Đi khám vì bụng ngày càng to,người đàn ông ngỡ ngàng khi biết thủ phạm

Người đàn ông 46 tuổi thường xuyên bị đau tức, đầy bụng khi ăn uống. Khi đi khám, bác sĩ phát hiện anh có khối u gan to chiếm gần hết vùng bụng.

Vừa qua, Khoa Phẫu thuật Gan mật tuỵ - Bệnh viện TWQĐ 108 (Hà Nội) tiếp nhận trường hợp bệnh nhân nhập viện vì bụng to bất thường và có khối u gan to chiếm gần hết vùng bụng.

Bệnh nhân là anh N.T.H, 46 tuổi, quê Thái Bình. Anh H. cho biết gần đây có biểu hiện đau tức bụng, ăn uống hay bị đầy tức bụng, bụng to nhanh bất thường. Bác sĩ khám, phát hiện anh có khối u gan to chiếm gần hết vùng bụng.

Bệnh nhân được phẫu thuật cắt phần gan có chứa khối u. Kết quả giải phẫu bệnh là u huyết quản khổng lồ của gan (u máu gan) với đường kính xấp xỉ 30cm.

Sau mổ, bệnh nhân được điều trị tích cực dự phòng suy gan và chảy máu sau mổ, đồng thời phối hợp tập ăn và vận động sớm. Các diễn biến lâm sàng và cận lâm sàng đều cải thiện tốt, bệnh nhân ra viện ổn định vào ngày thứ 7 sau mổ, không có biến chứng sau mổ.

Tiến sĩ, bác sĩ Lê Trung Hiếu, Khoa Phẫu thuật Gan mật tụy, cho biết u máu gan không có triệu chứng rõ rệt và thường được phát hiện tình cờ khi kiểm tra sức khỏe, siêu âm gan hoặc chụp cắt lớp vi tính. U máu gan được gọi là khổng lồ khi kích thước trên 15cm và có nguy cơ gây các triệu chứng chèn ép tạng trong ổ bụng. 

Khi u máu phát triển có kích thước lớn gây triệu chứng như: đau bụng, chướng bụng… thì cần điều trị phẫu thuật cắt gan. Khi có u máu kích thước nhỏ hoặc chưa gây triệu chứng như trên, người bệnh cần theo dõi bằng siêu âm 2-3 tháng/ lần để theo dõi sự phát triển của khối u.

Trong y văn, hầu hết u máu gan đều không có triệu chứng và lành tính, đường kính lớn hơn 5cm có thể gây ra các triệu chứng. Đau bụng là biểu hiện lâm sàng phổ biến nhất do hậu quả của việc co kéo vỏ gan. Giảm tiểu cầu có thể xảy ra do sự cô lập tiểu cầu và phá hủy bên trong khối u (hội chứng Kasabach-Merritt). 

Các phương pháp điều trị u máu gan bao gồm: theo dõi hoặc can thiệp phẫu thuật. Một số tác giả cho rằng hầu hết u máu gan không cần điều trị và chỉ cần theo dõi thông qua chẩn đoán hình ảnh định kỳ mỗi 6 tháng hoặc hàng năm để đánh giá tiến triển khối u theo thời gian. Phẫu thuật điều trị u máu kích thước lớn là an toàn và hiệu quả. Điều trị phụ thuộc kinh nghiệm của phẫu thuật viên, tình trạng bệnh nhân, chức năng phần gan còn lại, tình trạng gan, kích thước, số lượng và vị trí của khối u. Một trong những điều quan trọng là cần phát hiện sớm khối u để có thể điều trị.

U máu gan là khối u gan lành tính phổ biến nhất tại gan với tỉ lệ 0,4 - 20% khi khám nghiệm tử thi. Với sự tiến bộ và sử dụng phổ biến các phương tiện chẩn đoán hình ảnh, u máu không có triệu chứng được chẩn đoán sớm và nhiều hơn. Hầu hết u máu được phát hiện ở nữ (tỉ lệ nữ so với nam là 5: 1) và thường gặp trong độ tuổi 30-50. Nguyên nhân của u máu không rõ ràng, nó được coi là dị tật mạch máu bẩm sinh và không tăng sinh tế bào.

Minh Hoa (t/h)