Các dấu hiệu gây dị ứng cho trẻ, cha mẹ nên biết
Dị ứng đạm (protein) sữa bò (Cow’s milk protein allergy - CMPA) là bệnh thường gặp ở trẻ em đặc biệt là trẻ dưới một tuổi. Ước tính khoảng 2- 8% trẻ trong độ tuổi này dị ứng với đạm sữa bò. Với trẻ bú sữa mẹ, dị ứng đạm sữa bò chỉ chiếm 0,5% và triệu chứng dị ứng ở đối tượng này cũng nhẹ hơn rất nhiều. Phần lớn các trường hợp dị ứng đạm sữa bò sẽ hết dần khi trẻ lớn lên và rất nhiều trẻ không còn dị ứng đạm sữa bò khi lên 5 tuổi.
β-lactoglobulin ở trong sữa bò được coi là dị nguyên có tiềm năng gây dị ứng nhất và có thể tìm thấy trong sữa mẹ 4-6 giờ sau khi mẹ sử dụng sữa bò. Dị ứng đạm sữa bò được định nghĩa là phản ứng dị ứng qua trung gian miễn dịch với protein sữa bò.
Trẻ bị dị ứng đạm sữa bò sẽ xuất hiện các triệu chứng dị ứng sau khi trực tiếp sử dụng sữa bò (sữa công thức) hoặc thông qua protein sữa bò trong sữa mẹ khi bé bú mẹ (mẹ uống sữa bò). Hai thành phần protein trong sữa bò là casein và whey được coi là thủ phạm của dị ứng sữa bò.
Dị ứng đạm sữa bò khác với bất dung nạp sữa bò là phản ứng miễn dịch do thiếu men lactase, bệnh này khá hiếm gặp ở trẻ em, và thường xuất hiện sau khi bị nhiễm khuẩn đường tiêu hóa.
Dị ứng đạm sữa bò được chia làm 2 loại: Thứ nhất, dị ứng qua trung gian IgE (dị ứng nhanh). Thứ hai, dị ứng không qua trung gian IgE (dị ứng chậm). Hai loại này khác nhau về biểu hiện lâm sàng, phương thức chẩn đoán và tiên lượng.
Theo một nghiên cứu ở Đan mạch, 54% dị ứng đạm sữa bò là theo cơ chế miễn dịch qua trung gian IgE và 46% không theo cơ chế qua trung gian miễn dịch IgE. Dị ứng nhanh thường xảy ra vài phút đến 2 giờ, còn dị chậm xảy ra trong vòng 48 giờ đến 1 tuần sau khi sử dụng sữa hoặc các chế phẩm sữa.
Dị ứng chậm với đạm sữa bò thường khó nhận biết do các nguyên nhân sau: Triệu chứng xảy ra sau nhiều giờ thậm chí nhiều ngày sau sử dụng sữa; các triệu chứng dị ứng sữa xuất hiện ở đường tiêu hóa, ở da, hoặc đường hô hấp là các triệu chứng xảy ra thường xuyên ở trẻ và do rất nhiều nguyên nhân gây ra; không có xét nghiệm nào đặc hiệu để xác định chẩn đoán.
Dị ứng đạm sữa bò thường xảy ra sớm, ngay trong tháng đầu tiên khi sinh và hay đi kèm với nhiều triệu chứng ở các cơ quan khác nhau. Nếu trẻ có triệu chứng viêm da cơ địa, khò khè, thở rít, viêm mũi, trào ngược dạ dày thực quản hoặc viêm đại tràng, viêm ruột dị ứng… nên nghĩ đến dị ứng đạm sữa bò, đặc biệt trong trường hợp bé được điều trị với phác đồ chuẩn của các bệnh trên nhưng các triệu chứng không hết.
Viêm da cơ địa hay còn gọi là bệnh chàm là biểu hiện hay gặp nhất của dị ứng đạm sữa bò. Trong dị ứng đạm sữa bò qua trung gian IgE, 85% bệnh nhân có viêm da cơ địa ở thể nhẹ hoặc trung bình, 15% là thể nặng thậm chí có thể kèm theo các triệu chứng khò khè, thở rít, trong đó có 9% có thể có phản vệ trong vòng vài phút đến vài giờ sau khi sử dụng sữa. Các triệu chứng khác có thể gặp trong dị ứng đạm sữa bò là ngứa miệng, mày đay, viêm mũi, viêm kết mạc dị ứng, phù Quincke, nôn, buồn nôn, tiêu chảy.
Các triệu chứng dị ứng chậm ít đặc hiệu hơn bao gồm các triệu chứng đường tiêu hóa như trào ngược dạ dày thực quản, nôn, tiêu chảy, rối loạn hấp thu, táo bón, đi ngoài phân có máu… do tình trạng viêm và giảm nhu động đường tiêu hóa.
Ngoài việc là các triệu chứng của dị ứng đạm sữa bò, viêm da cơ địa, viêm mũi dị ứng, hen phế quản còn là yếu tố nguy cơ của dị ứng thức ăn qua trung gian IgE. Những bố mẹ hoặc các thành viên trong gia đình có cơ địa dị ứng thì con có tỉ lệ dị ứng đạm sữa bò cao hơn so với người bình thường. Những gia đình có tiền sử viêm đại tràng dị ứng (viêm đại tràng tăng bạch cầu ái toan) cũng làm tăng nguy cơ dị ứng đạm sữa bò ở trẻ.
Tư vấn chuyên gia để có chế độ ăn hợp lý cho trẻ
Nếu bỏ lỡ chẩn đoán dị ứng đạm sữa bò có thể dẫn đến không kiểm soát được các triệu chứng dị ứng (viêm da cơ địa, hen phế quản, mày đay, viêm ruột dị ứng….) Hơn thế nữa, chế độ hấp thu kém, mất protein, mất máu qua đường tiêu hóa sẽ làm trẻ biếng ăn, thiếu máu thiếu sắt, suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến phát triển thể chất cũng như tinh thần của trẻ. Tuy nhiên, chẩn đoán sai dị ứng đạm sữa bò cũng dẫn đến chế độ ăn kiêng khem không chính xác dễ dẫn đến mất cân bằng trong chế độ dinh dưỡng của trẻ.
Chính vì vậy, chẩn đoán chính xác dị ứng protein sữa bò rất quan trọng đặc biệt trong những năm đầu đời của trẻ. Bác sĩ chuyên khoa Dị ứng sẽ giúp xác định chính xác trẻ có dị ứng đạm sữa bò hay không. Khi đến khám chuyên khoa Dị ứng, mẹ trẻ cần cung cấp các thông tin quan trọng như: Trẻ có những triệu chứng gì sau khi sử dụng sữa bò? (viêm da cơ địa, hen, mày đay, viêm mũi dị ứng, rối loạn tiêu hóa v.v..); mức độ nặng của các triệu chứng trên?; các triệu chứng này xuất hiện bao lâu sau khi trẻ sử dụng sữa?; các triệu chứng này kéo dài trong thời gian bao lâu?
Sau khi hỏi bệnh và thăm khám, các bác sĩ dị ứng sẽ thực hiện một số xét nghiệm đặc hiệu chuyên khoa nếu cần như test da, IgE đặc hiệu với sữa, chế độ ăn loại trừ, test kích thích v.v…. để giúp chẩn đoán xác định trẻ dị ứng sữa. Test da, test kích thích cần được thực hiện bởi các bác sĩ dị ứng ở các đơn vị có sẵn phương tiện cấp cứu bởi vì nguy cơ sốc phản vệ và phản ứng dị ứng nặng do sữa.
Sữa mẹ vẫn là lựa chọn hàng đầu đối với trẻ dị ứng protein sữa bò. Vì dị nguyên đạm sữa bò bài tiết được vào sữa mẹ nên mẹ cần loại protein sữa bò ra khỏi chế độ ăn ít nhất 3-5 ngày với trẻ dị ứng tức thì và 2-3 tuần với trẻ dị ứng chậm. Với trẻ dùng sữa công thức, ưu tiên trẻ dùng các chế phẩm sữa thủy phân hoặc sữa amino acid. Theo hội nhi khoa Hoa kỳ, đầu tiên nên sử dụng sữa thủy phân, chỉ sử dụng sữa amino acid khi thất bại với sữa thủy phân.
Với những trẻ có triệu chứng dị ứng nặng, hoặc tình trạng dị ứng đã ảnh hưởng đến toàn thân, như suy dinh dưỡng, thiếu máu v.v… thì nên bắt đầu luôn với sữa amino acid. Sữa thủy phân giá cả phải chăng hơn và dung nạp tốt hơn so với sữa amino acid. Lưu ý cân bằng can xi, vitamin D và các yếu tố vi lượng khác cho trẻ trong trường hợp trẻ suy dinh dưỡng hoặc có hội chứng kém hấp thu. Protein trong sữa đậu nành, sữa dê v.v….có mẫn cảm chéo với protein trong sữa bò, nên thận trọng khi thay thế ở trẻ dị ứng đạm sữa bò. Với trẻ có tiền sử phản vệ với đạm sữa bò, epipen và thẻ dị ứng phải mang bên mình thường xuyên và không thể thiếu.
PGS. TS. BS Hoàng Thị Lâm/ Người Đưa Tin