Điểm lại 1 số thương vụ M&A đình đám của các "ông lớn" Việt Nam

Kể từ khi M&A "vào" Việt Nam và trở nên phổ biến cho đến nay, thị trường tài chính nước ta chứng kiến không ít thương vụ M&A đình đám.

Central Group mua lại "ông vua bán lẻ" Việt Nam Big C

Tháng 5/2016, Central Group- Tập đoàn bán lẻ đến từ Thái Lan đã chi 1,14 tỷ USD để sở hữu Big C Việt Nam.

diem lai nhung thuong vu ma dinh dam cua cac ong lon viet nam dspl

Ông lớn Thái Lan mua lại Big C và đổi tên thành Tops Market. Ảnh minh họa

Trước đó, Big C Việt Nam thuộc sở hữu của Tập đoàn Casino (Pháp). Cuộc đua sở hữu Big C Việt Nam diễn ra gần 1 năm với sự tham gia của nhiều "ông lớn" trong lĩnh vực bán lẻ tại nhiều quốc gia trên thế giới như: Berli Jucker (Thái Lan), Lotte Group (Hàn Quốc), Aeon (Nhật Bản), Dairy Farm (Singapore) và Saigon Co.op (Việt Nam).

Cuối cùng, Big C về tay doanh nghiệp của gia đình tỷ phú Thái Lan Chirathivat.

Đến tháng 10/2021, hàng loạt siêu thị Big C tại Hà Nội đã chuyển đổi thành Tops Market. Việc đổi tên này vốn đã được Tập đoàn thông báo từ năm trước và đã thực hiện tại nhiều siêu thị ở TP.HCM.

Như vậy, thương hiệu Big C tại Hà Nội trở thành "dĩ vãng" sau hơn 20 năm tồn tại và trở nên quen thuộc với người dân Việt Nam.

ThaiBev chi trăm nghìn tỷ thâu tóm Sabeco

Thương vụ M&A mà công ty Thai Beverage của tỷ phú Thái Lan thực hiện đối với Công ty Bia rượu nước giải khát Sài gòn (Sabeco) là một trong những thương vụ đình đám trong lịch sử M&A tại Việt Nam nói tiêng và ngành bia châu Á nói chung.

Theo đó, tháng 12/2017, ThaiBev đã chi 4,8 tỷ USD (tương đương 110.000 tỷ đồng) mua 53,59% vốn của Sabeco.

Thương vụ này đã vượt qua thương vụ 4 tỷ USD hồi năm 2012 khi Heineken thâu tóm ABP - công ty sở hữu nhãn bia Tiger.

Với lịch sử hàng trăm năm, sở hữu các thương hiệu có tiếng như Saigon Beer và 333 Beer, Sabeco hiện nắm giữ thị phần lớn trong ngành bia Việt Nam. Sabeco cũng được đánh giá là thương hiệu bia thuộc top đầu Asean.

Cho tới hiện tại, Sabeco lại chưa đạt được những kỳ vọng mà đại gia Thái Lan mong muốn khi doanh thu và lợi nhuận liên tục đi xuống.

Viglacera sáp nhập vào Gelex

gelex vuot ke hoach loi nhuan ca nam dspl

Trong giới đầu tư, cái tên Nguyễn Văn Tuấn (đại gia Tuấn "mượt"), Tổng giám đốc Tổng công ty CP Thiết bị điện Việt Nam (Gelex, MCK: GEX) nhiều lần gây chấn động thị trường với các thương vụ M&A nghìn tỷ, thâu tóm lượng lớn cổ phần ở 2 tổng công ty “gốc” Nhà nước.

Đáng chú ý, tháng 4/2019, Gelex chính thức mua vào 27 triệu cổ phiếu VGC của Tổng công ty Viglacera – CTCP ( MCK: VGC, qua đó nâng tổng số lượng cổ phiếu nắm giữ trực tiếp lên 57,1 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 12,74%.

Sau nhiều lần mua vào từ các cổ đông lớn, tổng tỷ lệ sở hữu trực tiếp và gián tiếp thông qua công ty con và cá nhân liên quan của Gelex tại Viglacera lên đến 46,07% vốn điều lệ.

Nhờ hợp nhất với Viglacera, bức tranh kinh doanh của Gelex thêm nhiều phần tươi sáng. Theo báo cáo tài chính quý III/2021 mà GEX mới công bố, doanh thu trong kỳ của doanh nghiệp này tăng 28% lên 6.024 tỷ đồng, lợi nhuận gộp tăng 77% lên 960 tỷ đồng.

Sau khi khấu trừ các khoản chi phí, Gelex báo lãi sau thuế đạt 344 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 69% so với cùng kỳ, trong đó, lợi nhuận sau thuế thuộc cổ đông công ty mẹ ghi nhận 239 tỷ đồng.

Việc sở hữu quyền chi phối tại Tổng công ty Viglacera từ quý II/2021 đã giúp các chỉ số tài chính của Gelex tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 9 tháng năm 2021, doanh thu ở mức 12.060 tỷ đồng (tăng 59%), lợi nhuận trước thuế tăng 79% lên 1.414 tỷ đồng.

Tính đến hết tháng 9/2021, tổng tài sản của Gelex tăng gấp đôi lên mức 54.273 tỷ đồng, nguyên nhân chủ yếu cũng đến từ việc sáp nhập Viglacera.

Pharmacity gọi vốn hơn 735 tỷ đồng từ nhà đầu tư "bí ẩn"

Tháng 2/2020, chuỗi bán lẻ dược phẩm Pharmacity thông báo đã hoàn tất gọi vốn với 735 tỷ đồng, tương đương 32 triệu USD cho lần gọi vốn đầu tiên của vòng series C. Đây là mức gọi vốn lớn nhất mà chuỗi bán lẻ này nhận được từ trước đến nay.

Pharmacity thông tin, nguồn vốn này hỗ trợ mục tiêu phát triển mạnh hơn cho Pharmacity trong thời gian tới, hướng tới kế hoạch IPO vào năm 2023.

“Việc mở rộng mạng lưới cũng như mảng kinh doanh dự kiến giúp đưa doanh thu của Pharmacity trong năm nay lên mức hơn 3.000 tỷ đồng, theo kế hoạch được công ty đề ra tương đương mức tăng dự kiến 230% so với năm 2019”, thông báo của Pharmacity cho biết.

“Việc niêm yết sẽ được thực hiện ngay sau khi chúng tôi hoàn thành mục tiêu 1.000 cửa hàng vào năm 2021”, ông Chris Blank, Giám đốc điều hành Pharmacity chia sẻ trên báo giới.

Masan mua lại chuỗi siêu thị Vinmart của Vingroup

diem lai nhung thuong vu ma dinh dam cua cac ong lon viet nam dspl 2

Sau khi mua lại chuỗi siêu thị Vinmart của Vingroup, Masan đã thu được những trái ngọt đầu tiên. Ảnh minh họa

Sau khi mua lại chuỗi siêu thị Vinmart của Vingroup và chính thức đổi tên thành Winmart, CTCP Tập đoàn Masan (MCK: MSN) cũng đã thu được những trái ngọt đầu tiên khi lợi nhuận ròng trong 9 tháng năm 2021 của Tập đoàn Masan tăng 119,5%, đạt mức 2.126 tỷ đồng.

Trong đó, thu nhập từ mảng kinh doanh chính trong 9 tháng tăng 1.864% so với cùng kỳ năm trước chủ yếu nhờ vào tỷ suất lợi nhuận tuyệt đối cao hơn ở tất cả các mảng kinh doanh.

Đặc biệt, quý III/2021 là quý đầu tiên WinCommerce (đơn vị vận hành chuỗi WinMart và WinMart+) và mảng kinh doanh thịt MEATDeli của Masan MEATLife đều đạt lợi nhuận ròng dương.

Trong 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của WinCommerce (đơn vị vận hành chuỗi WinMart và WinMart+) tăng 1,3% mặc dù số điểm bán lẻ đi vào hoạt động ít hơn gần 200 điểm so với cùng kỳ năm ngoái do phân khúc siêu thị mini tăng trưởng mạnh, bù đắp cho ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đối với phân khúc siêu thị.

Chuỗi WinMart+ đạt doanh thu thuần 16.168 tỷ đồng, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu thuần quý III/2021 của WinMart+ tăng 23,4% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu/m2/tháng trên cơ sở Like-for-Like (LFL) tại các siêu thị mini (đóng góp 67% doanh số WinCommerce) đạt mức tăng trưởng 19,9% trong 9 tháng đầu năm và 33,2% trong quý III/2021.

Bạch Hiền (t/h) - Người Đưa Tin