Độ tuổi nào thích hợp nhất để tiêm phòng HPV? Nam giới có nên tiêm phòng HPV

CTV
Tiêm HPV nên được áp dụng ở cả nam và nữ và nên tiêm càng sớm càng tốt sẽ có hiệu quả cao hơn.

Hầu hết các bệnh ung thư cổ tử cung đều có liên quan đến virus u nhú ở người (HPV), một bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục. Việc tiêm vắc xin HPV có thể làm giảm tác động của ung thư cổ tử cung và các bệnh ung thư khác do HPV gây ra trên toàn thế giới.

Vì virus HPV liên quan tới ung thư cổ tử cung nên nhiều người cho rằng chỉ có phụ nữ cần tiêm vắc xin mà không biết nam giới cũng là đối tượng cần tiêm HPV.

Nam giới có nên tiêm HPV?

Đúng là virus HPV gây ra phần lớn các trường hợp ung thư cổ tử cung ở phụ nữ. Nhưng nó cũng có thể gây ra nhiều loại ung thư ở nam giới. Dưới đây là 5 lý do tại sao nam giới nên tiêm HPV.

1. Đàn ông cũng bị ung thư do HPV gây ra

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh của Mỹ, từ năm 2013 đến năm 2017, có khoảng 25.000 trường hợp ung thư liên quan đến HPV ở phụ nữ và 19.000 trường hợp ở nam giới.

Trên thế giới, 4,5% tổng số ca ung thư trên toàn thế giới (630.000 ca ung thư mới mỗi năm) là do HPV trong đó 8,6% ở phụ nữ và 0,8% ở nam giới. Cổ tử cung chiếm 83% trường hợp ung thư do HPV gây ra. Số lượng các ca mắc ung thư khác do HPV gây ra bao gồm 8.500 ca ung thư âm hộ; 12.000 ca ung thư âm đạo; 35.000 ca ung thư hậu môn (một nửa trong số đó xảy ra ở nam giới) và 13.000 ca ung thư dương vật.

Abraham Aragones, bác sĩ tại trung tâm ung thư Memorial Sloan Kettering (Mỹ) nghiên cứu về sức khỏe cộng đồng cho biết: “Tất cả mọi người đều nên quan tâm tới HPV vì nam giới và phụ nữ đều bị ảnh hưởng gần như giống nhau bởi loại virus này".

Nam giới có thể bị nhiễm virus HPV thông qua tiếp xúc trực tiếp hoặc quan hệ tình dục không an toàn. HPV được liên kết với 90% các trường hợp ung thư hậu môn, hơn 60% ca ung thư dương vật và khoảng 70% ca ung thư vòm họng. Nam giới có quan hệ tình dục đồng giới có nguy cơ mắc ung thư hậu môn liên quan tới HPV cao gấp 17 lần so với nam giới có quan hệ tình dục khác giới.

Virus HPV có thể gây ung thư cho cả nam và nữ. (Ảnh minh họa)

2. Virus HPV dẫn đến sự gia tăng gấp 5 lần ung thư đầu và cổ ở nam giới trẻ tuổi

Hiện nay có nhiều trường hợp ung thư đầu và cổ hơn ung thư cổ tử cung ở Mỹ; Theo CDC, vi rút HPV gây ra 70% trong số đó. Ung thư đầu và cổ phổ biến ở nam giới gấp 4 lần so với nữ giới.

3. Không có xét nghiệm nào cho bệnh ung thư do virus HPV ở nam giới

Xét nghiệm Pap phát hiện ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu ở phụ nữ. Tuy nhiên, không có xét nghiệm nào như vậy đối với ung thư dương vật, hậu môn hoặc ung thư đầu và cổ.

Tiến sĩ David Pfister, bác sĩ chuyên khoa ung thư chăm sóc những người bị ung thư đầu và cổ nói: “Cho đến khi có một xét nghiệm sàng lọc hiệu quả và đáng tin cậy, mọi người nên tiêm vắc xin HPV và biết những dấu hiệu cảnh báo như nổi cục ở cổ hoặc có máu trong đờm để kịp thời đến gặp bác sĩ".

4. Tỷ lệ mắc bệnh ung thư liên quan đến virus HPV tăng lên theo độ tuổi

Ngày nay, con người có tuổi thọ dài hơn nên bệnh ung thư có nhiều thời gian phát triển hơn. Tiêm phòng giúp bảo vệ nam giới khỏi các bệnh ung thư liên quan đến HPV trong ngắn hạn và dài hạn.

Tiêm HPV an toàn cho trẻ em trai cũng như trẻ em gái.

Tiêm HPV có tác dụng gì?

Tiêm HPV có thể giúp ngăn ngừa nam giới khỏi các bệnh như ung thư hậu môn, dương vật, sùi mào gà,... (Ảnh minh họa)

Các chủng HPV khác nhau lây lan qua quan hệ tình dục và có liên quan đến hầu hết các trường hợp ung thư cổ tử cung. Ngoài việc bảo vệ nam giới khỏi bệnh sùi mào gà, ung thư hậu môn, dương vật, miệng, ung thư vòm họng do virus HPV thì việc tiêm vắc-xin ngừa HPV cho nam giới còn có tác dụng bảo vệ cho bạn tình của họ không bị lây nhiễm HPV.

Khi nào nam giới nên tiêm HPV?

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Mỹ khuyến cáo rằng nên tiêm vắc xin HPV cho trẻ em gái và trẻ trai trong độ tuổi từ 11 đến 12. Có thể tiêm sớm nhất là khi trẻ lên 9 tuổi. CDC khuyến cáo rằng tất cả trẻ 11 và 12 tuổi nên tiêm hai liều vắc-xin HPV cách nhau ít nhất sáu tháng.

Thanh thiếu niên từ 9 đến 10 tuổi và thanh thiếu niên từ 13 đến 14 tuổi cũng có thể tiêm chủng theo lịch trình hai liều. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng lịch trình hai liều có hiệu quả đối với trẻ em dưới 15 tuổi.

Thanh thiếu niên và thanh niên bắt đầu tiêm vắc-xin muộn hơn, ở độ tuổi từ 15 đến 26, nên tiêm ba liều vắc-xin.

Tại Việt Nam, hiện đang sử dụng vắc xin Gardasil phòng 4 tuýp virus HPV 6, 11, 16 và 18. Loại vắc xin này sử dụng được cho nam và nữ trong độ tuổi 9-26. Tuy nhiên, độ tuổi thích hợp nhất để tiêm là 11-13 tuổi.

Độ tuổi thích hợp nhất để tiêm HPV là 11-13 tuổi. (Ảnh minh họa)

Lịch tiêm gồm 3 mũi như sau:

Mũi 1: Ngày tiêm đầu tiên;

Mũi 2: 2 tháng sau mũi đầu tiên;

Mũi 3: 6 tháng sau liều đầu tiên.

Khi cần điều chỉnh lịch tiêm, mũi 2 phải cách mũi 1 tối thiểu 1 tháng và mũi 3 cách mũi 2 tối thiểu 3 tháng.

Một khi bị nhiễm HPV, vắc xin có thể không hiệu quả. Ngoài ra, phản ứng với vắc xin ở lứa tuổi trẻ hơn tốt hơn ở lứa tuổi lớn hơn.