Giá vàng hôm nay 4/3: Sau một đêm vàng SJC tăng vọt thêm 1,3 triệu đồng/lượng

Giá vàng 9999, vàng SJC hôm nay 4/3 tăng vọt thêm 1,3 triệu đồng/lượng. Tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp khiến vàng còn tăng giá thêm nhiều nữa.

Giá vàng trong nước hôm nay 4/3

Giá vàng SJC hôm nay 4/3 của tập đoàn Doji tại thị trường Hà Nội tăng vọt thêm 850.000 đồng lên 46,80 triệu đồng/lượng (mua vào) và thêm những 1,2 triệu đồng lên 47,40 triệu đồng/lượng (bán ra).

Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng SJC hôm nay 4/3 cũng tăng mạnh thêm 1,2 triệu đồng lên mức 46,80 triệu đồng/lượng (mua vào) và tăng 1,3 triệu đồng lên 47,30 triệu đồng/lượng (bán ra).

Giá vàng SJC hôm nay 4/3 của công ty tập đoàn vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC thị trường TP.HCM tăng mạnh thêm 1 triệu đồng lên 46,80 triệu đồng/lượng (mua vào) và tăng 1,3 triệu đồng lên 47,60 triệu đồng/lượng (bán ra).

Giá vàng 9999, vàng SJC hôm nay 4/3 tăng vọt thêm 1,3 triệu đồng/lượng
Giá vàng 9999, vàng SJC hôm nay 4/3 tăng vọt thêm 1,3 triệu đồng/lượng

Giá vàng 9999 của Phú Quý hôm nay 4/3 cũng tăng mạnh, niêm yết 4.560.000 đồng một chỉ (mua vào) và 4.650.000 đồng một chỉ (bán ra).

Giá vàng 9999 hôm nay 4/3 của công ty tập đoàn vàng bạc đá quý Sài Gòn tại thị trường TP.HCM tăng lên 4.600.000 đồng một chỉ (mua vào) và 4.700.000 đồng một chỉ (bán ra).

Giá vàng ta hôm nay 4/3 niêm yết chiều mua vào 4.600.000 đồng một chỉ, bán ra 4.700.000 đồng một chỉ.

Giá vàng thế giới hôm nay 4/3

Đêm 3/3 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay đứng ở mức 1.602 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 4 năm 2020 trên sàn Comex New York đứng ở mức 1.604 USD/ounce. Giá vàng hôm nay cao hơn 24,9% (319 USD/ounce) so với đầu năm 2019.

Giá vàng thế giới tiếp tục tăng mạnh sau cú sụt giảm vào tuần trước. Vàng tăng giá chủ yếu do mặt hàng kim loại quý vẫn được xem là kênh trú bão trong bối cảnh ngân hàng trung ương các nước đồng loạt có động thái nới lỏng chính sách tiền tệ.

Hầu hết các ông lớn như Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB), Ngân hàng Trung ương Anh, Nhật… đều đã đưa ra những gợi ý về sự thay đổi chính sách tiền tệ trong các cuộc họp sắp tới.

Làn sóng cắt giảm lãi suất đã rõ hơn bao giờ hết và là lực đẩy mạnh cho mặt hàng kim loại quý.

Hôm 3/2, Ngân hàng Dự trữ Australia - Ngân hàng Trung ương của Úc (RBA) đã quyết định cắt giảm lãi suất cơ bản bớt 25 điểm phần trăm xuống mức thấp kỷ lục mới: 0,5%, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang ngày càng đe dọa trực tiếp đến nền kinh tế thế giới và nước này.

Trước đó, TTCK Úc đã chứng kiến những phiên tụt giảm mạnh và vốn hóa của thị trường này đã bốc hơi khoảng 130 tỷ USD. Đồng đô-la Úc xuống mức thấp nhất trong hơn một thập niên gần đây.

Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cũng vừa đưa ra tuyên bố cho biết Fed sẽ “hành động phù hợp” để hỗ trợ nền kinh tế. Các tín hiệu trên thị trường cho thấy, Fed có thể giảm lãi suất 50 điểm phần trăm trong cuộc họp ngày 17-18/3 tới.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nhiều khả năng cũng sẽ giảm lãi suất trong tuần tới.

Chính phủ Đức cũng cho biết đã sẵn sàng khởi động gói kích thích tài khóa của nước này nếu tình hình tiếp tục xấu đi.

Trong khi đó, Ngân hàng trung ương Nhật cũng sẽ có “những biện pháp cần thiết” để bình ổn thị trường tài chính.

Trước đó, Trung Quốc đã giảm lãi suất và bơm một lượng tiền lớn vào thị trường.

Dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đã lan rộng trên phạm vi toàn cầu và tác động mạnh tới nền kinh tế thế giới. Nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh lây lan đã khiến kinh tế ở nhiều khu vực đình trệ, chuỗi cung ứng toàn cầu bị ngắt quãng và hệ thống tài chính thế giới bị đe dọa.

TTCK trong tuần trước đã chứng kiến những phiên sụt giảm liên tục và vốn hóa trên các thị trường bốc hơi khoảng 5 ngàn tỷ USD.