Đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ xăng dầu "thiếu thật" hay "thiếu giả"

Giá xăng dầu ổn định thì các cân đối vĩ mô sẽ ổn định, sản xuất kinh doanh sẽ phát triển, có tăng trưởng kinh tế, Nhà nước sẽ lại thu được thuế, phí từ nền kinh tế.

Sáng 28/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội 2022 và dự kiến kế hoạch năm 2023. Trong phiên thảo luận này, Bộ trưởng các Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Công Thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường… sẽ tham gia giải trình các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Làm rõ việc thiếu xăng dầu

Đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) đề cập đến một số vụ việc như phát hành trái phiếu doanh nghiệp, những sai phạm trong lĩnh vực bất động sản, ngân hàng, tuy đã được phát hiện, ngăn chặn, đã để lại những hậu quả đối với nền kinh tế; gây ra sự lo lắng, bất an của người dân và doanh nghiệp về vấn đề an toàn tiền gửi, lãi suất vốn vay cho sản xuất tiêu dùng…

Theo đại biểu, nếu không có những quyết sách quyết liệt, kịp thời, phục hồi niềm tin của thị trường thì hệ lụy yếu kém này có thể còn ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế, nhất là trong tình hình kinh tế thế giới và khu vực còn rất bất ổn, nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu hiện hữu.

Đặc biệt, đề cập thêm đến vấn đề thiếu xăng dầu, bà Yên cho rằng “thiếu thật” hay “thiếu giả” cần phải nghiêm túc nghiên cứu, thảo luận, đánh giá để có giải pháp căn cơ, lâu dài.

Tiêu điểm - Đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ xăng dầu 'thiếu thật' hay 'thiếu giả'Đại biểu Tạ Thị Yên (Ảnh: Quochoi.vn).

Theo đại biểu, chúng ta đã có chiến lược an ninh năng lượng quốc gia. Hai nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, Bình Sơn đảm bảo tới 70-80% sản lượng tiêu thụ trong nước, chỉ phải nhập khẩu 20%. Song thời gian qua đã để xảy ra hiện tượng “hết xăng” tại một loạt các cây xăng ở Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh.

Xăng dầu là nhiên liệu, đầu vào của nền kinh tế, một trong những trụ cột quan trọng chính của an ninh năng lượng quốc gia. Giá xăng, dầu có tác động tới hầu hết các ngành kinh tế và đời sống, sinh hoạt của người dân. Nên giá xăng dầu ổn định, các cân đối vĩ mô sẽ ổn định, sản xuất kinh doanh sẽ phát triển, sẽ có tăng trưởng kinh tế và nhà nước sẽ lại thu được thuế, phí từ nền kinh tế.

“Tôi cho rằng cách can thiệp tốt nhất của Nhà nước đối với thị trường xăng dầu là bằng chính sách tài khóa, thông qua thuế và phí và làm tốt công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan”, đại biểu Yên đề xuất.

Trước đó hôm 22/10, tại phiên thảo luận tổ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định: "Việt Nam chưa bao giờ thiếu xăng dầu. Dư luận nói thiếu nguồn cung trong nước là hoàn toàn không chính xác”.

Theo ông Diên, tới ngày 30/9, còn hàng dự trữ thương mại là hơn 1,25 triệu m3 xăng dầu; năng lực sản xuất của 2 nhà máy lọc dầu trong tháng 10 đảm bảo 80% nguồn cung trong nước (1,7 - 1,75 triệu m3), tương đương 1,36 triệu m3. Tức là chúng ta có khoảng 2,6 triệu m3 xăng dầu.

Ngoài ra, 34 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu trong tháng 10 khoảng 500.000 m3 xăng dầu. Tổng chung có khoảng 3 triệu m3 xăng dầu trong thời điểm cuối tháng 9, giữa tháng 10; hoàn toàn đáp ứng nguồn cung cho đến hết giữa tháng 11. Trong khi sang tháng 11 lại tiếp tục sản xuất và nhập khẩu.

Tiêu điểm - Đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ xăng dầu 'thiếu thật' hay 'thiếu giả' (Hình 2).Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định Việt Nam chưa bao giờ thiếu xăng dầu (Ảnh: Hữu Thắng).

Liên quan đến tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ tại một số địa phương thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diễn đặt vấn đề: "Nguồn cung không thiếu, vậy tại sao thiếu hàng bán ra thị trường?”. Theo ông Diên đó là việc doanh nghiệp phải nhập với giá cao ở kỳ trước, nhưng trong kỳ lại bán giá thấp, đương nhiên lỗ, mà đã lỗ thì không dám làm.

Bên cạnh đó, hàng loạt chi phí định mức về xăng dầu đã lỗi thời, lạc hậu gây khó cho doanh nghiệp xăng dầu.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, không phải tất cả nhưng thông thường doanh nghiệp làm xăng dầu đều có tham gia ít nhiều vào lĩnh vực bất động sản, chứng khoán. Khi tham gia vào lĩnh vực này, nguồn tiền cũng bị vơi đi, và đến kỳ nhập đúng thời điểm nhập cao, bán thấp, doanh nghiệp thường không còn tiền và không hấp dẫn…

Làm đúng thì không có gì phải ngại

Tiếp tục cho ý kiến thảo luận, Đại biểu Tạ Thị Yên nêu vấn đề việc chậm giải ngân tại các công trình dự án trọng điểm quốc gia, công trình dự án quan trọng của địa phương, các chương trình mục tiêu quốc gia, hay việc chậm giải ngân gói hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội.

Theo đại biểu là điểm nghẽn mới trong tăng trưởng, khi một trong các kênh phục hồi kinh tế quan trọng, là kích cầu đầu tư, chưa phát huy được hiệu quả tích cực của nó như đã được thiết kế và kỳ vọng.

Bà Yên cho rằng việc giải ngân chậm một phần do vướng mắc về quy trình, thủ tục khi triển khai các kế hoạch, chương trình, dự án; hay do phân bổ vốn chậm, chuẩn bị đầu tư chưa kỹ. Tuy nhiên yếu tố chủ quan của con người, bộ máy vẫn là khâu quyết định.

“Chính phủ đã điều hành rất quyết liệt, nhưng cấp cơ sở thì tâm lý e ngại, sợ sai, đùn đẩy, sợ trách nhiệm… như vậy thì làm sao có thể thúc đẩy xã hội phát triển”, bà Yên nhấn mạnh.

Nhắc lại quan điểm “thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử”, đại biểu Tạ Thị Yên cho biết không đồng ý với quan điểm này. Theo bà Yên, nếu cấp cơ sở sợ trách nhiệm, đùn đẩy thì khó có thể thúc đẩy xã hội có thể phát triển.

“Nếu làm đúng quy định của pháp luật, trong sáng, vì nước vì dân thì có gì phải ngại, vì đứng đằng sau chúng ta vẫn còn có một tập thể lãnh đạo, có cơ chế bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”, bà nói.

Đại biểu mong muốn Chính phủ siết chặt hơn nữa kỷ luật hành chính, kỷ cương công vụ, đánh giá cán bộ theo kết quả cụ thể. Nếu cán bộ không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, cần xem xét lại việc bố trí cán bộ, thuyên chuyển công việc khác phù hợp hơn với sở trường.