Dự báo lạm phát năm 2023 đã đạt đỉnh

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú: "Khả năng CPI cả năm 2023 cao nhất sẽ ở mức 3,8 - 4% là có thể đạt được, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát".

Rủi ro lạm phát cao có tính dài hạn

Trước bối cảnh giá các loại hàng hóa thiết yếu trên thị trường thế giới có xu hướng giảm khá mạnh, đặc biệt là giá các mặt hàng năng lượng, phân bón... Hội thảo Khoa học: “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2023” được diễn ra nhằm phân tích rõ hơn diễn biến của thị trường, giá cả 6 tháng đầu năm 2023, những yếu tố tạo nên bức tranh thị trường trong thời gian qua.

“Đầu năm 2023 chúng tôi đã đưa ra dự báo lạm phát so với cùng kỳ sẽ đạt đỉnh vào tháng 1/2023 và sau đó giảm dần về mức 3% vào cuối năm, còn lạm phát trung bình cả năm 2023 sẽ xoay quanh mức 2,5%”, TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính cho biết.

Trên thực tế, sau 6 tháng đầu năm, lạm phát đã đạt đỉnh vào tháng 1/2023, nhưng đồng thời cũng giảm mạnh hơn so với dự báo. Theo số liệu mới được Tổng cục Thống kê công bố, lạm phát so với cùng kỳ vào tháng 6/2023 đã giảm về mức chỉ còn 2%, TS. Nguyễn Đức Độ nhận định.

TS. Nguyễn Đức Độ dự báo chỉ số lạm phát trong nước sẽ tiếp tục giảm trong nửa cuối của năm 2023. Trong vòng một năm qua, CPI chỉ tăng trung bình 0,17%/tháng. Với giả định tốc độ này tiếp tục được duy trì trong 6 tháng cuối năm, lạm phát so với cùng kỳ vào tháng 12/2023 được dự báo sẽ ở mức 1,7% và lạm phát trung bình cả năm 2023 sẽ ở mức 2,5%.

Đi kèm với lạm phát, thị trường giá cả cũng chịu biến động kể từ đầu năm. Lạm phát toàn cầu trong nửa đầu năm đã giảm dần, tuy nhiên, so với mức lạm phát mục tiêu dài hạn thì mức lạm phát hiện tại vẫn còn ở mức cao đối với nhiều quốc gia. Trong bối cảnh đó, thị trường trong nước, giá cả cơ bản ổn định, lạm phát đang được kiểm soát theo đúng kịch bản của Ban Chỉ đạo điều hành giá của Thủ tướng Chính phủ.

Xu hướng thị trường - Dự báo lạm phát năm 2023 đã đạt đỉnh

Bà Vũ Phương Trà - Phó Cục trưởng Cục quản lý giá, Bộ Tài chính.

“Công tác quản lý điều hành giá một số mặt hàng quan trọng có ảnh hưởng lớn tới mặt bằng giá chung được thực hiện thận trọng ngay từ đầu năm. Cùng với đó là nguồn cung nhiều hàng hóa thiết yếu được đảm bảo đã giúp kiểm soát lạm phát trong nửa đầu năm 2023”, bà Vũ Phương Trà - Phó trưởng phòng Cục quản lý giá, Bộ Tài chính phát biểu.

Tuy nhiên, ảnh hưởng của việc điều chỉnh giá các mặt hàng nhà nước quản lý đến CPI năm 2023 còn phụ thuộc vào thời điểm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh giá các mặt hàng của các bộ ngành. Ngoài ra, việc lạm phát cơ bản đang ở mức cao hơn nhiều so với lạm phát chung cho thấy những rủi ro lạm phát cao có tính dài hạn.

Do đó, bà Trà cho biết Bộ Tài chính cần tiếp tục chủ động, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành địa phương triển khai thực hiện quyết liệt các biện pháp về quản lý, điều hành giá theo nguyên tắc thận trọng, linh hoạt và thực hiện tốt công tác tham mưu cho Chính phủ và Ban chỉ đạo điều hành giá.

Dự báo diễn biến giá cả 6 tháng cuối năm 2023

Theo ông Vũ Vinh Phú – Chuyên gia kinh tế dự báo, trong 6 tháng cuối năm 2023, nếu giá xăng dầu thế giới không có những đợt tăng mạnh, chỉ dao động từ 70-75 USD/thùng, tình hình sản xuất hàng hóa nhất là hàng nông sản thực phẩm phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu sẽ có chiều hướng tốt.

Một số chi phí khác như giáo dục, y tế, nước sạch có thể tăng những ở mức độ hợp lý. Giá điện theo đề xuất tăng lần thứ hai nên tăng vào quý ll/2024 và ở mức 3% như tăng giá lần một năm 2023 là hợp lý.

“Đi đôi với đó là việc điều hành chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa một cách phù hợp. Như vậy khả năng CPI cả năm cao nhất sẽ đạt ở mức 3,8- 4% là có thể đạt được, góp phần vào việc ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát”, ông Phú nhận định.

Xu hướng thị trường - Dự báo lạm phát năm 2023 đã đạt đỉnh (Hình 2).

Ông Vũ Vinh Phú – Chuyên gia kinh tế.

Ngoài ra, ông Phú cũng đưa ra kiến nghị để đạt được chỉ tiêu CPI, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ cần thực hiện nhanh, dễ tiếp cận trong những tháng cuối năm.

Thêm vào đó, thực hiện kích cầu tiêu dùng tăng sức mua xã hội bằng cách giảm thuế VAT 2%, nếu được có thể giảm thêm 3% nữa cho hết năm 2024. Tăng cường việc kiểm soát thị trường chống buôn lậu, gian lận thương mại, bảo vệ các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Các mặt hàng là đầu vào của xã hội như xăng dầu, than, điện,...cần quản lý một cách chặt chẽ tránh những điều hành đột biến không có lợi cho thị trường và giá cả chung. Cần tiến tới không điều hành giá xăng dầu, giá điện theo dạng bao cấp, các đơn vị phải tự hạch toán kinh doanh lời ăn lỗ chịu, đưa xăng dầu về một Bộ Công Thương quản lý.

Nhà nước đảm bảo dự trữ quốc gia xăng dầu bằng hiện vật, quản lý chất lượng hàng hóa, chống buôn lậu, gian lậu thương mại, đảm bảo cạnh tranh bình đẳng, công khai minh bạch trên thị trường xăng dầu. Ngoài sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, doanh nghiệp cũng phải nỗ lực để vươn lên vượt qua những khó khăn trong giai đoạn hiện tại, ông Phú đưa ra ý kiến.

Phạm Nhung - Nguyễn Nam