Doanh nghiệp xoay xở giữa "bão" khó khăn sụt giảm đơn hàng

Đơn hàng sụt giảm, khiến không ít chủ doanh nghiệp lo lắng bởi nếu tình trạng này kéo dài sẽ phải tính đến phương án cắt giảm lao động, thu hẹp sản xuất…

Danh nghiệp loay hoay ứng phó sụt giảm doanh thu

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Tp.HCM, số doanh nghiệp có mức lương bình quân hơn 10 triệu đồng/tháng giảm từ 80% trong quý II/2022 xuống còn 65% của quý IV/2022. Ðây đó đã thấy dấu hiệu một số doanh nghiệp cho người lao động làm việc luân phiên hoặc nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày do không có đơn hàng dự trữ. Ðây là tín hiệu báo động của thị trường lao động trong thời gian sắp tới.

Chia sẻ với báo Nhân Dân, ông Vũ Thanh Bình, Giám đốc Công ty cổ phần Giày Thiên Lộc (Quận 12) thở dài: “Chỉ còn khoảng 187.000 đôi một tháng thay vì 300.000 đôi như trước đây. Sản phẩm giảm 40% do đối tác giảm đơn hàng, doanh thu ảnh hưởng, công nhân không có việc. Sang tháng 6, tháng 7, tình hình có vẻ còn bi đát hơn vì chưa thấy có tín hiệu gì lạc quan”. Theo ông Bình, trong gần 30 năm qua kể từ khi thành lập, công ty chưa từng gặp tình huống khó khăn như hiện nay.

Ðể lập phương án sản xuất, sử dụng lao động cho phù hợp thực tế, ông Bình cùng Ban Giám đốc công ty đã phải nhiều lần ngồi họp bàn tìm giải pháp, trong đó làm sao sắp xếp công việc để 2.500 công nhân vẫn có thể làm việc tám tiếng một ngày, một tuần làm sáu ngày, bảo đảm không bị mất việc, giảm việc,... nhằm giữ ổn định thu nhập. Ðại diện Công đoàn công ty cho hay, do giảm đơn hàng, nên khả năng thu nhập tháng 2 của công nhân sẽ giảm khoảng 50%, bình quân còn khoảng 5,5 triệu đồng, trong khi những tháng cuối năm 2022 và tháng 1 vừa qua, công ty vẫn bảo đảm mức thu nhập khoảng 10 triệu đồng cho mỗi công nhân. Theo nhận định của đại diện Công đoàn công ty, đây là mức thu nhập sụt giảm sâu, dù trước đó công ty vẫn duy trì lương, thưởng và các chế độ trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Trao đổi với báo Giao Thông, ông Nguyễn Văn Sỹ, Giám đốc Công ty Gỗ Hưng Thành ở Bình Dương nói: “Ngay cả thời Covid-19 cũng không thảm hại như hiện nay!”.

Công ty như rơi vào vực thẳm khi đối tác Nhật Bản ngừng mua hàng, còn đối tác từ Hàn Quốc cũng giảm tới 70% sản lượng. Doanh thu hàng trăm tỷ đồng giờ tụt xuống còn vài chục tỷ đồng. Hơn phân nửa lao động nghỉ việc, thậm chí những lao động còn lại cũng phải nghỉ luân phiên.

“Chúng tôi giờ chỉ hoạt động để duy trì máy móc, còn mảng kinh doanh gần như đóng băng”, ông Sỹ nói và cho biết, tình trạng này kéo dài từ đầu năm. Giá cũng rớt thảm, từ mức 190 USD/tấn vào cuối quý IV/2022, nay còn khoảng 130 USD/tấn.

Đơn hàng giảm mạnh, không chỉ ảnh hưởng đến người lao động mà sự sống còn của công ty cũng bị đe dọa. Theo ông Sỹ, đau đầu nhất hiện nay là nguồn vốn doanh nghiệp cạn kiệt, trong khi phải trả lãi ngân hàng cao gần gấp đôi so với trước đây."

Vị giám đốc này còn ước tính, nếu hết quý II tình hình không cải thiện, dàn máy hàng chục tỷ đồng phải đắp chiếu, thiệt hại khoảng 600 tỷ đồng. Tệ hơn là doanh nghiệp khó vực dậy được.

Tương tự, ông Vũ Văn Băng, giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ cho hay: “Chúng tôi bị sụt giảm 15-20% đơn hàng. Thời điểm này để kiếm được đơn hàng mới là chật vật bởi lẽ khách hàng thường ưu tiên các đối tác cũ, thay vì mở rộng sang các đối tác mới”.

Theo ông Băng, nguyên nhân là do khủng hoảng kinh tế, lạm phát tăng cao nên người dân phải thắt lưng buộc bụng, chỉ tập trung cho các nhu cầu thiết yếu. Trong khi hàng may mặc hay đồ gỗ thì không phải quá cần thiết.

Đặc biệt, vị này lo ngại việc doanh nghiệp Việt Nam mất đơn hàng sang các nước như Ấn Độ, Bangladesh. Đó là những quốc gia có nguồn nhân lực rất dồi dào và khả năng cạnh tranh tốt về chi phí.

Nhìn về thời gian sắp tới, ông Băng cho rằng rất khó đoán được năm 2023 sẽ như thế nào. Rồi sẽ có lúc đơn hàng phục hồi, nhưng nếu không nâng cao được năng lực cạnh tranh, khả năng doanh nghiệp Việt tiếp tục mất đơn hàng vào tay Ấn Độ hay Bangladesh là hiện hữu.

Bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm

Thông tin từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) ghi nhận, trong 3 tháng đầu năm nay, xuất khẩu dệt may ước đạt hơn 8,7 tỷ USD, giảm 18,63% so với cùng kỳ năm 2022. Việc sụt giảm đơn hàng khiến những doanh nghiệp đã có vị thế vững chắc nhiều năm qua như May 10 cũng phải rốt ráo tái cấu trúc. Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 Thân Đức Việt cho biết, đây là lần tái cấu trúc toàn diện hiếm có:

“May 10 sẽ định vị lại doanh nghiệp với việc áp dụng chuyển đổi số, sử dụng năng lượng tái tạo, nguyên liệu xanh để đáp ứng tiêu chuẩn và phát triển, bao gồm việc định vị về sản phẩm, thị trường và về quản trị, công nghệ, mô hình sản xuất”.

Quý I/2023, bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm với chính sách thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia làm suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn đã ảnh hưởng đến kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Theo thông tin Tổng cục Thống kê công bố, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tháng Ba ước đạt 58,49 tỷ USD, tăng 18,6% so với tháng trước và giảm 13% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 154,27 tỷ USD, giảm 13,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 11,9%; nhập khẩu giảm 14,7%.

Thông tin trên báo Công Thương, tính chung quý I năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 79,17 tỷ USD, giảm 11,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 19,26 tỷ USD, giảm 17,4%, chiếm 24,3% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 59,91 tỷ USD, giảm 10%, chiếm 75,7%.

Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, bộ ngành và địa phương cùng với với sự nỗ lực của các doanh nghiệp xuất khẩu nên cán cân thương mại hàng hóa quý I năm 2023 ước tính xuất siêu 4,07 tỷ USD.

Kinh tế vĩ mô - Doanh nghiệp xoay xở giữa 'bão' khó khăn sụt giảm đơn hàng

Ảnh minh họa.

Cân nhắc để lựa chọn giải pháp tối ưu

Cục Hải quan Tp.HCM cũng ghi nhận, hoạt động xuất nhập khẩu giảm đáng kể trong 3 tháng đầu năm, đặc biệt, lượng hàng qua đường hàng không giảm từ 30-40% so với cùng kỳ 2022. Cơ quan này nhận định, tình hình xuất, nhập khẩu trong quý II/2023 không khả quan.

Ghi nhận suy giảm về xuất khẩu, Tổng cục Thống kê cho rằng, nguyên nhân là do kinh tế thế giới phục hồi chậm với chính sách thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia làm suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn. Điều này ảnh hưởng đến kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Tình trạng đơn hàng suy giảm cũng được nhiều doanh nghiệp, hiệp hội cảnh báo từ quý III/2022. Đến nay, tình hình vẫn chưa có chiều hướng thay đổi.

Theo báo cáo xu hướng sản xuất kinh doanh ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và xây dựng quý I và dự báo quý II/2023 được Tổng cục Thống kê thực hiện cho thấy, có 59,9% doanh nghiệp nhận định số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới quý I/2023 tăng và giữ nguyên so với quý IV/2022 (16,9% tăng, 43,0% giữ nguyên), tỉ lệ nhận định có đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm là 40,1%.

Như vậy, doanh nghiệp khá bi quan về lượng đơn hàng mới. Theo các chuyên gia, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sẽ chịu sự cạnh tranh gay gắt. Đơn cử, mặt hàng thủy sản sẽ bị cạnh tranh mạnh từ các đối thủ cạnh tranh sắp có/có hiệp định thương mại tự do song phương với Canada như: Ecuador, Indonesia, Ấn Độ.

Ngoài ra, mặt hàng dệt may sẽ bị cạnh tranh bởi các đối thủ vừa được ký gia hạn hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập như: Bangladesh, Sri Lanka, Campuchia, El Salvador, Haiti, Ai Cập... Mặt hàng tấm pin năng lượng mặt trời có nhiều nguy cơ nếu Hoa Kỳ quyết định áp thuế chống bán phá giá sản phẩm này của Trung Quốc và các nước sử dụng đầu vào từ Trung Quốc.

Bộ Công thương cho biết, sẽ bám sát tình hình quốc tế và trong nước, dự báo sát tình hình từ cuối năm 2022 và đã thực hiện nhiều giải pháp như: Tổ chức Hội nghị thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu; Kết nối cung cầu giữa các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam với các nhà cung cấp nước ngoài.

Bên cạnh tìm các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Lê Quốc Phương cho rằng, khi xuất khẩu gặp khó khăn thì vai trò của thị trường trong nước rất quan trọng. “Phải áp dụng tất cả giải pháp để khuyến khích thị trường trong nước phát triển hơn”, ông Phương nói.

Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường đánh giá tình hình quý I/2023 tương đối khó khăn. Trong quý I, toàn ngành làm thủ tục đối với kim ngạch xuất nhập khẩu khoảng 154 tỷ USD, giảm 13,3% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 79 tỷ USD, giảm 11,9%; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 75 tỷ USD, giảm 14,7% so với cùng kỳ. Đáng lưu ý, tốc độ giảm này ngày càng tăng, gây ảnh hưởng tới thu ngân sách Nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu.

Bộ Công Thương tích cực tháo gỡ khó khăn 

Suy thoái kinh tế khiến đơn hàng giảm, kéo theo nguồn lực tài chính của các doanh nghiệp sản xuất ngày càng khó khăn hơn. Sắp xếp lại phương án sản xuất, kinh doanh, tiết kiệm nhân công và chi phí, trong đó giải pháp cắt giảm lao động là điều chẳng đặng đừng nhưng trong tình thế này doanh nghiệp cũng phải cân nhắc để lựa chọn giải pháp tối ưu.

Theo đó, trước những diễn biến khó lường của hoạt động xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đang tiếp tục theo dõi sát diễn biến của thị trường thế giới, tham mưu, đề xuất các khung khổ hợp tác, các giải pháp để đồng thời phát triển thị trường truyền thống và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các FTA đã ký kết khai thác hiệu quả các thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu…

Mới đây nhất, Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Quyết định số 165/QĐ-TTg ngày 28/02/2023 phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương đến năm 2030. Theo đó, Quyết định đặt ra mục tiêu duy trì thặng dư cán cân thương mại với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu luôn cao hơn nhập khẩu và tăng bình quân khoảng 6 - 8%/năm.

Để hoàn thành mục tiêu đó, Bộ Công Thương xác định tiếp tục đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, chú trọng phát triển xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới, hệ thống phân phối nước ngoài và đẩy mạnh phát triển thương hiệu hàng Việt Nam, gia tăng tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa có hàm lượng chế biến sâu, công nghệ cao và tỉ lệ nội địa hóa lớn; phát triển các mặt hàng xuất khẩu mới, tạo sự đột phá như các sản phẩm Halal sang các thị trường Hồi giáo, sản phẩm Kosher sang thị trường Do thái, hàng hóa môi trường và các bon thấp...

Bên cạnh đó, phát triển thương mại điện tử thành một kênh phân phối quan trọng, hỗ trợ tích cực trong tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa nông sản, hàng công nghiệp tiêu dùng; phát triển các trung tâm tiêu dùng mới. Số hóa các hoạt động xúc tiến thương mại.

Đặc biệt, chú trọng nâng cấp và phát triển các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị của các ngành dựa trên các lợi thế so sánh ở cấp độ quốc gia, vùng và địa phương để nâng cao giá trị gia tăng, tăng cường năng lực tự chủ của ngành Công Thương. Cụ thể, trong hoạt động xuất nhập khẩu, tiếp tục nâng cấp và phát triển hoàn chỉnh hệ sinh thái xuất nhập khẩu nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu. Phát triển đồng bộ và hiệu quả hệ thống hạ tầng logictics phục vụ xuất nhập khẩu nhằm tối ưu hóa kết nối sản xuất và thương mại, đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất và logistics của khu vực.

Tiếp tục nâng cao khả năng đáp ứng quy định, tiêu chuẩn cao về chất lượng của các thị trường xuất khẩu, đặc biệt là các yêu cầu về bảo vệ môi trường, các bon thấp, lao động và công đoàn. Tăng cường năng lực xuất khẩu cho các địa phương. Phát triển các vùng, địa bàn xuất khẩu mới gắn với quá trình cơ cấu lại các ngành công nghiệp theo hướng tập trung chuyên môn hóa.

Trúc Chi (t/h)