Cứu sống bệnh nhân bị thanh gỗ đâm xuyên bụng

Bệnh viện Đa khoa Hà Đông đã phẫu thuật thành công trường hợp anh N.V.T. (làm nghề thợ mộc) bị thanh gỗ đâm vào bụng.

Người nhà bệnh nhân cho biết, anh N.V.T. làm thợ mộc hơn 10 năm nay, mới đây trong lúc đang làm việc tại một xưởng gỗ ở Quốc Oai (Hà Nội), khi vừa cho thanh gỗ vào máy để vót nhọn thì bất ngờ thanh gỗ bắn ngược trở lại đâm ngập sâu vào bụng anh T.

cuu song benh nhan bi thanh go dam xuyen bung anh 1 Thanh gỗ găm sâu hơn 10cm vào bụng nạn nhân. Ảnh: Sức khỏe & Đời sống

Quá hoảng loạn, anh T. đã rút luôn thanh gỗ ra (được xác định cắm sâu hơn 10cm). Sau đó, gia đình đưa bệnh nhân đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Quốc Oai trong tình trạng choáng, sốc. Tại đây mệnh nhân đã được sơ cứu và chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Hà Đông với các dấu hiệu da xanh tái, vã mồ hôi, chân tay lạnh, mạch nhanh, nhỏ, khó bắt, huyết áp tụt, bụng chướng, chảy máu qua vết thương bụng.

cuu song benh nhan bi thanh go dam xuyen bung anh3 Vết thương nạn nhân sau mổ đã có dấu hiệu ổn định. Ảnh: An ninh Thủ Đô

Theo báo Sức khỏe & Đời sống đưa tin, BSCKII Bùi Đức Duy, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông người trực tiếp tham gia điều trị nhận định đây là trường hợp nặng, sốc mất máu do vết thương thấu bụng, nghi ngờ tổn thương mạch máu lớn và tổn thương ruột, các bác sĩ trực ngay lập tức kích hoạt báo động đỏ bệnh viện khẩn trương cứu chữa cho bệnh nhân. Vừa hồi sức tích cực, vừa chuyển mổ cấp cứu, khi mở ổ bụng có đến 3-4 lít máu, các bác sĩ đã chèn gạc cầm máu và nhanh chóng xác định tổn thương.

Dù vết thương bên ngoài thành bụng chỉ 1.5cm nhưng thanh gỗ sắc nhọn, xuyên qua mạc treo đại tràng ngang, xuyên mạc treo, đứt mạch mạc treo ruột non chảy máu thành tia, tới đoạn DIII tá tràng xuyên táo tá tràng và ở sau đó làm rách tĩnh mạch chủ bụng là tĩnh mạch lớn nhất cơ thể.

cuu song benh nhan bi thanh go dam xuyen bung anh 2 Bác sĩ thăm khám cho anh T. hậu phẫu thuật. Ảnh: Sức khỏe & Đời sống

Bằng kinh nghiệm và trình độ chuyên môn sâu kíp phẫu thuật đã phát hiện vết thương tĩnh mạch chủ là nguyên nhân chính chảy máu, cần cầm máu khẩn cấp nếu không bệnh nhân có thể chết trên bàn mổ.

Sau khi cầm máu được tĩnh mạch chủ, cái khó tiếp theo là xử lý vết thương xuyên táo tá tràng. Đây luôn là thách thức khó cho bất kì phẫu thuật viên nào vì tá tràng là một tạng rất đặc biệt của hệ tiêu hoá, nơi mỗi ngày hàng lít dịch tiêu hoá chảy qua, nguy cơ xì bục rất cao, hoặc gây hẹp lòng tá tràng... các men tiêu thức ăn nếu chảy ra ngoài sẽ gây nhiễm trùng, chảy máu lại....

Ca phẫu thuật kéo dài hơn 3 tiếng đồng hồ, trong mổ và sau mổ bệnh nhân phải truyền 14 đơn vị máu. Hiện tại, sau mổ 7 ngày, tình trạng bệnh nhân đã ổn định, tỉnh táo, dự kiến sẽ được xuất viện trong vài ngày tới, theo An ninh Thủ đô.

Các nguyên tắc chung về an toàn lao động trong sản xuất như sau:

- Phòng tránh tai nạn luôn tốt hơn là giải quyết hậu quả sau khi tai nạn đã sảy ra

- Cảm nhận được nguy cơ tiềm ẩn thì nên phòng tránh trước khi tiến hành làm việc

- Sử dụng trang bị , dụng cụ bảo hộ cá nhân trong mọi công việc

- Tuân thủ đúng các hướng dẫn về an toàn khi sử dụng đi kèm với máy móc và dụng cụ

- Tuân thủ các qui tắc an toàn khi sử dụng điện và các dụng cụ điện

- Kiểm tra chất lượng của dụng cụ va máy móc mà mình sẽ sử dụng trước khi làm việc

- Đảm bảo khu vực làm việc được gọn gàng , không có những vật hay yếu tố có thể gây ra nguy hiểm trong quá trình làm việc

 

Thùy Dung (t/h)