Dự tính lỗ gần 1.000 tỷ đồng, Đường sắt Việt Nam lại "kêu cứu"

Cục Đường sắt Việt Nam kiến nghị giảm thuế, phí sử dụng hạ tầng đường sắt, cho vay ưu đãi để gỡ khó cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.
duong-sat-viet-nam-1627610330.jpg

Cục Đường sắt Việt Nam đã báo cáo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), đề xuất cơ chế chính sách, biện pháp tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho vận tải đường sắt.

Theo báo cáo của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), trong sáu tháng của năm 2021, doanh thu vận tải của Tổng công ty đạt 1.249 tỷ đồng, bằng 79,4% so với cùng kỳ 2020 và bằng 53,9% so với năm 2019 khi chưa có dịch COVID-19.

Đặc biệt, VNR đã phải dừng tạm dừng đón, trả khách tàu khách Bắc-Nam tại nhiều ga trên tuyến. Sau sáu tháng, đơn vị này đã ghi nhận khoản lỗ hơn 400 tỷ đồng và mức lỗ này dự tính sẽ lên đến 940 tỷ đồng trong năm nay.

Theo Cục Đường sắt Việt Nam, để gỡ khó cho doanh nghiệp vận tải đường sắt, năm 2020, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và các công ty vận tải đã có văn bản đề xuất gửi các ngân hàng. Đến nay, Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội đã nhận được văn bản chấp thuận điều chỉnh giảm lãi suất vay của một số ngân hàng với số tiền 1,8 tỷ đồng trên tổng dư nợ vay 101 tỷ đồng.

Lãnh đạo Cục Đường sắt Việt Nam cho biết, chi phí lãi vay là khoản có tỷ trọng cao trong giá thành. Khi doanh nghiệp gặp khó khăn, khoản lãi vay trở thành một gánh nặng do mất dòng tiền.

“Do vậy, Ngân hàng Nhà nước cần chỉ đạo các ngân hàng thương mại có chính sách hỗ trợ, giảm lãi vay sâu hơn trong thời gian tới”, đề xuất Cục Đường sắt nêu rõ.

Cục Đường sắt Việt Nam cũng kiến nghị tiếp tục áp dụng chính sách giảm phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư theo Thông tư 12/2021 của Bộ Tài chính cho các năm tiếp theo.

Cụ thể mức thu phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt được xác định là 4% trên doanh thu kinh doanh vận tải đường sắt, thay vì 8% như trước.

Bên cạnh đó, Cục Đường sắt cũng đề xuất các địa phương cần thống nhất áp dụng các chính sách ưu đãi sử dụng đất dành cho đường sắt. Đồng thời giải quyết thủ tục đất đai, miễn tiền thuế sử dụng đất đối với diện tích đất trụ sở điều hành sản xuất của các đơn vị đầu máy, toa xe và đất các công trình phụ trợ khác cần thiết phục vụ trực tiếp cho việc tổ chức chạy tàu.

Ngoài ra, Cục này cũng kiến nghị cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án cơ cấu lại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và phê duyệt phương án thoái vốn của các đơn vị thành viên trực thuộc để đơn vị này có cơ sở triển khai thực hiện các bước tiếp theo.

Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật trước đó, ông Vũ Anh Minh Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, ảnh hưởng nặng nề của việc giãn cách do dịch Covid-19 khiến lượng khách đi tàu sụt giảm mạnh dẫn đến thua lỗ nặng nề. Do đó, nếu không được bổ sung nguồn vốn lưu động ngành đường sắt có thể phải dừng hoạt động.

Mới đây, VNR cũng đã có kiến nghị gửi tới Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước (cơ quan chủ quản mới) để hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó vì COVID -19. Trong đó, đơn vị này xin vay 800 tỷ đồng không tính lãi nhằm nhằm bổ sung cho nguồn vốn lưu động đang bị hụt để duy trì dòng tiền hoạt động, tránh nguy cơ dừng hoạt động của đơn vị.

Sở dĩ đây không phải lần đầu tiên VNR “kêu cứu” để xin chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Trước đó, vào tháng 4/2021, VNR từng có kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ vì vướng mắc chậm được phân bố vốn bảo trì khiến 11.315 lao động của doanh nghiệp đang bị nợ lương, dẫn đến nguy cơ phải dừng chạy tàu.

Trịnh Thị Phương Ly - Người Đưa Tin Pháp Luật