Đề xuất buộc phải kiểm định chất lượng đầu vào mới được thi tuyển công chức

Dự kiến từ năm 2024, tất cả những người đăng ký tham gia thi tuyển công chức (trừ một số đối tượng) bắt buộc phải đạt kết quả kiểm định chất lượng đầu vào.

Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo Nghị định quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức.

Cần có một ngân hàng câu hỏi kiểm định chất lượng đầu vào công chức thống nhất trên cả nước

Bộ Nội vụ cho biết, trong việc thực hiện quy trình tuyển dụng công chức từ trước đến nay hoạt động mang tính kiểm định chất lượng đầu vào chủ yếu do các bộ, ngành, địa phương tuyển dụng thực hiện trên cơ sở đánh giá hồ sơ, văn bằng, chứng chỉ mà chưa có hoạt động sát hạch, sàng lọc thí sinh trước khi đánh giá năng lực chuyên môn. Các nội dung thi về kiến thức chung, ngoại ngữ, tin học được đánh giá đồng thời với nội dung thi tuyển về kiến thức, kỹ năng chuyên môn, vì vậy, có sự chênh lệch về năng lực thí sinh.

Sau khi Nghị định số 161/2018/NĐ-CP được thay thế bằng Nghị định số 138/2020/NĐ-CP việc thực hiện vòng 1 kỳ thi tuyển dụng công chức được các bộ, ngành, địa phương triển khai. Các quy định về thực hiện vòng 1 kỳ thi tuyển dụng công chức quy định trong Nghị định số 138/2020/NĐ-CP tương tự như trong Nghị định số 161/2018/NĐ-CP. Việc thực hiện vòng 1 kỳ thi tuyển dụng công chức đã đạt được những kết quả nhất định.

Cụ thể, vòng 1 góp phần sàng lọc thí sinh, lựa chọn thí sinh có nền tảng kiến thức tốt tham gia vòng 2 của kỳ thi tuyển dụng công chức; nội dung thi tuyển vòng 1 đã bước đầu được đổi mới theo hướng phù hợp hơn với thực tế; quá trình thực hiện vòng 1 kỳ thi mở rộng sự tham gia của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học thay vì chỉ có sự tham gia của cơ quan tuyển dụng góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả trong kiểm tra, đánh giá năng lực của thí sinh.

Bên cạnh những kết quả bước đầu đã đạt được thì việc thực hiện vòng 1 còn bộc lộ một số hạn chế.

Thứ nhất, Phần câu hỏi về Kiến thức chung chủ yếu tập trung vào đánh giá hiểu biết về pháp luật liên quan đến cán bộ, công chức, chức trách, nhiệm vụ. Về ngoại ngữ mới chỉ đánh giá kỹ năng đọc, hiểu thông thường mà còn thiếu nội dung đánh giá về việc sử dụng ngoại ngữ trong môi trường công vụ.

Thứ hai, trong tổ chức thực hiện thi tuyển vòng 1, nội dung thi tuyển, cách thức ra đề thi chưa phù hợp. Mục đích chính của vòng 1 là nhằm lựa chọn được người có năng lực nền tảng cần thiết, phù hợp vào nền công vụ. Tuy nhiên, để tuyển chọn được những ứng viên đủ năng lực thì nội dung, chất lượng ngân hàng câu hỏi là yếu tố quan trọng.

Song trong thực tế thời gian vừa qua, khi việc thực hiện thi vòng 1, nhiều cơ quan tuyển dụng còn có sự lúng túng nhất định trong việc ra đề thi để chọn được đúng người theo yêu cầu.

Trong không ít trường hợp, nội dung đề thi chưa bao quát hết các lĩnh vực và chuyên ngành, chưa thực sự sát với vị trí việc làm, dẫn đến chưa đánh giá đúng năng lực của thí sinh. Nội dung thi tuyển vòng 1 có nơi tập trung vào các vấn đề lý luận chung, hoặc lặp lại các kiến thức mà người dự thi đã được học trong các trường đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân, khó đánh giá được khả năng hiểu biết xã hội, năng lực tư duy, khiến cho việc đánh giá vòng 1 chưa đạt được mục tiêu kiểm định. Ở một số bộ, ngành, địa phương, nội dung thi, đề thi vòng 1 được các cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng đặt từ nhiều nguồn khác nhau, nên nội dung, mức độ khó, dễ khác nhau, vì thế khó đảm bảo những người trúng tuyển và trở thành công chức có cùng mặt bằng năng lực và đáp ứng được yêu cầu công việc.

Như vậy, có thể thấy, việc thực hiện vòng 1 kỳ thi như hiện nay không những chưa đảm bảo được mặt bằng chung của công chức được tuyển dụng. Trên thực tế, việc thi tuyển vòng 1 thời gian qua có nơi có lúc chưa thực sự phản ánh chính xác khả năng làm việc trong tương lai của công chức. Điều này lý giải tại sao nhiều trường hợp người có kỹ năng làm việc tốt đã được kiểm nghiệm qua thời gian làm hợp đồng tại cơ quan, đơn vị hoặc được đào tạo tại các cơ sở đào tạo có uy tín ở trong và ngoài nước nhưng vẫn không trúng tuyển bởi nội dung thi thường là lý thuyết chung, không có phần thi để đánh giá những năng lực chuyên biệt cho từng vị trí.

Thực trạng này là một trong những nguyên nhân làm công chức được tuyển dụng tuy có cùng vị trí việc làm nhưng chênh lệch nhau về năng lực. Kết quả đánh giá vòng 1 chỉ có giá trị đối với cơ quan tuyển dụng công chức tổ chức thi vòng 1 mà không có giá trị với cơ quan tuyển dụng công chức khác, thiếu tính liên thông trong việc sử dụng kết quả vòng 1, mặc dù cùng vị trí việc làm.

Thứ ba, thiếu tính chủ động trong xây dựng ngân hàng câu hỏi cho vòng 1. Thực tế, các bộ, ngành và địa phương chưa chủ động trong việc xây dựng ngân hàng câu hỏi phục vụ cho công tác thi tuyển công chức. Việc thi tuyển công chức mới chỉ dừng lại ở mức độ khi nào có chỉ tiêu tuyển dụng, các cơ quan, đơn vị mới thành lập Hội đồng tuyển dụng và tiến hành xây dựng các bộ câu hỏi phục vụ cho từng kỳ thi cụ thể, chưa có ngân hàng câu hỏi phục vụ lâu dài cho công tác tuyển dụng công chức.

Thứ tư, phần mềm thi tuyển công chức trên máy tính được xây dựng áp dụng tại một số bộ, ngành và địa phương mà chưa được xem xét, đánh giá, đưa vào sử dụng bắt buộc trong công tác thi tuyển công chức của tất cả các bộ, ngành và địa phương, đa số phần mềm chưa có tiêu chuẩn thống nhất hoặc phần mềm chưa có bản quyền theo quy định.

Thứ năm, với việc phân cấp tuyển dụng, các cơ quan tuyển dụng phải trực tiếp tổ chức thực hiện vòng 1 kỳ thi dẫn đến việc lãng phí thời gian, nhân lực, vật lực trong quá trình tuyển dụng công chức. Mỗi lần tuyển dụng tại bộ, ngành và địa phương, các nội dung vòng 1 kỳ thi đều phải thực hiện lại từ đầu (như: thuê các chuyên gia xây dựng, thẩm định bộ câu hỏi). Việc này gây tốn kém về ngân sách. Bên cạnh đó, trong không ít trường hợp khi tuyển dụng, cơ quan tuyển dụng nhận được số hồ sơ không lớn, nguồn tuyển bị hạn chế, chất lượng không đồng đều nhưng vẫn phải thực hiện đầy đủ quy trình vòng 1, chi phí cho việc thi vòng 1 trên 1 thí sinh rất cao mà lệ phí thi khó có thể bù đắp được.

Thứ sáu, việc tổ chức các hội đồng tuyển dụng được giao cho các Bộ, ngành ở trung ương và ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trong đó thành viên của các Hội đồng không cố định, chủ yếu là kiêm nhiệm, chưa hình thành được một đội ngũ chuyên trách trong thi tuyển công chức. Nghiệp vụ công tác tổ chức thi tuyển chưa sâu trong khi khối lượng công việc rất lớn đòi hỏi tính chuyên môn hoá cao dẫn tới những lúng túng và thiếu ổn định trong các khâu của quy trình tuyển dụng công chức làm hạn chế hiệu quả của hoạt động này. Trong khi đó, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát còn có những hạn chế nhất định, tiềm ẩn nguy cơ việc phát sinh tiêu cực.

Thứ bảy, việc chấp hành các quy định về công tác tuyển dụng công chức tại một số bộ, ngành, địa phương chưa đầy đủ, chất lượng chưa cao, chưa đồng đều, có nơi còn xảy ra sai phạm.

Từ những vần đề trên, yêu cầu phải đổi mới mô hình tuyển dụng công chức, làm rõ quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức; phải có một ngân hàng câu hỏi kiểm định cho tất cả các bộ, ngành và địa phương để bảo đảm sự thống nhất nội dung, kiến thức, mức độ khó của các câu hỏi, áp dụng cho toàn bộ các thí sinh thi tuyển công chức trên cả nước là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Việc có một ngân hàng câu hỏi kiểm định thống nhất trên cả nước sẽ làm tăng tính khách quan trong thi kiểm định, đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật, việc kiểm định đầu vào công chức bảo đảm về năng lực, phẩm chất tương ứng và bảo đảm công khai, công bằng, minh bạch.

Đối tượng công chức phải kiểm định chất lượng đầu vào

Việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức được hiểu không phải là một hình thức tuyển dụng công chức. Do đó, để có cơ sở thực hiện việc kiểm định chậm nhất ngày 15/1 hàng năm Bộ Nội vụ phải ban hành kế hoạch kiểm định.

Theo dự thảo Nghị định thì kiểm định chất lượng đầu vào được áp dụng với người tham gia thi tuyển vào làm công chức trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện.

Ngoài ra, không thực hiện việc kiểm định chất lượng đầu vào với người được tuyển dụng vào công chức thông qua xét tuyển hoăc tiếp nhận theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 37 Luật Cán bộ, công chức (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 5 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức).

Người có đủ các điều kiện sau đây, không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo được đăng ký tham gia kiểm định chất lượng đầu vào công chức: Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam; Đủ 18 tuổi trở lên; Có giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời hoặc bằng tốt nghiệp chuyên môn ở trình độ đào tạo phù hợp với yêu cầu kiểm định.

Những người sau đây không được đăng ký kiểm định chất lượng đầu vào công chức: Không cư trú tại Việt Nam; mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang chấp hành hoặc đã chấp hành xong bản án, quyết định về hình sự của Tòa án mà chưa được xóa án tích; đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục.

Nội dung kiểm định

Thực hiện chủ trương đổi mới về nội dung và hình thức trong thi tuyển công chức theo hướng đơn giản hóa thủ tục, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan sử dụng công chức và nâng cao chất lượng công tác tổ chức thi, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác thi tuyển công chức để phòng chống tiêu cực trong thi tuyển, Bộ Nội vụ đề nghị việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức được thực hiện bằng hình thức thi trắc nghiệm trên máy vi tính, nội dung kiểm định không chỉ đánh giá về việc hiểu biết chung của thí sinh dự thi về chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp, pháp luật về quản lý Nhà nước mà yêu cầu thí sinh hiểu về quyền, nghĩa vụ, chức trách, nhiệm vụ của công chức, kiến thức về văn hóa, lịch sử, đạo đức công vụ… Ngoài ra, nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng các câu hỏi kiểm định sẽ tập trung đánh giá năng lực tư duy, nhận thức, khoa học, năng lực ứng dụng vào thực tiễn của thí sinh.

Tại dự thảo Nghị định đề xuất không yêu cầu phải thi môn ngoại ngữ và tin học vì theo yêu cầu chuẩn đầu ra về ngoại ngữ của sinh viên tốt nghiệp các trình độ trung cấp chuyên nghiệp, cử nhân đều yêu cầu đáp ứng trình độ ngoại ngữ bậc 3. Đồng thời, tại các cơ sở giáo dục đại học hiện quy định chuẩn đầu ra trình độ ngoại ngữ đối với sinh viên khi tốt nghiệp theo Quyết định số 1400/QĐ- TTg, mà chuẩn đầu ra về trình độ ngoại ngữ đó phù hợp với yêu cầu về trình độ ngoại ngữ tương ứng với ngạch công chức tham gia dự tuyển.

Đối với tin học, do hiện nay yêu cầu sử dụng công nghệ thông tin trong các cơ sở giáo dục cũng như quy định việc tổ chức thi tuyển trên máy tính cũng là bước kiểm tra kiến thức và kỹ năng sử dụng tin học. Tuy nhiên, đối với những vị trí việc làm yêu cầu phải có trình độ ngoại ngữ hay tin học ở trình độ cao thì cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức có thể yêu cầu kiểm tra tại lúc thực hiện quy trình tuyển dụng công chức.

Xác định người đạt kết quả trong kỳ kiểm định

Tuyển chọn được người có năng lực nền tảng, cần thiết để đảm bảo mặt bằng chung về chất lượng công chức trong phạm vi cả nước đối với vị trí cần tuyển dụng, làm cơ sở cho các cơ quan, đơn vị lựa chọn, tuyển dụng theo yêu cầu, nhiệm vụ; việc xác định người đạt trong đánh giá kiểm định khi trả lời đúng từ 60% câu hỏi trở lên nhằm nâng cao chất lượng của việc tuyển dụng công chức.

Việc phân loại kết quả kiểm định giúp cho các cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng xác định nhu cầu chất lượng của công chức đối với từng vị trí việc làm. Ví dụ đối với những vị trí việc làm cần nghiên cứu sâu thì có thể lựa chọn những người có kết quả kiểm định đạt loại cao để thực hiện việc kiểm định hoặc đối với vị trí việc làm thực hiện nội dung công việc đơn giản hơn có thể lựa chọn những người có kết quả kiểm định đạt loại thấp hơn. Ngoài ra, việc phân loại kết quả kiểm định cũng giúp cho các bộ, ngành, địa phươn lựa chọn người làm việc tại các địa bàn khác nhau trong mỗi cơ quan, đơn vị.

Về sử dụng kết quả kiểm định

Kết quả kiểm định có giá trị sử dụng trong toàn quốc chính là xây dựng nhân sự nguồn để tuyển dụng. Nguồn đạt kiểm định này sẽ là nơi lựa chọn cho các cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng thay vì giới hạn từ các thí sinh nộp hồ sơ trong mỗi đợt tuyển dụng. Cơ quan tuyển dụng công chức có điều kiện lựa chọn những thí sinh có năng lực tốt nhất, phù hợp nhất tham gia thi tuyển để trở thành công chức. Kết quả kiểm định sẽ được công khai trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử và gửi về các bộ, ngành, địa làm cơ sở cho việc tuyển dụng công chức.

Dự thảo Nghị định kế thừa từ Đề án án kiểm định chất lượng đầu vào công chức, trong quá trình xây dựng đề án và dự thảo Nghị định đã nhiều lần lấy ý kiến về giá trị kiểm định, theo đó đa phần các bộ, ngành, địa phương đều chọn giá trị kiểm định trong 24 tháng vì nếu để 36 tháng thì có thể chính sách, kiến thức thi đã thay đổi và nếu để 12 tháng thì thí sinh chưa kịp tham gia kỳ tuyển dụng đã có thể hết giá trị của kết quả kiểm định.

Dự kiến, việc yêu cầu bắt buộc người đăng ký tham gia thi tuyển công chức phải đạt kết quả kiểm định chất lượng đầu vào công chức được thực hiện kể từ ngày 1/1/2024.

Việc tổ chức thi tuyển công chức tiếp tục được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 138/2020/NĐ-CP đến hết ngày 31/12/2023. Trong thời gian này, người đạt kết quả kiểm định chất lượng đầu vào khi tham gia thi tuyển không phải thực hiện thi vòng 1.