Thời phong kiến cổ đại, long bào là trang phục dành riêng cho hoàng đế, những người có địa vị tối cao. Những người khác mặc long bào sẽ bị coi là khi quân phạm thượng, nếu bị phát hiện khó tránh bị xử trảm, bất chấp người đó có thuộc hoàng thất hay không.
Tuy nhiên, trong lịch sử Trung Quốc, vẫn có một người phụ nữ được mặc long bào hạ táng, người này không phải là Lã Hậu, cũng không phải Từ Hi Thái hậu. Vậy người phụ nó đó là ai?
Lịch sử thường nhắc tới Khang Hi với tình yêu sâu đậm với hoàng hậu, hay hai lần lập - phế thái tử nhưng ít ai biết rằng ông còn dành hết tình yêu của mình cho một người con gái.
Người đó chính là Công chúa Cố Luân Vinh Hiến, Hoàng nữ thứ 3 nhưng lại là người lớn nhất trong những người con gái thành niên của Hoàng đế Khang Hi, bởi 2 người con gái đầu của ông đều không may mất sớm. Cũng chính bởi vậy mà Hoàng đế Kháng Hi vô cùng sủng ái Công chúa Cố Luân Vinh Hiến.
Cố Luân Vinh Hiến Công chúa là hoàng nữ được Hoàng đế Khang Hi sủng ái nhất. Ảnh minh họa |
Theo truyền thống của nhà Thanh, công chúa thường kết hôn với người Mông Cổ để duy trì mối giao hảo 2 nước. Do đó, năm Vinh Hiên lên 9 tuổi, bà đã được đính hôn với Ô Nhĩ Cổn, thứ tử của Trát Tát Khắc Đa La Quận vương Ngạc Tề Nhĩ.
Đúng thông lệ, công chúa sẽ rời kinh đô từ khoảng 12 - 15 tuổi để làm dâu nước ngoài. Thế nhưng, Hoàng đế Khang Hi đặc biệt không muốn rời xa người con gái này nên đã trì hoãn cho đến khi Vinh Hiến 19 tuổi (năm 1706).
3 năm sau đó, Hoàng đế Khang Hi lâm bệnh nặng, Công chua Vinh Hiến lập tức từ Mông Cổ chạy về, ở bên trông giữ, tự mình hầu hạ liên tục 4 ngày 4 đêm. Cùng năm đó, bà được tấn phong là Cố Luân Vinh Hiến Công chúa.
Về Ngạch phò Ô Nhĩ Cổn, ông là thứ tử của Trát Tát Khắc Đa La Quận vương Ngạc Tề Nhĩ, cháu nội của Cố Luân Thục Tuệ Trưởng Công chúa, chắt ngoại của Hoàng Thái Cực. Do đó, Ô Nhĩ Cổn cũng được xem là dòng dõi hoàng thất nhà Thanh và cũng rất được Hoàng đế Khang Hi yêu quý.
Theo sử sách, sau khi Công chúa Vinh Hiến kết hôn, Hoàng đế Khang Hy đã nhiều lần đến thăm con gái ở Mông Cổ, một vinh hạnh mà những vị công chúa khác cũng viễn giá Mông Cổ không có được.
Công chúa còn vì Khang Hi Đế mà kiến tạo một hành cung ở Ba Lâm bộ, đây là Hoàng đế Hành cung duy nhất ở biên cương phía bắc của Trung Quốc.
Hoàng đế Khang Hi không ít lần đích thân sang Mông Cổ thăm con gái. Ảnh minh họa |
Năm 1721, Ô Nhĩ Cồn qua đời, Công chúa Cố Luân Vinh Hiến sống một mình trên trần gian 7 năm và cũng nhắm mắt vào năm Ung Chính thứ 6, được an táng tại Nội Mông.
Lăng mộ của Cố Luân Vinh Hiến được con trai xây dựng cực kỳ xa hoa. Lăng mộ đông tây rộng chừng 45m, nam bắc chải dài 105m, tổng diện tích lên tới 5.000m2.
Đặc biệt là di thể của công chúa được bảo tồn vô cùng tốt. Có thể nói bà đã được ngủ yên trong suốt hơn 200 năm, cho đến khi bị những kẻ đào mổ phát hiện.
Năm 1972, một đám tiểu tướng tạo phản đã dùng đại chuỳ đục mở mộ thất, phát hiện mặc dù đã an táng 240 năm nhưng di thể của công chúa tất cả giống như vừa mới an táng.
Sử sách ghi lại, dù Cố Luân Vinh Hiến Công chúa đã được an táng 240 năm nhưng cơ phu văn lý rõ ràng có thể phân biệt, làn da vẫn còn đàn hồi, đầu nam chân bắc, đầu đội Kim chế Phượng quan, tay đeo kim trạc giới chỉ, chân mang giày gấm đỏ thẩm thêu hoa, trên người mặc rất nhiều tầng phục sức, ngoài cùng là kiện Trân châu đoàn Long bào cực kỳ rực rỡ chói mắt.
|
Cố Luân Vinh Hiến Công chúa là người phụ nữ duy nhất được mặc long bào hạ táng trong lịch sử Trung Quốc. Ảnh minh họa |
Những kẻ đào mộ sao đó đã đem cởi hết y phục, cướp sách trang sức quý trọng trong lăng mộ công chúa, thậm chí còn vứt di thể của bà ra ngoài mộ địa.
Một nhân viên khảo cổ đã phát hiện di thể của bà và mang về lên án các hành vi đào cổ mộ. Tuy nhiên, trong thời đại đặc biệt đó, người này bị cho là cổ vũ thế lực phong kiến và bị bắt phải cõng di thể của công chúa dạo phố.
Cuối cùng, di thể của Cố Luân Vinh Hiên Công chúa bị vứt đến nơi hoang dã. Ngày nay, toàn bộ lăng mộ của công chúa đều đã bị san bằng thành bình địa, địa cung của bà cũng bị thuốc nổ đánh sập hoàn toàn.
Hoa Vũ (Theo Sohu)