Tôi năm nay đã gần 35, bạn bè ở độ tuổi tôi đều đã chồng con ổn định, nhưng tôi thì chưa. Không phải vì kén cá chọn canh mà vì đã từng đổ vỡ một lần nên chuyện hôn nhân khiến tôi khá dè chừng. Có lẽ tôi sợ hoặc bản thân chưa đủ tự tin để bắt đầu một mối quan hệ lâu dài nên mấy năm qua tôi chả có yêu đương gì.
Cho đến khi gặp được anh, một người đàn ông lớn hơn tôi 3 tuổi, cũng đã từng có một đời vợ. Nhưng không giống như hoàn cảnh của tôi, hôn nhân của anh bi thương hơn khi người bạn đời "đầu ấp tay gối" đột ngột qua đời vì ung thư, từ đó anh "gà trống nuôi con".
Dù nhiều người đều không ủng hộ tôi làm mẹ kế, nhưng tôi yêu tính cách của người đàn ông trưởng thành, chững chạc và cực kỳ có trách nhiệm này. Như mọi người cũng biết, vốn dĩ phụ nữ làm mẹ đơn thân đã khó, vậy thì với một người đàn ông gồng gánh nuôi con gái 4 tuổi sẽ vất vả đến nhường nào. Điều này thực sự không hề dễ dàng gì, nhưng chồng sắp cưới của tôi lại làm rất tốt. Đó là lý do mà tôi tin tưởng bước lên xe hoa lần thứ hai cùng anh.
Khi đã chính thức trở thành vợ chồng, tôi cũng đã chuẩn bị tinh thần dọn về nhà sống chung với anh và con gái riêng. Tuy nhiên một sự việc diễn ra trong đêm tân hôn khiến tôi khá khó chịu, nhưng sau khi nghe anh giải thích thì tôi lại cảm thấy vô cùng có lỗi. Tôi cứ nhớ mãi dù chuyện đã xảy ra cách đây gần 1 tuần rồi!
Ảnh minh hoạ.
Cụ thể là buổi tối đầu tiên về nhà cùng nhau, tôi cứ ngỡ vợ chồng sẽ có không gian riêng nhưng anh lại ngỏ lời để con gái ngủ cùng vì sợ con chưa quen. Tôi có chút hụt hẫng nhưng cũng gật đầu đồng ý. Chuyện sẽ không có gì đáng nói nếu như suốt cả một đêm đó, anh ấy không tắt đèn ngủ mà để sáng đêm khiến tôi cực kỳ tức giận.
Từ trước đến nay tôi không quen bật đèn để ngủ, nên vào lúc nửa đêm khi anh ấy loay hoay bật đèn thì tôi cũng bị thức giấc. Suốt cả ngày bận rộn với đám cưới, tôi vốn đã rất mệt nên muốn ngủ nghỉ cho lại sức. Thêm vào đó, có con gái anh ấy ở đây thì vợ chồng cũng chỉ ngủ chứ không thủ thỉ với nhau được gì. Thế nhưng vừa mới vào giấc chưa bao lâu thì tôi đã bị đánh thức bởi ánh đèn. Điều đó khiến tâm trạng của tôi lập tức khó chịu, tôi lớn tiếng trách:
- Em nhớ mình đã nói với anh từ trước là em không quen ngủ đèn, tại sao anh lại bật lên khiến em bị mất giấc rồi đấy anh biết không?
- Xin lỗi em, anh biết điều đó nhưng con gái vẫn chưa quen với môi trường mới em ạ. Anh sẽ cố gắng tập cho con, em đừng giận, chịu khó chút vợ nhé!
Nghe tôi và chồng lời qua tiếng lại, cô con gái nhỏ cũng bật khóc. Vừa dỗ con, anh ấy lại vừa tiếp tục giải thích vì sợ tôi khó chịu.
- Thực ra từ khi mẹ con bé mất, anh vẫn luôn ngủ cùng con. Vì xa mẹ nên đứa trẻ vẫn luôn mang tâm lý sợ hãi, không có cảm giác an toàn khi ở một mình. Thậm chí con còn rất sợ bóng tối, trước đây mỗi khi đi ngủ, anh đều bật đèn ngủ để con yên tâm và ngủ ngon hơn. Nếu tắt đèn, con sẽ thức giấc và khóc em ạ! Anh không biết làm thế nào, nhưng vì thương con mới 4 tuổi đã thiếu vắng sự chăm sóc của mẹ nên anh luôn cố gắng bù đắp mọi thứ cho con. Em hiểu và thông cảm cho anh nhé!
Ảnh minh hoạ.
Sau khi chồng mới cưới tâm sự những lời này, tự dưng tôi cảm thấy bản thân mình thật ích kỷ và vô tâm, tôi không đủ tinh tế để nhận ra vấn đề của đứa trẻ và tìm cách hỗ trợ chồng, ấy thế mà còn gây áp lực cho anh. Ngay tại thời điểm đó, tôi vô cùng hối hận vì thái độ nóng giận, không kiểm soát tốt cảm xúc của mình.
Mặc dù đã từng kết hôn, nhưng tôi lại chưa từng làm mẹ nên tôi biết bản thân còn thiếu xót nhiều lắm. Qua chuyện lần này, tôi tự nhủ với lòng sẽ cố gắng phụ chồng nuôi dạy đứa trẻ thật tốt để bù đắp cho con, như vậy thì những tổn thương tâm lý của con sẽ được chữa lành và đứa trẻ vẫn sẽ trưởng thành khoẻ mạnh, hạnh phúc như bao đứa trẻ khác. Dù không phải là người mang nặng đẻ đau 9 tháng 10 ngày sinh con ra, nhưng tôi tin mình sẽ làm tốt vai trò mới này.
Tâm sự từ độc giả thuphuong...@gmail.com
Sợ bóng tối và thói quen phải luôn bật đèn khi đi ngủ của trẻ nhỏ là một chủ đề phức tạp, mà yếu tố tâm lý và phát triển có vai trò quan trọng trong việc hiểu rõ nguyên nhân của nó.
Ảnh minh hoạ.
Đầu tiên, tính tự nhiên và ảnh hưởng sinh học có thể giải thích cho sự sợ hãi trước bóng tối của trẻ nhỏ. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, con người có xu hướng tự nhiên là dễ sinh ra cảm giác sợ hãi trước những điều không rõ ràng, không thể nhìn thấy. Điều này có thể liên quan đến tiến hóa, vì trong quá khứ, khi màn đêm xuất hiện, môi trường trở nên nguy hiểm hơn và khả năng chống lại các mối nguy hiểm giảm đi. Do đó, sự sợ hãi trước bóng tối có thể được coi là một cơ chế bảo vệ tự nhiên để duy trì sự an toàn và cảm giác tồn tại của bản thân trẻ.
Thứ hai, sự phát triển tâm lý của trẻ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nỗi sợ bóng tối. Trẻ nhỏ ở độ tuổi mẫu giáo và tiểu học có khả năng tưởng tượng mạnh mẽ, khó kiểm soát được sự sợ hãi và lo lắng về những điều không thể nhìn thấy trong bóng tối. Trẻ có thể tự tạo ra những hình ảnh đáng sợ trong tâm trí của mình. Hơn nữa, trẻ cũng chưa có đủ kiến thức và kinh nghiệm để phân biệt giữa thực tế và tưởng tượng, làm cho nỗi sợ hãi trước bóng tối trở nên mạnh mẽ hơn.
Thứ ba, các yếu tố môi trường và gia đình cũng có thể ảnh hưởng đến nỗi sợ hãi trước bóng tối của trẻ. Nếu trẻ nghe thấy những câu chuyện đáng sợ hoặc nhận thấy sự sợ hãi của người thân liên quan đến bóng tối, điều này có thể lan tỏa và ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ. Môi trường gia đình có thể cung cấp một cảm giác an toàn và ủng hộ, hoặc ngược lại, tạo ra sự lo lắng và sợ hãi. Khi trẻ nhỏ thường xuyên chứng kiến hoặc trải qua những trải nghiệm không an toàn trong môi trường bóng tối, nỗi sợ của trẻ có thể tăng lên.
Ngoài ra, việc sử dụng ánh sáng của đèn ngủ cũng là cách để trẻ tạo cảm giác an toàn, yên tâm khi đi ngủ. Nó giúp trẻ cảm thấy gần gũi với môi trường xung quanh và thư giãn, từ đó dễ dàng đi vào giấc ngủ ngon hơn, giảm sự tưởng tượng ra các hình ảnh đáng sợ trong tâm trí của trẻ.
Không những vậy, việc trẻ có thói quen bật đèn khi đi ngủ cũng có thể là một yếu tố của sự phụ thuộc và an toàn tình cảm. Trẻ nhỏ thường có nhu cầu cảm nhận sự gần gũi và chăm sóc của người lớn. Bật đèn khi đi ngủ có thể mang lại cảm giác an lành và sự hiện diện của người thân, làm tăng sự an tâm và hỗ trợ tâm lý của trẻ trong quá trình đi vào giấc ngủ.
Tuy nhiên, bố mẹ cần lưu ý rằng sự sợ hãi trước bóng tối là một phần của quá trình phát triển tự nhiên và thường không đáng lo ngại, trừ trường hợp nó gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hàng ngày của trẻ. Nếu trong hoàn cảnh này, phụ huynh nên thảo luận và tìm hiểu thêm với các chuyên gia tâm lý hoặc chuyên gia sức khỏe để định rõ nguyên nhân cụ thể và cung cấp hỗ trợ phù hợp, kịp thời cho trẻ.