Đừng tưởng vô hại, chức năng quen thuộc này của nồi cơm điện có thể khiến cả nhà mắc bệnh

Hãy cùng tìm hiểu và cẩn trọng hơn với những thói quen sử dụng nồi cơm điện trong gia đình.

Nồi cơm điện từ lâu đã trở thành một thiết bị không thể thiếu trong mọi gian bếp. Không chỉ nấu cơm, nhiều loại nồi hiện đại còn tích hợp các chế độ như hầm xương, nấu cháo, nấu súp, giữ ấm suốt 24 giờ... đem đến sự tiện lợi tối đa.

Sự tiện lợi và linh hoạt khiến nồi cơm điện gần như là “trợ thủ đắc lực” trong cuộc sống bận rộn hiện đại. Tuy nhiên, nếu không sử dụng đúng cách, nồi cơm điện sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí liên quan đến bệnh ung thư.

Đừng bao giờ sử dụng chức năng này của nồi cơm điện nữa

Ít ai ngờ rằng đằng sau vẻ ngoài hiện đại và những tiện ích quen thuộc, nồi cơm điện lại tiềm ẩn một nguy cơ đáng lo ngại, đó chính là lớp chống dính Teflon.

Hầu hết các nồi cơm điện hiện nay đều sử dụng lòng nồi phủ Teflon. Đây là loại vật liệu giúp cơm không bị dính, dễ vệ sinh, đồng thời ngăn thực phẩm tiếp xúc trực tiếp với kim loại. Tuy nhiên, chính lớp phủ tưởng chừng vô hại này lại có thể trở thành “thủ phạm âm thầm” gây hại sức khỏe nếu sử dụng không đúng cách.

Theo cảnh báo mới nhất từ Tổng cục Giám sát Chất lượng Trung Quốc, Teflon có thể bong tróc khi nồi bị trầy xước, cọ rửa mạnh hoặc hoạt động trong điều kiện nhiệt độ quá cao như chế độ giữ ấm lâu, nấu khô, hay hầm trong thời gian dài. Khi đó, những mảnh vụn siêu nhỏ sẽ lẫn vào thức ăn, đi vào cơ thể mà người dùng không hề hay biết.

Teflon vốn là hợp chất hóa học ổn định ở điều kiện thường, nhưng khi đã lọt vào cơ thể, chúng rất khó phân hủy và đào thải. Về lâu dài, các chất này tích tụ, gây rối loạn chuyển hóa, tổn thương tế bào và đặc biệt làm gia tăng nguy cơ ung thư.

Một trong những chất độc phát sinh từ quá trình phân hủy Teflon ở nhiệt độ cao là PFOA, nó đã được các nghiên cứu chứng minh có khả năng gây tổn hại gan, hệ nội tiết và là yếu tố nguy cơ của ung thư.

Có thể thấy, chỉ một thói quen nhỏ sai cách cũng có thể dẫn đến hậu quả lớn cho sức khỏe. Vì vậy, khi sử dụng nồi cơm điện, bạn cần tránh sử dụng 2 chức năng sau:

- Giữ ấm nồi cơm điện quá lâu: Chức năng giữ ấm rất tiện lợi nhưng nếu để cơm trong nồi quá lâu, nhiệt độ duy trì ở mức cao sẽ làm cơm bị khô, mất vị ngon. Quan trọng hơn, lớp chống dính bên trong lòng nồi sẽ chịu áp lực nhiệt liên tục, lớp phủ Teflon dễ bị phá hủy, làm rút ngắn tuổi thọ thiết bị và ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng.

- Nấu các món có thời gian nấu quá lâu: Nồi cơm điện vốn không được thiết kế để nấu các món có thời gian nấu quá lâu như hầm canh lâu giờ, chiên thực phẩm,… Việc lạm dụng có thể khiến nồi quá tải, lớp chống dính bị phá hủy nhanh chóng, thậm chí gây chập cháy hoặc mất an toàn khi sử dụng.

Những thói quen tưởng vô hại lại đang âm thầm hủy hoại lòng nồi cơm điện

- Đun khô hoặc nấu khi không có nước

Nhiều người có thói quen cắm điện nồi cơm trước khi cho gạo và nước vào, hoặc sơ ý để nồi hoạt động trong tình trạng không có nước.

Đây là lỗi rất nguy hiểm vì sẽ khiến lòng nồi bị quá nhiệt, nhanh hỏng, đồng thời làm bong tróc lớp chống dính. Khi lớp phủ này bị phá hủy, các hóa chất độc hại có thể lẫn vào thức ăn, gây hại cho sức khỏe nếu ăn lâu dài.

- Dùng thìa kim loại hoặc vật sắc nhọn cạo đáy nồi

Một số người vì tiện tay mà dùng muỗng, thìa inox để xới cơm hoặc cạo lớp cháy dưới đáy nồi. Thao tác này có thể làm trầy xước lòng nồi, phá hỏng lớp chống dính.

Khi lớp phủ này bị tổn thương, nó không chỉ giảm hiệu quả nấu mà còn tiềm ẩn nguy cơ giải phóng vi nhựa hoặc hóa chất vào món ăn.

- Dùng cọ sắt hoặc chất tẩy mạnh để chà rửa

Sau mỗi lần sử dụng, việc vệ sinh nồi cơm là cần thiết. Tuy nhiên, nếu dùng miếng cọ rửa bằng kim loại hoặc chất tẩy rửa mạnh, bạn đang khiến lòng nồi mau xuống cấp.

Lớp chống dính dễ bị bong tróc hoặc mòn dần, ảnh hưởng trực tiếp đến độ bền cũng như an toàn vệ sinh của thực phẩm.

- Tiếp tục sử dụng nồi có lòng bị tróc hoặc rạn nứt

Có không ít gia đình vẫn sử dụng nồi cơm điện đã bị bong tróc lớp chống dính hoặc lòng nồi có vết rạn, chỉ vì thấy “vẫn còn dùng được”.

Thực tế, những vết bong đó có thể khiến bạn ăn phải những mảnh vi nhựa hoặc hóa chất độc mà không hề hay biết, lâu ngày gây ra các vấn đề nghiêm trọng cho sức khỏe.

- Không vệ sinh kỹ phần nắp và van xả hơi

Phần nắp nồi và van thoát hơi thường dễ bị bỏ qua trong quá trình vệ sinh. Thế nhưng, đây lại là nơi tích tụ hơi nước, dầu mỡ và vi khuẩn nếu không được làm sạch thường xuyên.

Khi nấu cơm, vi khuẩn và mùi cũ từ những bộ phận này có thể rơi xuống cơm, làm ảnh hưởng đến chất lượng bữa ăn. Vì thế, bạn cần vệ sinh nồi cơm điện thường xuyên, và cần vệ sinh cả trong lẫn ngoài nồi như mâm nhiệt, nắp nồi, van xả hơi,…

Xem thêm: Phải 3 lần thay nồi cơm điện, tôi mới hiểu mua thiết bị này nên tuân theo quy tắc “4 không mua”

LYLY