25 phút can thiệp cứu bệnh nhân
Ngày 30/5, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, các bác sĩ Khoa Tim mạch can thiệp bệnh viện vừa cứu sống bệnh nhân có quốc tịch Mỹ bị nhồi máu cơ tim cấp trong tình trạng rất nguy kịch sau 25 phút can thiệp mạch vành.
Bệnh nhân nam J.J.V., 72 tuổi, quốc tịch Mỹ vừa về Việt Nam đến huyện Phong Điền, Tp.Cần Thơ khoảng 7 ngày.
Trước nhập viện khoảng 50 phút, lúc sinh hoạt bệnh nhân đột ngột đau ngực trái dữ dội nên được gia đình đưa đến y tế địa phương khám sau đó chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ vào lúc 14h50 ngày 28/5 với tình trạng huyết áp tăng, đau ngực trái dữ dội.
Bệnh nhân vã mồ hôi, tay chân lạnh, bức rức, vật vã. Bệnh nhân có bệnh lý tăng huyết áp, rối loạn mở máu và dùng thuốc điều đặn.
Kết quả điện tâm đồ bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp trước rộng, tình trạng rất nguy kịch, các bác sĩ khoa Cấp cứu đã tiến hành xử trí cấp cứu và thực hiện qui trình báo động đỏ nội viện, bỏ qua mọi thủ tục hành chính bệnh nhân được chuyển thẳng lên phòng can thiệp mạch vành.
Ê-kíp can thiệp thực hiệp chụp mạch vành ghi nhận bệnh nhân bị hẹp nặng đoạn gần động mạch liên thất trước (95%), tắc đoạn giữa kèm huyết khối động mạch liên thất trước, động mạch vành phải thiểu sản, hẹp 80-90%....
Sau 25 phút can thiệp bệnh nhân tỉnh, dấu hiệu sinh tồn ổn định, giảm đau ngực đang được theo dõi, điều trị và chăm sóc tại khoa Tim mạch can thiệp.
Đe dọa mạng sống nếu không can thiệp kịp thời
Ths.Bs. Trần Văn Triệu phụ trách khoa tim mạch can thiệp bệnh viện cho biết: Nhồi máu cơ tim là một tình trạng cấp cứu nguy hiểm. Thường là tình trạng tắc hoàn toàn một hoặc nhiều nhánh động mạch vành - động mạch cung cấp máu nuôi tim một cách đột ngột, làm chết tế bào cơ tim.
Đây là tình trạng nguy hiểm, đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người bệnh nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Nguyên tắc điều trị chung là tái lập dòng máu chảy trong đoạn động mạch vành bị tắc càng sớm càng tốt để cứu vãn tối đa phần cơ tim do thiếu máu nuôi dưỡng nằm xen lẫn với những vùng cơ tim đã chết vì hoại tử do thiếu máu.
Nói thêm về việc cấp cứu cho bệnh nhân nước ngoài, BS.CK2 Phạm Thanh Phong, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, do Cần Thơ nằm ở trung tâm ĐBSCL nên người nước ngoài đến công tác, sinh sống và du lịch khá nhiều. Cũng vì vậy thời gian qua, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ đã tiếp nhận và điều trị thành công cho nhiều trường hợp người nước ngoài.
Trong đó phải kể đến nhiều ca bệnh mạch vành cấp cứu, đòi hỏi phải chạy đua với thời gian như trường hợp bệnh nhân người Singapore, Trung Quốc, Bỉ…Đây không chỉ là những ca cấp cứu khó, đòi hỏi kỹ thuật chuyên sâu mà khâu thủ tục cũng rất phức tạp.
“Chẳng hạn như bệnh nhân người Mỹ trên, mặc dù các giấy tờ thủ tục chưa thể hoàn tất nhưng ngay khi tiếp nhận xác định tình trạng bệnh nhân rất nguy kịch, bệnh viện đã tiến hành ngay qui trình báo động đỏ nội viện, bỏ qua mọi thủ tục hành chính, chuyển thẳng người bệnh lên phòng can thiệp mạch vành. Nhờ đó ê kíp đã cứu sống bệnh nhân rất kịp thời”, Bs. Phong nói.
Phối hợp đồng bộ giữa các khoa
Cũng theo Bs. Phong, sự thành công của những ca can thiệp khó như trên trước hết là nhờ sự phối hợp đồng bộ giữa các khoa, cùng với đó là trang thiết bị hiện đại và đặc biệt là trình độ, tay nghề chuyên môn của đội ngũ bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ.
“Hiện nay, TP.Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL ngày càng phát triển, hội nhập, nhận được nhiều sự quan tâm của quốc tế. Người nước ngoài đến sống, làm việc rất nhiều. Vì vậy việc liên tiếp thực hiện thành công các ca cấp cứu trên rất ý nghĩa. Không chỉ về mặt chuyên môn mà còn góp phần giúp người nước ngoài an tâm làm việc và công tác ở địa phương. Đây cũng là lý do bệnh viện luôn xem trọng các hoạt động hợp tác quốc tế, thúc đẩy đội ngũ y bác sĩ ngoài nâng cao trình độ chuyên môn còn tập trung cải thiện các kỹ năng giao tiếp, tư vấn y khoa bằng ngoại ngữ. Để đảm bảo rằng, người nước ngoài khi nhập viện khám chữa bệnh hay các trường hợp cấp cứu đều được xử trí kịp thời, hiệu quả nhất”, BS Phong nói.