Điều hành chính sách tiền tệ: Khó hài hoà nhiều mục tiêu mâu thuẫn nhau

Theo Phó Thống đốc, áp lực cho điều hành chính sách tiền tệ là rất lớn khi mà cùng một lúc phải xử lý hài hòa nhiều mục tiêu mâu thuẫn nhau.

Sáng 10/5, Diễn đàn Toàn cảnh ngân hàng năm 2023 với chủ đề “Điều hành chính sách tiền tệ trước biến số kinh tế toàn cầu” tập trung thảo luận điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt trong bối cảnh các biến số vĩ mô, đặc biệt là diễn biến kinh tế - địa chính trị trên thế giới, ảnh hưởng đến chính sách ngày càng nhiều hơn và khó đoán định hơn.

Không tránh khỏi việc thắt chặt tiền tệ  

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà, bối cảnh vĩ mô năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 biến động nhanh và mạnh nhất trong nhiều thập kỷ, vượt khỏi mọi dự đoán trước đó.

Từ suy thoái sâu trong đại dịch Covid-19, kinh tế toàn cầu nhanh chóng chuyển trạng thái thành lạm phát cao kỷ lục, lên mức trên 8% tại Mỹ và trên 10% tại châu Âu, hơn 80 quốc gia lạm phát từ 2 con số trở lên trong năm 2022.

Theo ông Hà, lạm phát tăng cao nên xu hướng thắt chặt tiền tệ là không tránh khỏi. Fed tăng lãi suất với tần suất và mức độ nhanh nhất trong lịch sử, tăng 5% chỉ trong 14 tháng. Thị trường quốc tế biến động mạnh, từ tiền tệ với đồng USD có thời điểm tăng giá lên mức kỷ lục trong 20 năm, đến cổ phiếu, trái phiếu và lưu chuyển dòng vốn toàn cầu.

Xu hướng tăng lãi suất, bán can thiệp ngoại tệ diễn ra tại nhiều nước mới nổi và đang phát triển nhằm bảo vệ đồng nội tệ trước áp lực mất giá quá mạnh, kiểm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Tài chính - Ngân hàng - Điều hành chính sách tiền tệ: Khó hài hoà nhiều mục tiêu mâu thuẫn nhau

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà.

Những tháng đầu năm 2023, nhiều quốc gia đối mặt với rủi ro suy thoái kinh tế kèm lạm phát cao, thương mại toàn cầu giảm, khủng hoảng tại một số ngân hàng ở Mỹ, châu Âu tiếp tục đặt ra thách thức cho điều hành chính sách tiền tệ trên toàn thế giới.

“Trong bối cảnh môi trường quốc tế biến động phức tạp, khó lường, là một nền kinh tế nhỏ có độ mở rất lớn như Việt Nam, nội tại còn nhiều khó khăn thách thức, công tác điều hành chính sách tiền tệ, nhất là điều hành lãi suất, tỉ giá, tín dụng gặp rất nhiều khó khăn để xử lý hài hòa nhiều mục tiêu mâu thuẫn nhau như làm sao để vừa hỗ trợ kinh tế phục hồi sau đại dịch mà vẫn đảm bảo kiểm soát lạm phát trong bối cảnh giá cả, lạm phát toàn cầu tăng cao”, Phó Thống đốc nói.

Theo đó, cần vừa giảm áp lực mất giá mạnh của đồng Việt Nam mà vẫn phải giữ ổn định mặt bằng lãi suất; vừa đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng trong khi vẫn phải đảm bảo nhu cầu tín dụng cho nền kinh tế, đồng thời triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn.

Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành nghiệp vụ thị trường mở linh hoạt, chủ động, đảm bảo thanh khoản cho hệ thống ngân hàng với chi phí hợp lý để chủ động, sẵn sàng cung ứng đủ vốn cho các hoạt động sản xuất kinh doanh trong nền kinh tế.

Tái cấp vốn đối với tổ chức tín dụng để hỗ trợ thanh khoản, cho vay các chương trình đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hỗ trợ quá trình cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu.

Thứ hai, điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; tiếp tục khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Thứ ba, điều hành tỉ giá phù hợp với điều kiện thị trường, can thiệp thị trường khi cần thiết, phối hợp đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ để bình ổn thị trường ngoại tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Thứ tư, tiếp tục điều hành tăng trưởng tín dụng theo chỉ tiêu định hướng 14-15% cả năm 2023; chỉ đạo tổ chức tín dụng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.

Cân bằng lãi suất và tỉ giá

Tham luận tại diễn đàn, TS Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính tiền tệ quốc gia dự báo, trong năm 2023, tỉ giá USD/VND về cơ bản sẽ giảm, tín dụng có thể tăng khoảng 13 - 14% trong năm nay.

Tuy nhiên, đáng chú ý, nợ xấu đã và đang tăng lên, nợ xấu nội bảng dự báo tăng khoảng 2,5%, tuy nhiên hoàn toàn trong tầm kiểm soát vì năng lực tài chính của các ngân hàng tại Việt Nam đã vững chãi hơn rất nhiều so với trước đây.

"Mặt khác, cung tiền năm nay rất quan trọng. Năm ngoái cung tiền tăng khá thấp, năm nay dự báo được đẩy lên khoảng 10%, điều này rất tích cực cho nền kinh tế và doanh nghiệp", ông Lực nhấn mạnh.

Tài chính - Ngân hàng - Điều hành chính sách tiền tệ: Khó hài hoà nhiều mục tiêu mâu thuẫn nhau (Hình 2).

TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng BIDV.

Vì vậy, theo ông Lực, cần đa mục tiêu hơn, với trọng tâm là ổn định tiền tệ - tài chính, chuyển trạng thái từ chặt chẽ thận trọng sang nới lỏng thận trọng, hỗ trợ tăng trưởng. Cùng với đó, giảm lãi suất, tăng khả năng tiếp cận vốn, chính sách cơ cấu lại nợ, hỗ trợ thanh khoản, đẩy mạnh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng.

Các động lực tăng trưởng kinh tế mới khi Trung Quốc mở cửa, làm phát giảm giảm mạnh, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2023, tăng trưởng dịch vụ, tiêu dùng vẫn khả quan, dù có chậm hơn, thị trường chứng khoán và bất động sản có dấu hiệu phục hồi, kinh tế số, kinh tế xanh được chú trọng đầu tư…

Đề xuất chính sách, ông Lực cho rằng cần phải cân bằng lãi suất và tỉ giá. Nếu lãi suất tăng mạnh quá, doanh nghiệp sẽ không thể chịu đựng được.

Theo ông Lực, đôi khi phải hy sinh tỉ giá để đảm bảo lưu chuyển dòng vốn. Ngoài ra, cần có khung xử lý khủng hoảng phòng trường hợp xấu xảy ra sẽ có sẵn phương án để ứng phó, không để bị động.

Còn theo ý kiến của TS Hà Thị Kim Nga - cán bộ kinh tế cao cấp, Văn phòng đại diện thường trú Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam, hiện tại Ngân hàng Nhà nước cần cân bằng khó khăn giữa kiềm chế lạm phát, tránh tăng trưởng giảm tốc mạnh, đồng thời cũng phải xử lý được tình trạng bất ổn trên thị trường bất động sản…

Tuy nhiên, bà Nga lưu ý, lạm phát cơ bản cao, áp lực tỉ giá có thể quay lại nhanh khi tâm lý tài chính toàn cầu xấu đi. Nên cần có sự thận trọng trong việc điều hành chính sách sắp tới.