Thời gian gần đây, số ca bệnh đau mắt đỏ đang có xu hướng gia tăng. Đau mắt đỏ hay viêm kết mạc là bệnh khá phổ biến và có khả năng lây lan nhanh, dễ bùng phát thành dịch nếu không được cách ly kịp thời. Thậm chí, còn có thông tin cho rằng "bệnh đau mắt đỏ do enterovirus có khả năng lây lan qua đường nước uống” khiến Sở y tế TP.HCM phải lên tiếng bác bỏ tin đồn này là không chính xác.
Bệnh đau mắt đỏ lây qua đường nào?
Đau mắt đỏ do vi khuẩn hoặc virus rất dễ lây lan từ người này sang người khác. Điều này là do bạn có thể bị đau mắt đỏ trước khi biết mình mắc bệnh và hầu hết mọi người đều có thói quen chạm vào mặt và mắt rất nhiều.
Nếu bị đau mắt đỏ do vi khuẩn, bạn sẽ dễ lây bệnh khi có triệu chứng hoặc trong vòng 24-48 tiếng sau khi bắt đầu điều trị bằng kháng sinh.
Nếu bị đau mắt đỏ do virus, bạn có khả năng lây nhiễm trong thời gian có triệu chứng (thường là vài ngày). Bạn cũng có thể bị đau mắt đỏ trước khi nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào.
Bệnh đau mắt đỏ không lây lan qua con đường uống nước. (Ảnh minh họa)
Bệnh đau mắt đỏ có thể lây lan qua những con đường sau:
- Tiếp xúc với chất tiết từ người bệnh (rỉ mắt, nước mắt, nước bọt) đều là nguồn lây nhiễm khá mạnh.
- Lây nhiễm qua đường hô hấp: Giọt nước bọt, nước mũi bắn trong không khí.
- Khi tiếp xúc gần (chạm, bắt tay) với người khác. Virus và vi khuẩn có thể di chuyển từ tay người bệnh sang tay bạn và nếu sau đó bạn chạm vào mắt mình thì sẽ bị nhiễm bệnh.
- Tiếp xúc gián tiếp qua cầm, nắm, chạm vào những bề mặt bị nhiễm vi khuẩn hoặc virus gây bệnh, sau đó chạm vào mắt trước khi rửa tay.
- Bằng cách sử dụng chung đồ dùng cá nhân với người bệnh như khăn mặt, khăn tắm, đồ trang điểm...
Làm cách nào để ngăn ngừa lây nhiễm bệnh đau mắt đỏ?
Người bệnh bị đau mắt đỏ do vi khuẩn hoặc virus nên ở nhà, không đi làm, đi học cho đến khi không còn khả năng lây nhiễm nữa. Bạn thường ít có khả năng lây nhiễm nếu đã dùng thuốc kháng sinh trong 24 giờ hoặc không còn triệu chứng nữa.
Không chạm hoặc chà xát, dụi mắt khi đang bị bệnh để tránh lây nhiễm. (Ảnh minh họa)
Tuân thủ các biện pháp vệ sinh chung và chăm sóc mắt tốt cũng có thể giúp ngăn ngừa sự lây lan của bệnh đau mắt đỏ.
- Đừng chạm vào hoặc chà xát mắt bị nhiễm trùng.
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước.
- Rửa sạch chất dịch chảy ra từ mắt hai lần một ngày bằng bông gòn mới. Vứt bỏ miếng bông gòn và rửa tay bằng xà phòng và nước ấm sau đó.
- Rửa tay sau khi nhỏ thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc mỡ tra mắt
- Không dùng chung các vật dụng cá nhân như đồ trang điểm, kính áp tròng, khăn tắm hoặc cốc.
Đau mắt đỏ nhỏ thuốc gì để mau khỏi?
Ngoài việc phòng ngừa lây nhiễm bệnh, nhiều người cũng rất quan tâm tới việc nên sử dụng loại thuốc nào để bệnh mau khỏi. Có một số người bệnh tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid. Theo các bác sĩ, việc sử dụng loại thuốc này không hề có tác dụng mà còn làm tổn thương nặng hơn, kéo dài thời gian và lây lan của bệnh, tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Người bị đau mắt đỏ không nên tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid. (Ảnh minh họa)
Tốt nhất khi bị đau mắt đỏ, bạn nên dùng nước muối sinh lý (natri clorua 0,9%) hoặc nước cất để rửa mắt. Các loại thuốc nhỏ mắt chứa kháng sinh sẽ được bác sĩ chỉ định khi người bệnh có dấu hiệu nghi bội nhiễm vi khuẩn (đau nhức, giảm thị lực, sợ ánh sáng...), phòng ngừa nhiễm trùng sau bóc giả mạc.
Lưu ý tuyệt đối không đưa vật lạ vào mắt như xông hơi lá trầu, đắp lá cây, đắp thuốc, giã thịt ếch nhái, côn trùng, mật gấu, nước tiểu, sữa mẹ... vì có thể làm mắt bệnh bị nhiễm trùng nặng hơn.