Cơn sốt đất và bài học 10 năm chưa cũ

Cách đây không lâu người ta còn tranh nhau để mua đất ở Ba Vì thì nay rất nhiều trong số đó đang nỗ lực bán đi cái thứ họ đã tìm mọi cách để có được. Làn sóng bán tháo dường như đã bắt đầu. Bài học cách đây 10 năm có vẻ như không mang lại điều gì. Cái giá của cơn say sóng năm 2010 sẽ lặp lại?

Sau tết Tân Sửu, giá đất ở Ba Vì tăng lên từng ngày, ngay cả những người dân sống ở đây cũng bất ngờ vì sóng lại một lần nữa nổi lên ở ngôi làng của họ. Số lượng người kéo về làng càng đông giá đất càng tăng mạnh. Trước, giá bán trao tay chỉ 40 triệu đồng/sào (360m2) và rồi cứ tăng dần 100 triệu đồng/sào, rồi 120 triệu đồng/sào, có thời điểm nó chạm đến 450 triệu đồng/sào. Những con số ấy khiến chính những người dân ở Ba Vì cũng ngỡ ngàng.

Cách đây 10 năm, Ba Vì đã từng sốt đất, sốt ở nhiệt độ cao và rồi cắt sốt cùng giấc mơ làm giàu bị “chết yểu” của nhiều người. Năm ấy, khi xuất hiện thông tin dự kiến sẽ xây một khu hành chính ở Ba Vì, giá đất tại đây tăng với tốc độ phi mã. Nhiều cuộc giao dịch nhà, đất từ giá gốc 15 - 20 triệu đồng/m2 tăng lên 140 triệu đồng/m2 chỉ trong một thời gian ngắn. Cú nhảy giá khủng khiếp này khiến nhà nhà lướt sóng, người người lướt sóng. Thị trường bất động sản cũng vì thế rơi vào tình trạng hỗn loạn giống như cách người ta điên cuồng để có được một mảnh đất. Thời điểm ấy, các loại đất thổ cư, đất dịch vụ, đất vườn cho đến đất nông nghiệp tất cả đều được mang ra rao bán vì nhu cầu quá lớn. Thế rồi, sốt được cắt cơn bằng liều thuốc công bố quy hoạch.

Xi nhan Trái Phải - Cơn sốt đất và bài học 10 năm chưa cũ

Sau 10 năm, đất ở Ba Vì lại sốt và rồi lại bị cắt sốt.

Khi cơn sốt được cắt, bong bóng sốt ảo vỡ tung cũng là lúc người ta chứng kiến làn sóng chạy thoát thân của những tay lướt sóng. Nó rầm rộ và nhộn nhạo chẳng kém giai đoạn bị sốt. Nhiều người lao vào vòng xoáy ấy với mong mỏi hái quả ngọt, nay quả ngọt đã hóa trái đắng.

Vẫn tưởng, câu chuyện quả ngọt và trái đắng năm 2010 sẽ là bài học không thể quên nhưng rồi “tấc đất tấc vàng” khiến nhiều người vẫn nuôi hy vọng về giấc mộng, tấc đất sẽ biết thành tấc vàng chỉ sau một đêm. Thế là… khi có dấu hiệu của sóng, họ nỗ lực bắt sóng và bước vào “giấc mộng đêm hè”.

Đến Ba Vì những ngày tháng Ba, các trục đường từ thôn, xóm đến tỉnh lộ, quốc lộ người dân tấp nập mua bán nhà, đất. Khung cảnh đông đúc, nhộn nhịp chẳng khác gì trẩy hội. Chủ các nhà hàng, quán cà phê ven đường bỏ công việc kiếm tiền trăm ngàn chuyển quán thành văn phòng giao dịch nhà, đất với kỳ vọng kiếm tiền tỷ.

Giờ đây, sau một tháng, người trên những con đường làng ở Ba Vì vẫn đông nhưng không khí đã khác. Chẳng còn sự nhộn nhịp mà là khung cảnh nhốn nháo với những gương mặt lo âu, bất an. Trước, họ bất chấp tất cả để mua đất, nay họ cũng bất chất tất cả để bán đi chính mảnh đất ấy.

Xi nhan Trái Phải - Cơn sốt đất và bài học 10 năm chưa cũ (Hình 2).

Với kỳ vọng biến tấc đất thành tấc vàng sau một đêm, nhiều người không ngần ngại bước vào "giấc mộng đêm hè".

Nhìn vào những miếng đất đang rao bán ở hiện tại có thể dễ dàng nhận thấy, hầu hết chúng thuộc về những nhà đầu tư và môi giới trót ôm nhưng không kịp thoát hàng thời điểm sốt và bây giờ đang ráo riết tìm cách đẩy hàng để cắt lỗ. Sau vòng xoáy sốt đất là nỗ lực thoát ra nhưng không phải ai cũng thoát được. Trên đường đua khốc liệt ấy số lượng người “chết yểu” luôn nhiều hơn số người thoát hiểm. Bài học quá khứ dù chẳng ít nhưng vẫn có rất nhiều người sẵn sàng lao vào thứ ánh sáng lập loè trong “giấc mộng đêm hè”, khi họ nghĩ thời điểm biến tấc đất thành tấc vàng đã đến.

Cơn sốt năm 2010 hay 2021 đều là những cơn sốt cấp tính và khi dùng thuốc, sốt lập tức sẽ hạ. Năm 2010, thông tin quy hoạch được công bố chính thức cũng là lúc cơn sốt ở Ba Vì hạ nhiệt. Nếu so với năm 2010, cơn sốt của năm 2021 có vẻ nhẹ hơn nhưng nó cũng chỉ có thể cắt cơn khi cơ quan quản lý vào cuộc bằng việc công khai thông tin.

Sau Văn bản 1153/UBND-ĐT của UBND thành phố Hà Nội, cơn sốt ở Ba Vì hạ nhiệt dần. Trước cơn sốt đất, TP. Hà Nội đã có sự chỉ đạo kịp thời. Việc minh bạch các thông tin liên quan đến dự án, quy hoạch hành chính,… đã trở thành liều thuốc để cắn cơn sốt này.

Thiếu minh bạch về thông tin chính là điều kiện cần để những nhóm “cá mập” thổi giá, tăng nhiệt và tạo cơn sốt đất. Vì vậy, khi thông tin đã tỏ tường, sự nhập nhèm chẳng còn mọi thứ sẽ ngã ngũ.

Lịch sử và những gì đang diễn ra cho thấy chẳng khó để cắt cơn cho sốt đất. Chỉ cần cơ quan quản lý chuyển động bằng những văn bản minh bạch thông tin, cơn sốt sẽ ngay lập tức được cắt. Nguyên nhân gây sốt đã có, thuốc hạ sốt cũng đã có tại sao chúng ta không ngăn sốt mà chạy theo để cắt từng cơn. Nếu chúng ta chủ động kê đơn có lẽ cơn ác mộng của 10 năm trước sẽ không thể trở lại với Ba Vì.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của người viết.

LÊ ANH - Theo Người Đưa Tin Pháp Luật