Đảng viên sinh con thứ 3 sẽ không bị kỷ luật?

Nhận thấy nhiều quy định về xử lý vi phạm chính sách dân số không còn phù hợp, Bộ Y tế trình Chính phủ đề xuất không kỷ luật đảng viên sinh con thứ 3.
khong-ky-luat-dang-vien-sinh-con-thu-ba-1735526238.jpg
Bộ Y tế đang dự thảo Luật Dân số, trong đó có đề xuất bỏ quy định kỷ luật đảng viên sinh con thứ 3. Ảnh: D.Thu

Nói với Thanh niên, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, Bộ Y tế đang rà soát các chính sách dân số và quy định xử phạt hành chính, đồng thời xây dựng báo cáo về xu hướng mức sinh tại Việt Nam, đưa ra các chính sách mới trong dự thảo luật Dân số. Những đề xuất này bao gồm chính sách khen thưởng và khuyến khích sinh con, trong bối cảnh mức sinh giảm liên tục trong các năm gần đây.

Trao đổi với báo chí, ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số, Bộ Y tế thông tin: "Lâu nay, quy định kỷ luật sinh con thứ 3 không áp dụng với người dân. Đối với đảng viên sinh con thứ 3, Bộ Y tế đang đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành văn bản bãi bỏ hoặc ngưng hiệu lực đối với quy định về số con của Pháp lệnh số 08/2008/PL-UBTVQH12 sửa đổi Điều 10 Pháp lệnh số 06/2023/PL-UBTVQH1, sửa Hướng dẫn số 05-HD/UBKTTW ngày 22/11/2022 hướng dẫn thực hiện một số điều trong Quy định số 69-QĐ/TW theo hướng không xử lý kỷ luật đối với trường hợp sinh từ 3 con trở lên”, ông Dũng cho biết.

Đề xuất này chỉ là một trong nhiều giải pháp để duy trì mức sinh thay thế trên phạm vi cả nước, tránh mức sinh tiếp tục giảm. Cụ thể, các nhóm chính sách cơ bản được xây dựng trong dự thảo Luật Dân số bao gồm: duy trì mức sinh thay thế; giảm mất cân bằng giới tính khi sinh và đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; thích ứng với già hóa dân số, dân số già; phân bố dân số hợp lý; nâng cao sức khỏe dân số; và lồng ghép các yếu tố dân số trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Cục Dân số đang tiếp nhận ý kiến từ các chuyên gia và nhà nghiên cứu để báo cáo Bộ Y tế, trước khi trình Chính phủ các giải pháp hỗ trợ tốt nhất cho các cặp vợ chồng muốn sinh thêm con, nhằm đảm bảo chất lượng dân số và giống nòi.

Theo Bộ Y tế, có một số nguyên nhân dẫn đến mức sinh có xu hướng xuống thấp trong những năm gần đây: do điều kiện sống được cải thiện, học vấn ngày càng được nâng cao, nhu cầu phát triển sự nghiệp bản thân, nhất là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, tìm kiếm việc làm tốt hơn để có thu nhập cao hơn và chất lượng cuộc sống tốt hơn, đồng thời được tận hưởng cuộc sống và thành quả của sự phát triển nhiều hơn đã tác động làm chậm, muộn việc kết hôn, nhu cầu sinh con, thời điểm sinh con, sinh đủ 2 con của các bạn trẻ, của các cặp vợ chồng.

Sức ép kinh tế đối với một gia đình trẻ như chi phí sinh hoạt, chi phí thuê hoặc mua nhà, chi phí nuôi dưỡng và giáo dục con cái từ khi sinh ra đến khi trưởng thành ngày càng cao, cũng khiến nhiều cặp vợ chồng trẻ phải cân nhắc, chọn sinh con muộn, sinh ít con hoặc không sinh con…

Khi mức sinh giảm thấp sẽ gây ra nhiều hệ luỵ, bao gồm: thiếu hụt lực lượng lao động, suy giảm quy mô dân số, đẩy nhanh tốc độ già hóa dân số, gia tăng các dòng di cư (do mức sinh thấp, lực lượng lao động thiếu hụt tác động đến các chính sách di cư làm tăng các dòng di cư, thu hút lao động nhập cư)...

Trên Lao động, PGS.TS Bùi Thị An - Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội - nhận định rằng già hóa dân số đang là một vấn đề đáng lo ngại, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội và sự bền vững của đất nước. Theo bà, cần sớm đưa ra các giải pháp để ngăn chặn những hậu quả tiêu cực từ tình trạng này.

Bà An đề xuất áp dụng các chính sách và chế độ khuyến khích các gia đình sinh đủ hai con, tránh tình trạng có gia đình sinh quá ít hoặc quá nhiều con. Bà nhấn mạnh rằng việc sinh con không nên mang tính ép buộc mà cần đi kèm với các chính sách thể hiện sự hỗ trợ, khuyến khích từ Nhà nước.

 

 

Bảo Vy (t/h)