ĐBQH: Cần quy định chính sách khai thác tận thu mỏ dầu khí

Để có thể tiếp tục hoạt động khai thác, tận thu mỏ dầu khí, đóng góp vào ngân sách đại biểu Tâm Hùng đề nghị cần có quy định thật cụ thể.

Điểm quan trọng đột phá

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, chiều 25/10 Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Dầu khí (sửa đổi).

Phát biểu đóng góp ý kiến, ĐBQH Nguyễn Tâm Hùng (đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) cơ bản thống nhất với dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi).

Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng hoạt động dầu khí có tính chất đặc thù do tính rủi ro cao, tại thời điểm ký kết hợp đồng chưa thể lường hết được các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả tìm kiếm, thăm dò dầu khí, phát triển mỏ dầu khí và khai thác dầu khí.

“Do vậy, tôi cho rằng các quy định điều chỉnh liên quan đến mỏ dầu khí tận thu và các quy định về chính sách ưu đãi trong lĩnh vực dầu khí nói chung và mỏ tận thu nói riêng tại Điều 55 là một điểm quan trọng đột phá của dự thảo luật lần này”, đại biểu Hùng nói.

Lý do được đại biểu đưa ra là hiện một số mỏ dầu khí, các lô dầu khí sản lượng đã giảm hoặc hết hạn hợp đồng hoặc nhà thầu chấm dứt hợp đồng sớm dẫn đến việc suy giảm về hiệu quả kinh tế.

Tiêu điểm - ĐBQH: Cần quy định chính sách khai thác tận thu mỏ dầu khí             ĐBQH Nguyễn Tâm Hùng phát biểu đóng góp ý kiến về dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi).

Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về hoạt động này nên việc triển khai các dự án để tận thu nguồn tài nguyên quốc gia còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Ngoài ra, các cơ chế ưu đãi để thu hút đầu tư không còn thực sự hấp dẫn so với các nước trong khu vực nên đây là rào cản cho các đối tác muốn đầu tư và hoạt động dầu khí tại Việt Nam.

Vì vậy, để có thể tiếp tục hoạt động khai thác tận thu mỏ dầu khí, thực sự nâng cao hiệu quả kinh tế và đóng góp vào ngân sách Nhà nước đối với việc khai thác các mỏ này cần có quy định thật cụ thể, luật hóa chính sách khai thác tận thu đặc thù, phân biệt với cơ chế phân chia sản phẩm và nguyên tắc thu hồi chi phí của hợp đồng chia sản phẩm dầu khí.

Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ cần sớm nghiên cứu quy định chi tiết chính sách này, tại khoản 2 Điều 55 của dự thảo luật còn để mở, còn như quy định hiện nay của dự thảo luật sẽ chưa thực hiện được tận thu mỏ dầu khí.

Bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ

Về phê duyệt hợp đồng dầu khí, quyền, nghĩa vụ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các nội dung chính của hợp đồng dầu khí, bảo đảm tính chất đặc thù có liên quan đến quốc phòng, an ninh, chủ quyền, môi trường, mặt biển, đất đai. Tiếp tục rà soát, bảo đảm quy định rõ ràng, minh bạch, chặt chẽ theo đúng tinh thần phân cấp và cải cách thủ tục hành chính.

Đồng thời, để bảo đảm thống nhất và tính khả thi trong quá trình thực hiện, Điều 29 đã quy định về các loại hợp đồng dầu khí, trong đó có đề cập hợp đồng dầu khí, điển hình là hợp đồng phân chia sản phẩm.

Điều 30 của dự thảo luật đã quy định cụ thể về các nội dung chính của hợp đồng dầu khí. Tuy nhiên, để khung pháp lý được hoàn chỉnh hơn, đại biểu Tâm Hùng đề nghị Quốc hội và Ban soạn thảo rà soát, xem xét theo quy định tại Điều 61, Điều 62, Điều 63 của dự thảo luật, PVN được giao để thực hiện một số chức năng quản lý nhà nước về dầu khí. Đồng thời, Điều 66 đã quy định tương đối chi tiết về quyền và nghĩa vụ của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước.

“Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi, hạn chế tối đa chồng chéo trong quá trình thực hiện, đề nghị quy định rõ và tách biệt vai trò của cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước trong quá trình phê duyệt giai đoạn hoạt động dầu khí nhằm bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa quản lý Nhà nước trong lĩnh vực dầu khí và quản lý vốn Nhà nước”, đại biểu Tâm Hùng cho biết.

Ngoài ra, cần phải nói thêm việc quy định rõ như nêu trên sẽ hỗ trợ nhà thầu dầu khí trong quá trình thực hiện chuyển nhượng quyền lợi tham gia, quyền và nghĩa vụ của nhà thầu trong hợp đồng dầu khí.

Tiêu điểm - ĐBQH: Cần quy định chính sách khai thác tận thu mỏ dầu khí (Hình 2).                                                           Quang cảnh phiên họp chiều 25/10.

Đặc biệt, khi đơn vị chuyển nhượng hoặc nhận chuyển nhượng là PVN hoặc doanh nghiệp 100% vốn của PVN, vì thực tế nếu là PVN hoặc doanh nghiệp 100% vốn của PVN chuyển nhượng hoặc nhận chuyển nhượng quyền lợi tham gia sẽ phải tuân theo Luật Quản lý vốn Nhà nước và Luật Dầu khí.

Theo đó, theo quy định của Luật Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, khi bán tài sản dầu khí, đồng thời với việc tổ chức chào thầu cạnh tranh PVN phải mời tổ chức độc lập đánh giá, xác định giá trị khởi điểm của tài sản dầu khí. Việc này không khả thi vì không có tổ chức tư vấn Việt Nam nào có thể thực hiện được việc này.

Góp ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Phạm Thúy Chinh (Đoàn Hà Giang) cho biết, liên quan đến nội dung về thực hiện quyền tham gia quyền ưu tiên mua trước, quyền lợi tham gia trong hợp đồng dầu khí, mặc dù cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo đã có tiếp thu, giải trình và chỉnh lý, tuy nhiên theo đại biểu Chinh, dự thảo Luật vẫn cần phải quy định cụ thể hơn, rõ ràng hơn để tạo cơ sở pháp lý cho các trường hợp nhận chuyển giao quyền lợi tham gia hợp đồng dầu khí trong trường hợp đặc biệt.

Đại biểu đề nghị, cần nghiên cứu thiết kế theo hướng tách khoản về nội dung này trong dự thảo Luật thành một Điều luật riêng về nhận, chuyển giao toàn bộ quyền lợi tham gia các dữ liệu công trình dầu khí của nhà thầu trong trường hợp nhà thầu quyết định rút khỏi hợp đồng dầu khí vì lý do đặc biệt.

Đồng thời, nên giao cho Chính phủ quy định chi tiết về trình tự, thủ tục tiếp nhận cơ chế theo dõi, quản lý cơ chế tài chính, quy định trách nhiệm của Tập đoàn dầu khí, Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan trong tổ chức thực hiện Điều luật này.