Dạy nghề và tạo việc làm cho lao động nông thôn: Hướng thoát nghèo bền vững

Để nâng cao chất lượng nguồn lực cho lao động nông thôn, thời gian qua Việt Nam đã thực hiện đào tạo giáo dục nghề nghiệp và đạt được những kết quả khả quan, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho người lao động.

Liên quan đến việc dạy nghề và tạo việc làm cho lao động nông thôn, ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng cục Kinh tế hợp tác và phát triển (bộ NNPT&NT), cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục triển khai dạy nghề cho lao động nông thôn để xóa bỏ dần khoảng cách kỹ năng nghề của lao động nông thôn và thành thị. Bộ, cục sẽ thực hiện nhiều điều chỉnh để việc dạy nghề phù hợp với thực tiễn; đặc biệt kiến nghị để mở rộng độ tuổi học nghề cho lao động nông thôn. 

Có thể khẳng định các lớp đào tạo nghề đã và đang đạt được những kết quả khả quan, góp phần làm thay đổi ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo cơ hội tìm kiếm việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, thực hiện có hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo và các mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Anh Hoàng A Dê (37 tuổi, trú tại huyện Mai Châu, Hòa Bình) từng làm nông nghiệp đơn thuần, công việc vất vả nhưng thu nhập thấp. Sau khi được tham gia chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn, cộng với nỗ lực tận dụng công nghệ thông tin để học thêm tiếng Anh trên mạng, giờ đây anh Dê đã chuyển đổi việc làm thành công. Hiện tại anh là hướng dẫn viên du lịch cho khách quốc tế. Ngoài ra anh còn mở một cửa hàng bán đồ thổ cẩm, tạo việc làm cho mẹ và các thành viên trong thôn, bản.

Một lao động khác, anh Đàm Văn Thực (Thanh Oai, Hà Nội) từng là xe ôm, sau này chuyển sang làm lái xe công nghệ. Công việc chạy xe ôm truyền thống trước đó của anh Thực khá vất vả, thu nhập thấp. Sau khi đăng ký làm lái xe công nghệ, thu nhập của anh cao hơn trước, trung bình được từ 7-10 triệu đồng/tháng.

Theo tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (bộ LĐ-TB&XH), tổng hợp số liệu của các địa phương sau 10 năm thực hiện đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã có khoảng 9,6 triệu lao động nông thôn được đào tạo nghề, tỉ lệ có việc làm sau học nghề đạt trên 80%.

Đào tạo nghề trồng cây ăn quả cho nông dân tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp

Riêng trong giai đoạn 2016-2020 có trên 134.000 hộ nghèo có người tham gia học nghề đã có việc làm và thoát nghèo. Trên 168.000 hộ có người tham gia học nghề có việc làm, thu nhập cao hơn mức bình quân tại địa phương và trở thành hộ khá.

Theo ông Đỗ Năng Khánh - Phó Tổng cục trưởng tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, hiện nay tỷ lệ lao động qua đào tạo ở Việt Nam đã tăng lên 65% (năm 2010 chỉ hơn 40%). Mặc dù vậy, tỷ lệ được đào tạo của lao động nông thôn vẫn thấp.

Để nâng cao chất lượng nguồn lực cho lao động nông thôn, thời gian qua Việt Nam đã thực hiện xây dựng đào tạo giáo dục nghề nghiệp đa cấp, đa trình độ. Đã có nhiều chương trình dạy nghề thường xuyên, dạy nghề sơ cấp cho lao động nông thôn để họ có thể làm nông nghiệp tự do, nhỏ lẻ. Ngoài ra có đào tạo trình độ trung cấp để lao động có thể tham gia vào nhà máy, xí nghiệp vào dây chuyền sản xuất. Cuối cùng là đào tạo trình độ trung cấp, nghề nông nghiệp công nghệ cao để có thể chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp 4.0.

Ông Khánh cũng cho biết, ngoài đào tạo những ngành cũ, tức những ngành nông nghiệp, thời gian qua tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cũng đã kết hợp với nhiều đơn vị thực hiện dạy ngành nghề mới. Gần đây nhất, tổng cục phối hợp với các trường và các công ty ký hợp tác đào tạo nghề trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe."Đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 nhìn chung đã làm thay đổi cơ bản diện mạo của nông nghiệp, nông thôn. Qua 10 năm đào tạo, hàng triệu lao động đã được học nghề để chuyển đổi việc làm, hoặc làm việc cũ tăng thu nhập so với trước" - ông Khánh đánh giá.

Để tăng cường hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn những năm tiếp theo, tổng cục Giáo dục nghề nghiệp sẽ triển khai các giải pháp như tăng cường tuyên truyền, phổ biến về chủ trương, chính sách đào tạo nghề nghiệp nói chung, đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đa dạng hóa các hình thức đào tạo, linh hoạt đáp ứng yêu cầu của người lao động, đặc thù về phong tục, tập quán, đặc điểm kinh tế - xã hội của từng địa phương với phương châm "chỉ tổ chức đào tạo khi có dự báo về việc làm, thu nhập sau đào tạo". 

 

Bảo Đăng