Giám đốc lên kế hoạch cho cái chết, rồi nhập viện tâm thần vì vỡ nợ, không bán được bất động sản

Đứng trước sức ép về tài chính, thất bại trong công việc, nhiều đại gia, chủ doanh nghiệp gặp các vấn đề về tâm lý, tâm thần nhưng không chấp nhận việc mình mắc bệnh, không chịu điều trị, thậm chí lên kế hoạch cho việc ra đi.

Không ít giám đốc, chủ tịch bị tầm thân nhưng điều trị lại không dễ

Hiện nay, các loại dịch bệnh mới nổi đang chiếm được nhiều sự quan tâm. Tuy nhiên, các bệnh không lây nhiễm chiếm tỉ lệ lớn trong dân số nhưng vẫn chưa được quan tâm đúng mức, trong đó có các rối loạn tâm thần.

TS.BS Trần Thị Hồng Thu - Phó giám đốc BV Tâm thần Ban ngày Mai Hương (Hà Nội) cho biết, không chỉ xuất hiện nhiều trong giai đoạn COVID-19 mà rối loạn tâm thần luôn tồn tại từ rất lâu, theo đó có đến 1/4 dân số đang gặp các vấn đề về stress, lo âu, trầm cảm…

Tuy nhiên, con số đi khám và được bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán lại đang rất khiêm tốn. Như vậy, có thể thấy tiềm ẩn bệnh lý tâm thần giống như một “quả bom nổ chậm”, bị kích hoạt thành bệnh bất cứ lúc nào và có thể gặp ở bất cứ ai.

Bác sĩ Hồng Thu lưu ý, không phải chỉ giới trẻ, phụ nữ sau sinh, mà bất cứ ai cũng có thể gặp phải những rối loạn tâm thần, lúc này hay lúc khác trong suốt cuộc đời. Đặc biệt, ngay cả với những người quản lý tầm cỡ, chẳng hạn lãnh đạo các doanh nghiệp hoàn toàn có nguy cơ mắc rối loạn tâm thần.

Thực tế, có không ít vụ việc tự tử mà nạn nhân là giám đốc, chủ tịch các công ty, doanh nghiệp từng xảy ra. Nguyên nhân sau đó được biết đến có thể do áp lực công việc, áp lực kinh tế hay kinh doanh thua lỗ, vỡ nợ… Ngoài ra, nhóm các đối tượng nói trên được phát hiện và điều trị nội trú tại các bệnh viện tâm thần điều trị cũng không hề ít.

hong-thu1-1653650757.jpg

TS Hồng Thu cho biết, với những người có học vấn, việc điều trị bệnh tâm thần đôi khi khá khó khăn. 

“Mắc bệnh thể chất là một điều tự nhiên, muốn được chia sẻ bao nhiều thì mắc bệnh tâm thần lại chỉ muốn giấu đi. Chẳng ai muốn chia sẻ bệnh lý tâm thần của mình, trong đó bao gồm các doanh nhân. Là người quản lý cấp cao của doanh nghiệp mà để người khác biết mình đang có vấn đề tâm thần sẽ rất lo ngại đến hình ảnh, uy tín của cá nhân nói riêng và doanh nghiệp nói chung. Giấu bệnh là điều rất nguy hiểm vì “sự cố” sẽ xảy ra bất cứ lúc nào, khi đó điều trị sẽ khó khăn, thời gian phục hồi lâu”, bác sĩ Hồng Thu chia sẻ.

Bác sĩ Hồng Thu từng khám và điều trị cho khá nhiều đại gia, một trong số đó là trường hợp kinh doanh bất động sản ở Hà Nội. Người bệnh nhập viện trong tình trạng loạn thần do sử dụng rượu, sợ hãi vô cớ, mê sảng, run, bồn chồn cực độ, mất ngủ kéo dài… Trước đó bệnh nhân từng là giám đốc một công ty bất động sản và có một gia đình hạnh phúc, được nhiều người thần tượng, ngưỡng mộ.

Thời gian đầu kinh doanh, thị trường của vị giám đốc này liên tục được mở rộng, tăng trưởng lợi nhuận nhanh chóng mặt và từng là hình mẫu cho nhiều người học hỏi. Sau đó vài năm, khi thị trường bất động sản lao dốc, vì ôm quá nhiều nhà đất nên việc làm ăn của đại gia này bắt đầu rơi vào khủng hoảng.

“Gia đình chia sẻ, thời điểm đó đất nhiều vô kể nhưng bán không ai mua, dù thời điểm trước mua vào không hề rẻ, rồi nhà xây không bán được. Việc kinh doanh bết bát, bệnh nhân nợ nần ngập đầu, phải bán cả ô tô, cầm cố các bất động sản vẫn không đủ trả nợ ngân hàng”, bác sĩ Thu kể lại.

hong-thu-1653650865.jpg

Rất nhiều trường hợp bị rối loạn lo âu, trầm cảm nhập viện tâm thần do bị phá sản trong công việc.

Kinh doanh thua lỗ cũng là lúc gia đình lục đục. Vốn đã là người thích nhậu, người đàn ông này càng lún sâu vào vũng lầy nghiện rượu. Không còn thú vui gì khác ngoài bia rượu, ông ngày càng trở nên bê tha, sống khép kín, thường xuyên suy nghĩ tiêu cực, mặc cảm tội lỗi, cho rằng mình là gánh nặng cho gia đình, con cái. “Với khoản nợ khổng lồ có lẽ đến hết đời con tôi cũng không trả được, tôi đã nghĩ đến cái chết và từng lên kế hoạch tỉ mỉ để kết thúc cuộc đời”, bệnh nhân chia sẻ với bác sĩ.

May mắn là, gia đình sau đó phát hiện và đưa ông đến bệnh viện tâm thần thăm khám, điều trị. Sau một thời gian điều trị nội trú, tinh thần bệnh nhân ổn định dần. Hiện bệnh nhân đã quay trở lại công việc kinh doanh, nhưng khó có thể tìm lại được ánh “hào kim” khi xưa.

Người thân có vai trò vô cùng quan trọng trong việc phát hiện sớm

Bác sĩ Hồng Thu cho biết, thời gian vừa qua, do ảnh hưởng dịch bệnh nên số bệnh nhân là doanh nhân, nhà đầu tư, chủ doanh nghiệp đến nhập viện tâm thần có xu hướng gia tăng hơn trước. Nguyên nhân có liên quan tới sự nghiệp sa sút, phá sản, khủng hoảng kinh tế, đầu tư thất bát, tổn hao tiền bạc, suy sụp tinh thần, xuất hiện các triệu chứng lo âu, trầm cảm.

“Nhóm đối tượng này mắc bệnh có thể do thường xuyên gặp stress, áp lực cao trong công việc, nhưng không điều chỉnh kịp thời, hợp lý, rơi vào tình trạng mệt mỏi, kiệt sức. Lo âu quá mức làm xuất hiện các chứng đau không rõ nguyên nhân, đau đầu dai dẳng, hội chứng tiền đình, rối loạn thần kinh, rối loạn thần kinh thực vật, mất ngủ, thoái hóa cột sống hoặc đĩa đệm, đi khám chữa nhiều chuyên khoa không kết quả. Nhiều trường hợp nhanh chóng mắc trầm cảm điển hình với khí sắc trầm buồn, mất năng lượng, suy nghĩ bi quan, tiêu cực, cảm giác bế tắc không lối thoát…”, TS Hồng Thu chia sẻ.

Với nhóm đối tượng này, để giải thích cho họ tuân thủ điều trị không hề đơn giản, họ quá tự tin, không thừa nhận bản thân mắc bệnh. Đến khi gia đình đưa vào viện thì đã muộn, thậm chí có nhiều người tìm đến cái chết nhưng may mắn được phát hiện và ngăn cản.

giam-doc1-1653650711.jpg

Áp lực công việc, kinh tế khiến những chủ doanh nghiệp luôn phải đối mặt với bệnh tâm thần. (Ảnh minh họa)

Từ những phân tích trên, bác sĩ Thu cho rằng vai trò của người thân trong việc phát hiện, động viên, chia sẻ và đưa bệnh nhân đến viện để được thăm khám kịp thời là rất quan trọng. Các nhà quản lý mỗi khi gặp trục trặc trong công việc, hãy cảnh giác những triệu chứng cảnh báo bệnh lý tâm thần có thể mắc như lo âu, trầm cảm biểu hiện bằng mệt mỏi, mất ngủ, bồn chồn, chán ăn - ăn không ngon miệng, sút cân hoặc tăng cân bất thường, dễ cáu kỉnh, mất tập trung công việc …

Kèm theo người bệnh có thể phàn nàn về đau mỏi cơ khớp, cơn vã mồ hôi, hồi hộp trống ngực, đau dạ dày hoặc triệu chứng trào ngược, nhói tim… Người nhà nên tiếp cận một cách tinh tế nhằm “xốc” lại tinh thần cho họ. Đặc biệt, nếu các triệu chứng trên xuất hiện nhiều hơn 2 tuần thì cần phải khám bác sĩ chuyên khoa, để được điều trị đúng.

Bác sĩ cảnh báo, hậu quả có thể rất nghiêm trọng nếu trầm cảm không được điều trị. Nên cho người nhà thăm khám sức khỏe tâm thần, có thể cho khám với một hoặc nhiều bác sĩ chuyên khoa tâm thần để khẳng định sự tin cậy về chẩn đoán.

Do thái độ kỳ thị bệnh tâm thần vẫn chưa được loại bỏ hoàn toàn, chúng ta cũng nên thận trọng khi kể với người khác về bệnh trầm cảm của người thân. Người ngoài có thể phán xét vội vàng nếu họ không hiểu đầy đủ vấn đề.

Để giữ được tinh thần, thái độ lạc quan, hạn chế tối đa những rối loạn lo âu, trầm cảm, TS.BS Trần Thị Hồng Thu chia sẻ một số lời khuyên:

- Nghiêm túc với bản thân;

- Độ lượng với người khác;

- Yêu công việc mình làm;

- Yêu điểm tốt của người khác;

- Tăng phút vui cười, giảm phút buồn bực;

- Luôn lạc quan, yêu đời, yêu lao động, giúp đỡ mọi người.

Lê Phương