sưng tấy ngay sau đó 2-3 ngày.
“Lúc đó tôi biết là rượu thuốc rồi nhưng lỡ leo lên lưng cọp thì không xuống được, phải tiếp tục thoa cho lớp da cũ nó bong ra. Nhưng chị tôi càng thoa càng sưng, nhắn spa thì họ bảo đi mua thuốc giảm đau uống đi”.
Mặt chị H. biến dạng và da luôn nóng, đau rát. Chị stress nặng khi mỗi sáng thức dậy phải đối diện với khuôn mặt bong tróc, trầy trụa. 3 ngày sau, không chịu đựng được, chị H. uống kháng sinh để giảm sưng. Đồng thời, đến spa yêu cầu xả sạch lớp da tróc. Tại đây, nhân viên spa lại yêu cầu chị mua thêm bộ sản phẩm dưỡng da mới.
“Chúng tôi không đồng ý thì spa cho rằng khách hàng tự ý bỏ liệu trình nên da xấu là do khách tự chọn. Chúng tôi đã sơ suất khi không hỏi những thứ người ta bôi lên mặt mình là gì. Người dân ở quê đâu có rành những thứ này, nghĩ spa là xịn nên nói sao nghe vậy, rồi tiền mất tật mang”, chị T. nói.
Dung dịch bôi mặt có mùi rượu và thuốc trắng da spa bán cho khách hàng. Ảnh: NVCC
Bác sĩ CK1 Lư Huỳnh Thanh Thảo, Khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu TP.HCM cho biết, việc dị ứng, tai biến sau làm đẹp bằng rượu thuốc không phải là hiếm, xảy ra ở cả nam lẫn nữ. Nhiều người đã phải đến Bệnh viện Da liễu điều trị.
Trường hợp nhẹ chỉ bị kích ứng da tại chỗ, trường hợp nặng bị dị ứng lan ra toàn thân, hoặc nhiễm trùng rất nặng nề.
Theo bác sĩ Thanh Thảo, các sản phẩm có chứa rượu rất dễ gây kích ứng. Các hóa chất đưa vào nhằm làm bong tróc quá mức sẽ gây tổn thương da, có thể không hồi phục.
Bên cạnh đó, mỗi người có tình trạng da và bệnh lý da khác nhau. Những làn da nhạy cảm, dễ đỏ, da khô hoặc nhiều mụn rất dễ sinh ra dị ứng khi sử dụng các chất có mùi rượu và gây bong tróc. Khi đó, da bị tổn thương và lão hóa rất nhanh kèm theo tăng sắc tố sau này.
“Vì thế, đây là phương pháp làm đẹp không an toàn”, bác sĩ Thảo nhấn mạnh.
Ngoài ra, bác sĩ cũng khuyến cáo, đối với các sản phẩm không nhãn mác, người dân nên cẩn thận vì không rõ thành phần hay phù hợp với loại da của mình hay không. Nếu không, có thể gây ra biến chứng hoặc hậu quả nặng nề.
“Một làn da đẹp trước hết là làn da khỏe, chăm da như chăm một đứa trẻ, sẽ lớn từ từ mới đẹp và bền lâu. Chị em cần được bác sĩ đánh giá tình trạng da và có giải pháp phù hợp để làm đẹp”, bác sĩ nói.
Thời gian qua, các bệnh viện tại TP.HCM đã tiếp nhận không ít trường hợp biến chứng do phẫu thuật thẩm mỹ, làm đẹp da, tiêm filler... từ các spa dỏm, nhân viên thẩm mỹ không chuyên môn. Do đó, chị em cần hết sức tỉnh táo trước khi "chọn mặt, gửi vàng", tránh tình trạng từ khách hàng bỗng thành... nạn nhân.