Câu chuyện vừa được một phụ huynh chia sẻ về việc con mình bị ảnh hưởng tiêu cực bởi trend dọa ma trên TikTok khiến những bậc làm cha mẹ phải giật mình. Theo đó, vị phụ huynh này cho biết trong khi con đang chơi với một người họ hàng thì đột nhiên bé khóc ré lên. Lúc chạy lên tầng kiểm tra, chị thấy con ở trong phòng khóc lóc thảm thiết. Chị hốt hoảng lao vào phòng với con khi bé đang hoảng loạn, liên tục nói “ma ma” và tay chỉ về phía phòng.
Chị quay sang hỏi người em trai thì nhận được câu trả lời “Chỉ đùa tí thôi”. Hoá ra em trai chị đang quay clip để đăng lên TikTok theo trend dọa ma trẻ con bằng tiếng cười ghê rợn. Sau cú sốc dẫn đến hoảng loạn, cháu bé con của vị phụ huynh này bị sốt, nằm ngủ thì mê man vừa khóc vừa run rẩy nói mớ. Cháu bé còn bị sợ căn phòng nơi bị dọa.
Cháu bé bị ảnh hưởng tâm lý, sợ hãi sau khi được đưa vào quay video theo trend dọa ma trên TikTok
Trào lưu dọa ma trẻ em hiện đang được lan truyền rộng rãi trên TikTok, thậm chí có nhiều bậc phụ huynh còn quay video chính con mình để chia sẻ lên mạng xã hội. Trào lưu này được tạo nên với sự xuất hiện của âm thanh tiếng cười ghê rợn, cùng với đó là gương mặt biến dạng ma quỷ trông rất hung dữ. Những ai “đu trend” sẽ đưa trẻ em vào một căn phòng, xong khoá cửa và đi ra ngoài, đặt điện thoại ghi lại phản ứng của bé.
Nhiều người không khỏi phẫn nộ trước xu hướng vô bổ, tiêu cực, gây ảnh hưởng đến tâm lý con trẻ. Đồng thời bày tỏ rằng khi xem video về trào lưu này, chính bản thân người lớn cũng cảm thấy sợ hãi, huống hồ với tâm hồn còn non nớt của những đứa trẻ. Tuy nhiên, hiện hàng loạt video theo trend hiện nay vẫn đang được chia sẻ rầm rộ trên nền tảng TikTok với lượng tương tác rất lớn.
Chương trình Chuyển động 24h của Đài truyền hình Việt Nam mới đây cũng lên án trào lưu này. Với trẻ nhỏ, hình ảnh và âm thanh là cách tác động đến quá trình học của bộ não một cách nhanh và trực tiếp nhất. Các nền tảng mạng xã hội hiện nay như Youtube, Facebook, đặc biệt là TikTok thoả mãn hoàn hảo cho việc học thông tin này. Nhiều đứa trẻ bị lôi ra làm nhân vật chính trong các clip để đăng tải lên không gian mạng.
Ngoài ra, một số cư dân mạng còn tỏ ra thờ ơ và xem nhẹ những tác động của trend TikTok này đến đối tượng trẻ em khi cho rằng chỉ dọa cho vui, không gây ảnh hưởng nặng nề.
Trào lưu dọa ma trẻ em trên TikTok bị lên án là tiêu cực, tác động đến tâm lý trẻ nhỏ
Cư dân mạng phẫn nộ trước trào lưu vô bổ trên TikTok
Trend dọa ma không phải là mối nguy duy nhất với trẻ nhỏ trên mạng xã hội. TikTok là nơi giải trí nhưng cũng đầy những nội dung độc hại tấn công đến đối tượng nhỏ tuổi. Trong điều kiện công nghệ thông tin, mạng xã hội ngày càng phát triển, mỗi đứa trẻ đều dễ dàng tiếp cận với những xu hướng mới dẫn đến hiểm họa khôn lường nếu tiếp nhận, làm theo những thông tin xấu.
Mới đây nhất, trào lưu dán miệng khi đang ngủ cũng gây ra nhiều phản ứng trái chiều. Ngay sau khi được khởi xướng bởi một TikToker người nước ngoài với lời quảng bá rằng cách này có thể “chữa ngáy”, trend này được hàng triệu người áp dụng và chia sẻ lên mạng xã hội, bất chấp tính phản khoa học và gây nguy hiểm đến sức khoẻ, tính mạng. Thậm chí, có những người đã lên mạng đặt mua miếng dán về áp dụng cho người thân để hạn chế tình trạng ngáy ngủ.
Ngoài ra, TikTok còn thường xuyên có những video với chủ đề thử thách đầy tính tiêu cực, chết chóc như: chặn đầu xe tải, ngạt thở, ném đồ vật lên cao và đợi xem trúng ai... Năm 2021, thử thách “ngạt thở” (blackout challenge) hot trên TikTok với việc khuyến khích người tham gia tự làm mình ngạt thở cho đến khi bất tỉnh đã dẫn đến cái chết của 4 trẻ em ở Mỹ.
TikTok tồn tại những nội dung là mối nguy hại với thế hệ trẻ
Trẻ em là đối tượng dễ bị ảnh hưởng bởi những thông tin, hình ảnh đặc biệt là trên mạng xã hội. Chính vì vậy các bậc phụ huynh và mọi người trước khi quyết định đưa trẻ nhỏ vào một trò đùa nào đó hay các xu hướng trên mạng xã hội hãy suy nghĩ thật kĩ. Đồng thời cần kiểm soát và hạn chế con trẻ tiếp xúc với những nội dung tiêu cực trên không gian mạng, tránh những hậu quả khôn lường.
Thực tế, khó có thể cấm hoàn toàn trẻ em dừng xem TikTok, nhưng để kiểm soát tốt hơn thì cần những phương pháp phòng ngừa quản lý phù hợp. Sắp tới TikTok sẽ cập nhật thêm chức năng chọn lọc đối tượng sẽ được xem video trước khi đăng tải, tự động tắt video thông báo từ lúc 9h tối với các tài khoản người dùng từ 13 - 15 tuổi và lúc 10h tối với các tài khoản người dùng từ 16 - 17 tuổi.
Cùng với đó, cơ quan chức năng cũng tiến hành sửa đổi các nghị định quản lý những nền tảng xuyên biên giới, ban hành trong quý 3 năm 2022, tạo ra hành lang pháp lý quan trọng để xử lý. Bộ Thông tin và Truyền thông hướng đến phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xin ý kiến Chính phủ đưa bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng vào trường học. Và chắc chắn để một không gian mạng trở nên tích cực, lành mạnh hơn, không thể thiếu sự chung tay của toàn xã hội, cùng xây dựng và phát triển những nội dung hay, bổ ích và bài trừ những trào lưu nhảm nhí, tiêu cực.