Điểm sáng cửa ngõ phía Tây Hà Nội

Sáng ngày 13/10/2022, Đảng ủy, UBND phường Nghĩa Đô đã long trọng tổ chức Hội nghị chào mừng 25 năm thành lập quận Cầu Giấy và 40 năm thành lập thị trấn Nghĩa Đô, nay là phường Nghĩa Đô.

Đẩy lùi dịch bệnh, chăm lo và bảo vệ sức khỏe người dân

Đến dự có  ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận, lãnh đạo nhiều đơn vị bạn và đông đảo người dân.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch UBND phường Nghĩa Đô Chử Mạnh Hùng cho biết, hưởng ứng kế hoach số 225/KH-UBND ngày 01/10/2021 do UBND quận Cầu Giấy phát động phong trào thi đua chào mừng 25 năm ngày thành lập quận, Đảng ủy- UBND phường Nghĩa Đô đã xây dựng chương trình hành động cụ thể và thiết thực, từ đó đã đạt được nhiều thành quả đáng ghi nhận.

Trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn biến căng thẳng những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, cả hệ thống chính trị, người dân Nghĩa Đô đã đồng long đoàn kết, tập trung nhiều giải pháp để khắc phục hậu quả, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn dần ổn định cuộc sống.

Chủ tịch UBND phường Nghĩa Đô, Chử Mạnh Hùng phát biểu tại buổi lễ

Công tác tuyên truyền vận động đã mang lại nhiều kết quả tốt đẹp, 200 triệu đồng và hàng chục tấn hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu đã được chuyển đến 1.258 lượt người lao động, qua đó nhận được nhiều sự đồng tình từ phía người dân.

Xác định tầm quan trọng của vắc xin trong công tác phòng chống và đẩy lùi dịch bệnh, gần 600 triệu đồng từ nhiều nguồn ủng hộ đã được Đảng ủy- UBND phường Nghĩa Đô chuyển đến Quỹ mua vắc xin phòng chống dịch bệnh. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi, đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, bảo vệ sức khỏe người dân.

Công tác tiếp nhận, lắng nghe ý kiến đóng góp từ phía người dân cũng được chính quyền phường Nghĩa Đô hết sức chú trọng. 9 tháng đầu năm 2022, 62 lượt tiếp công dân, 26 đơn thư phản ánh đã được giải quyết, nâng cao công tác đoàn kết nhân dân, đưa chính quyền thực sự là của dân, do dân và vì dân.

Năng động hơn, chính quyền phường Nghĩa Đô đã tận dụng tốt các công cụ thời đại số, mạng xã hội…giúp người dân tiếp cận nhanh chóng và kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như các hoạt động, định hướng của địa phương.

Hệ thống camera an ninh cũng đã được triển khai đồng bộ trên địa bàn 25 tổ dân phố của phường kết nối với gần 1.000 camera an ninh của người dân đã hình thành lên một mạng lưới hiệu quả trong việc giám sát, ổn định an ninh xã hội, đẩy lùi các tệ nạn.

5 nhiệm vụ trọng tâm 2023

Để tạo động lực phấn đấu, hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2022, sẵn sàng cho những cơ hội cũng như thách thức của năm 2023, Đảng ủy- UBND và đông đảo người dân Nghĩa Đô quyết tâm hoàn thành 5 nhiệm vụ cốt lõi.

Xác định việc phát động phong trào thi đua, khen thưởng người tốt việc tốt là động lực, là giải pháp trọng tâm, giúp phát huy sức mạnh đoàn kết của cả tổ chức chính trị trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội- an ninh quốc phòng địa phương, Đảng ủy- UBND phường Nghĩa Đô kêu gọi gắn phong trào thi đua ‘Người tốt, việc tốt” với “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Đặc biệt, liên kết chặt chẽ với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và các phong trào thi đua khác do Thành phố, quận Cầu Giấy phát động.

Thiếu tá Đinh Việt Hùng trao giấy khen cho gương “Người tốt, việc tốt”

Tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp để đảm bảo an ninh chính trị, trật tự đô thị, trật tự an toàn xã hội, vệ sinh môi trường….trên địa bàn. Đẩy mạnh các hoạt động văn hóa - xã hội, tiếp tục tập trung vào công tác bảo vệ sức khỏe cho người dân, chăm lo hiệu quả với những gia đình chính sách, người có công nhằm phát huy tinh thần “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.

Công tác cải cách hành chính sẽ tiếp tục được thực hiện quyết liệt trong thời gian tới nhằm nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong đội ngũ cán bộ phường.

Triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 01/2020/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội về việc ban hành Quy chế phát hiện, bồi dưỡng, tuyên truyền nhân rộng gương điển hình tiên tiến để kịp thời khích lệ, động viên các cá nhân có thành tích tốt trong công tác chung.

Tăng cường công tác chỉ đạo để đảm bảo hưởng ứng hiệu quả của phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt”, lan tỏa tinh thần đến với đông đảo người dân.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Nguyễn Văn Chiến đánh giá cao những thành tựu và cố gắng của chính quyền cũng như người dân Nghĩa Đô. Đồng thời bày tỏ hy vọng, chính quyền, người dân sẽ tiếp tục thực hiện tốt những nhiệm vụ chính trị quan trọng mà Đảng và Nhà nước giao phó trong thời gian tới.

Phường Nghĩa Đô ngày nay tương ứng với hai xã Nghĩa Đô, Đoài Môn và phường Bái Ân thời phong kiến. Trong đó, xã Nghĩa Đô gồm bốn thôn là: Tiên Thượng (làng Tân), Trung Nha (làng Nghè), Vạn Long (làng Dâu) và An Phú (không có tên Nôm) thuộc tổng Dịch Vọng, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây. Từ năm 1831 thuộc phủ Hoài Đức tỉnh Hà Nội, từ năm 1904 trở đi thuộc tỉnh Hà Đông, người dân Nghĩa Đô thường được gọi là “người kẻ Bưởi”.

Sau Cách mạng tháng Tám 1945, xã Nghĩa Đô được chia thành hai xã là Nghĩa Đô Thượng (gồm làng Tân và làng Nghè) và Nghĩa Đô Hạ (làng Dâu và làng An Phú), thuộc khu Đại La, ngoại thành Hà Nội. Trong kháng chiến chống Pháp, Nghĩa Đô thuộc quận Quảng Bá, Đại lý Hoàn Long do chính quyền thân Pháp kiểm soát; phía chính quyền kháng chiến thì nhập xã Nghĩa Đô với xã Đoài Môn thành xã Nghĩa Môn thuộc quận IV, sau đổi là huyện Trấn Tây, ngoại thành Hà Nội.

Từ tháng 10 năm 1954, sau khi giải phóng Thủ đô, xã Nghĩa Đô sáp nhập với xã An Thái (Yên Thái) (gồm cả phường Bái Ân cũ) thành xã Thái Đô, quận V. Đến năm 1961, cắt làng An Thái về khu phố Ba Đình (nay là phường Bưởi, quận Tây Hồ), còn lại xã Nghĩa Đô thuộc huyện Từ Liêm.

Ngày 13 tháng 10 năm 1982, thị trấn Nghĩa Đô thành lập được thành lập, bao gồm xã Nghĩa Đô và các khu tập thể thuộc huyện Từ Liêm. Đến năm 1992, các khu tập thể được tách ra thành lập một đơn vị hành chính mới là thị trấn Nghĩa Tân thuộc huyện Từ Liêm.

Ngày 22 tháng 11 năm 1996, thị trấn Nghĩa Đô chuyển thành phường Nghĩa Đô của quận Cầu Giấy mới thành lập có diện tích 1,29 km2 với nhân khẩu khoảng 35.054 người.

PV