Giải cứu hàng trăm dự án bất động, những thách thức chưa có tiền lệ

Để có được nguồn vốn hàng trăm nghìn tỷ đồng, bảo đảm cho mục tiêu tăng trưởng từ 10% trở lên, TP. HCM lên kế hoạch tháo gỡ các dự án, công trình tồn đọng, bao gồm cả công và tư.

UBND TP. HCM đã tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo về các dự án đầu tư, công trình đang gặp khó khăn, vướng mắc cần thiết phải kiến nghị các cơ quan Trung ương xem xét, giải quyết hoặc hướng dẫn giải quyết.

Đây là các dự án, công trình không bao gồm các dự án, công trình đang được các ban chỉ đạo, tổ công tác khác của Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành chỉ đạo tháo gỡ.

Theo đó, danh mục này gồm 12 công trình, dự án lớn tồn đọng, vướng mắc kéo dài, trong đó có 6 dự án đầu tư thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng 3 dự án, 3 tài sản công vướng mắc thuộc thẩm quyền giải quyết của bộ.

TP. HCM lên kế hoạch tháo gỡ các dự án, công trình tồn đọng, bao gồm cả công và tư

TP. HCM đã thống kê 66 dự án bất động sản vướng mắc, kéo dài, trong đó thành phố đã giải quyết được 34 dự án, còn 32 dự án cần tiếp tục giải quyết. Đồng thời, có 200 dự án khác đang tập hợp thông tin để tiếp tục báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Trong năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ban hành Quyết định số 1568/QĐ-TTg ngày 12/12/2024 kiện toàn Ban Chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án; Công điện số 112/CĐ-TTg ngày 6/11/2024 về tập trung giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng, dừng thi công, khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát.

Theo đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các thành viên Ban Chỉ đạo 1568 và lãnh đạo TP. HCM đã thảo luận hướng xử lý các vướng mắc tại các dự án.

Cụ thể, dự án đô thị Đại học Quốc tế (xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn) đã được Chính phủ xem xét, chỉ đạo hướng giải quyết.

Với 5 dự án còn lại, trong đó có dự án chống ngập trị giá 10.000 tỷ đồng, các bộ, ngành, TP. HCM và các địa phương đang đề xuất điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách, Chính phủ sẽ ban hành 1 nghị quyết để tháo gỡ.

Thủ tướng chỉ đạo TP. HCM tiếp tục căn cứ Nghị quyết 40/NQ-CP năm 2021 của Chính phủ về tiếp tục triển khai dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP. HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1; Nghị quyết 98 năm 2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. HCM; và Nghị quyết mới của Chính phủ, xử lý theo thẩm quyền để các dự án tiếp tục thực hiện.

Với 200 dự án khác đang được thống kê, Thủ tướng yêu cầu TP. HCM tiếp tục phân loại, làm rõ thẩm quyền xử lý, đề xuất phương án theo các luật mới được ban hành, Nghị quyết 98 của Quốc hội và các nghị định hướng dẫn của Chính phủ.

Với 32 dự án bất động sản còn lại và các dự án vướng mắc, kéo dài khác có thể tiếp tục được rà soát, thống kê thời gian tới, TP. HCM tiếp tục xử lý theo các quy định, tiền lệ đã có. Còn các dự án chưa có quy định, chưa có tiền lệ thì tiếp tục báo cáo, đề xuất có thẩm quyền.

Để thúc đẩy các dự án, TP.HCM sẽ áp dụng công thức 1-3-7 và 3-3 để tháo gỡ vướng mắc ở các dự án bất động sản, tập trung giải ngân đầu tư công, thu hút đầu tư vào dự án lớn để đạt được tốc độ tăng trưởng 2 con số trong năm 2025.

Cụ thể, Thành phố áp dụng công thức 1-3-7 trong việc giải quyết xử lý hồ sơ tồn đọng với các mốc thời gian rất chi tiết. Tiếp nhận, phân công cán bộ thực hiện trong 1 ngày; phối hợp xử lý trong 3 ngày; thời hạn hoàn thành mỗi công việc không quá 7 ngày.

Đối với các Tổ công tác, sẽ áp dụng công thức 3-3, giải quyết sự việc họp không quá 3 lần; mỗi lần họp không cách nhau quá 3 tuần.

Năm 2025, TP. HCM sẽ triển khai quy hoạch thành phố đã được Thủ tướng phê duyệt để triển khai các dự án trọng điểm gắn với triển khai các Trung tâm Tài chính quốc tế; dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, Vành đai 4 và đường sắt đô thị; phối hợp để triển khai các công trình trọng điểm như Nhà ga T3, Vành đai 3 cơ bản hoàn thành vào cuối năm 2025.

TP. HCM sẽ hoàn thiện và đưa vào khai thác Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo của thành phố gắn với phát huy hoạt động của Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 trong mạng lưới của Diễn đàn Kinh tế thế giới; phối hợp với Bộ Khoa học - Công nghệ để đưa Trung tâm Khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo quốc gia phía Nam vào hoạt động.

Theo VietnamFinance