“Nói thẳng chi phí 300 triệu đồng”
Như đã phản ánh trong bài viết: Dấu hiệu “trục lợi chính sách” ở Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương [Bài 1]: Hồ sơ xin ưu đãi của doanh nghiệp bị “om” để vòi tiền “bôi trơn"?, trong quá trình xin ưu đãi, một số doanh nghiệp gặp phải tình trạng chờ đợi thời gian dài mà không có phản hồi từ cơ quan tiếp nhận hồ sơ – cụ thể ở đây là Phòng Công nghiệp hỗ trợ, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương).
Trước những dấu hiệu bất thường đó, để tìm hiểu rõ hơn nguyên nhân của sự chậm trễ này, liệu có phải do phía doanh nghiệp chưa nắm rõ quy định, thiếu sót về thủ tục giấy tờ hay còn vướng mắc ở khâu nào, nhằm đóng góp thông tin hữu ích giúp cơ quan quản lý Nhà nước thực thi pháp luật một cách hiệu quả hơn, PV đã đi nghiên cứu thực tế.
Trong vai đại diện công ty T.S đang phải xử lý các yêu cầu bổ sung theo Công văn số 168/CN-CNHT của Cục Công nghiệp, PV đã liên hệ tới ông Trần Xuân Thụy - chuyên viên Phòng Công nghiệp hỗ trợ (người có tên trong nội dung giải quyết công văn đến của Cục Công nghiệp với hồ sơ công ty T.S như đã đề cập ở bài 1- PV) với mong muốn tìm hiểu rõ hơn các nội dung còn vướng mắc, cần điều chỉnh, hoàn thiện hồ sơ.
Từ số điện thoại 096.9990.xxx, ngày 10/7/2023, PV đã gọi và người này xác nhận mình chính là Trần Xuân Thụy.
Ông Thụy tỏ ra khá nguyên tắc trước việc doanh nghiệp muốn tiếp cận. Sau nhiều cuộc gọi, PV mới gặp được vị cán bộ này để trao đổi trực tiếp.
Khi trình bày về những vướng mắc trong yêu cầu của Công văn 168, ông Thụy nói với PV “mọi việc phải thực hiện đúng theo quy định của pháp luật” và cho biết, hồ sơ của doanh nghiệp thiếu nên chưa thể phê duyệt.
Mặc dù vậy, ông Thụy lại giới thiệu và cho số điện thoại để doanh nghiệp liên hệ với một người tên Dũng.
Sau tín hiệu kết nối của đầu dây bên kia bằng tiếng a lô thường thấy, PV “đọc pass” “anh có phải chỗ anh Thụy – Bộ Công Thương”, thì ông Dũng xác nhận “vâng, chính xác rồi”.
Sở dĩ PV gọi người này là “nhân vật bí ẩn” là bởi ngoài số điện thoại, ông Thụy không thông tin gì thêm về chức danh, đơn vị công tác hiện tại của ông Dũng.
Bản thân ông Dũng khi giao tiếp với PV ở những cuộc gọi sau này cũng không hề hé lộ thông tin về mình.
Khác hẳn với sự dè dặt của ông Thụy, ông Dũng khá cởi mở khi nói chuyện với đại diện doanh nghiệp. Không những thế, ở một số vấn đề, người đàn ông này còn thể hiện sự chủ động và hiểu biết.
Liên quan hồ sơ của công ty đang xin xác nhận ưu đãi gửi đến Cục Công nghiệp, ông Dũng chưa cần nghe PV trình bày chi tiết đã nói luôn “mình biết sơ bộ về bộ hồ sơ đấy (hồ sơ của công ty T.S – PV) rồi”.
Quá trình trao đổi, ông Dũng chủ động kết bạn Zalo và có những trao đổi với PV.
Tiếp đó, PV bày tỏ mong muốn hồ sơ được sửa sớm để gửi lại cho ông Thụy, ông Dũng “ok (đồng ý – PV)” rất nhanh và đề nghị kết bạn Zalo, gửi file “để mình chỉnh sửa cho đúng theo yêu cầu của bên Bộ”.
Hỏi về thời gian chỉnh sửa có nhanh không, ông Dũng đáp: “Mình phải xem đã, xem còn thiếu sót gì hay không. Tầm sáng mai mình sẽ trả lời bạn là mất khoảng bao lâu, nhưng chắc là cũng nhanh thôi”.
PV tiếp tục đề cập nội dung Công văn 168 yêu cầu bổ sung gửi về Bộ trước 15/7…, ông Dũng chưa cần nghe tiếp đã hỏi luôn một cách thông thạo “phải hoàn thiện à”, rồi vẫn khẳng định “ok”.
Sau khi gửi bản mềm hồ sơ qua Zalo, PV gọi lại để hỏi thì ông Dũng nói: “Mình sẽ xem và chỉnh sửa hộ. Còn kể cả thuyết minh (thuyết minh dự án – điều kiện quan trọng trong thành phần hồ sơ nêu tại Điều 5, Thông tư 55 – PV) có chuẩn hay không chuẩn thì nó cũng là một phần thôi, quan trọng nói thẳng một câu là tốn với các lãnh đạo các thứ thì cũng phải có một phần nào đấy, có chi phí...”.
Rồi ông Dũng dẫn liền ra một quy trình rất dài: “Nó phải bắt đầu tư khâu tiếp nhận, đến đồng chí rà soát hồ sơ, xong Trưởng phòng, Cục trưởng ký nháy… Tổng chi phí đấy nói thẳng với bạn là nó rơi vào tầm khoảng 300 (300 triệu đồng – PV)”.
-Vậy số tiền 300 triệu đồng đó sẽ chuyển cho anh Thụy hay là cho ai – PV hỏi thì ông Dũng không ngần ngại: “Chuyển qua chỗ mình để mình chuyển trung gian”.
Ông Dũng còn đưa ra một cái hẹn: “Khi nào có giấy tờ ra mình sẽ báo và bạn chuyển nhé”.
- Liệu có cần phải chuyển một phần trước không? – PV tò mò, ông Dũng cho biết: “Thôi cái đấy mình sẽ hỏi ý kiến lại các đồng chí ở cấp dưới rồi mình báo lại cho”.
Ngay ngày hôm sau, ông Dũng đã chủ động gọi điện cho PV và thông báo: “Khi đầy đủ thuyết minh okie (okie, tức “được rồi” – PV) theo chỉ đạo định hướng của Cục các thứ thì đến bước ấy các bạn sẽ tạm ứng cho mình 50% (tức 150 triệu đồng – PV)”.
PV bày tỏ muốn giảm chi phí vì e ngại con số ông Dũng “chốt” quá cao so với tài chính của doanh nghiệp, khác với sự hồ hởi trước đó, lần này “nhân vật bí ẩn” cười nhạt và nói “khó, mình sợ hơi khó” rồi hỏi ngược lại: “Ý bên công ty bạn là khoảng bao nhiêu để mình biết đường trao đổi lại với các lãnh đạo?”.
Do ông Dũng đặt vấn đề thương lượng một cách bất ngờ, PV có phần lúng túng vì 300 triệu đồng để có kết quả cho 1 bộ hồ sơ là không hề nhỏ, vượt quá sự cảm ơn thông thường, PV nêu giả thiết: “Nếu được ngưỡng khoảng 50 triệu thì ok”, đến đây ông Dũng chùng giọng “Thôi cái đấy thì mình nghĩ là khó”.
Trưởng phòng “phát giá khủng” do công làm mất cả tháng
Trong một diễn biến có liên quan, nhóm PV khác đã nhập vai doanh nghiệp S.L liên hệ tới Trưởng phòng Công nghiệp hỗ trợ L.H.N cũng với mong muốn được rõ hơn về các giấy tờ cần thiết cho một bộ hồ sơ hoàn chỉnh.
Khác với sự kín kẽ của ông Thụy, khi biết doanh nghiệp làm hồ sơ xin ưu đãi, bà N. khá cởi mở. Sau một số cuộc điện thoại xã giao đủ hiểu ý nhau, giữa bà N. với PV đã có cuộc gặp trực tiếp tại quán cà phê Aha, phố sách Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, Tp. Hà Nội vào chiều 19/7/2023 (địa điểm này do bà N. chủ động chọn).
Quá trình trao đổi giữa hai bên về nội dung hồ sơ, PV bày tỏ băn khoăn về mức chi phí, bà N. không hề e ngại: “Phần chi phí chị chỉ lấy thêm một chút thôi, cho phần chị review (xem trước hồ sơ – PV)”. Tổng số chi phí cho một bộ hồ sơ chuẩn được bà N. “phát giá”: “Trước là 400 đấy, giờ là 450 (450 triệu đồng – đã cộng thêm chi phí review – PV)”.
“Nếu trong trường hợp mà bọn em không làm được hồ sơ, muốn chị làm cho từ đầu luôn thì chi phí nó phải khác, phải rất cao vì chị mất thời gian làm từ đầu, thường nó phải gấp đôi”, bà N. nói thêm.
Lý giải cho con số “khủng” này, vị Trưởng phòng cho biết: “Vì công làm hồ sơ mất cả tháng trời”.
Sau cuộc gặp gỡ, bà N. nhiệt tình hướng dẫn cho PV chỉnh sửa bộ hồ sơ hoàn chỉnh. Nhiều giấy tờ trong hồ sơ mà PV gửi được vị Trưởng phòng xem kỹ, sửa trực tiếp vào file rồi gửi lại qua Zalo kèm theo những dặn dò: “rà soát cho cẩn thận”.
Việc ông Dũng liên tục nhắc đến “lãnh đạo” và ra giá chi phí thực hư là gì? Nó có thật là khoản chi cho một nhóm lợi ích hay chỉ là ý kiến cá nhân, lợi dụng uy tín người khác để gây nhiễu loạn thông tin? Bà N. đưa ra các khoản chi phí để hoàn thiện hồ sơ cho doanh nghiệp có đúng quy định?
Với mong muốn làm rõ những băn khoăn trên, PV đã liên hệ tới cơ quan chủ quản của những người được nhắc đến trong bài là Bộ Công Thương. Và chúng tôi đã vững tin hơn vào sự minh bạch trong công tác quản lý cán bộ của đơn vị này khi ghi nhận quan điểm của lãnh đạo Phòng Công nghiệp hỗ trợ, Cục Công nghiệp.
Mời độc giả đón đọc: Những dấu hiệu “trục lợi chính sách” tinh vi và trắng trợn ở Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương - Bài 3: “Không dung túng cho bất kỳ cá nhân nào”.
Nhóm Phóng viên