Giám đốc Sở Y tế Hà Nội: Người dân cần cân nhắc lợi ích của việc tiêm mũi 4

Hà Nội đã trải qua 70 đợt tiêm chủng, với gần 19 triệu mũi vắc-xin đã được tiêm, huy động sự vào cuộc của tất cả y tế công lập.

Để hiểu rõ hơn về công tác tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi 3, 4 trên địa bàn Thủ đô, Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với TS.BS Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội.

Đối thoại - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội: Người dân cần cân nhắc lợi ích của việc tiêm mũi 4

TS.BS Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội.

NĐT: Thưa bà, tới thời điểm hiện tại, Hà Nội đã có bao nhiêu người tiêm vắc-xin Covid-19 mũi 2? Có bao nhiêu người tiêm vắc-xin mũi 3? Số người cần tiêm vắc-xin covid-19 mũi 3, mũi 4 tại Hà Nội hiện là bao nhiêu?

TS.BS Trần Thị Nhị Hà: Thực hiện Phương án của UBND thành phố Hà Nội, Thành phố đã triển khai tổ chức tiêm chủng vắc-xin Covid-19 cho người dân trên toàn địa bàn.

Đến nay, đã tiêm được 19.174.980 mũi (bao gồm 1.521.357 mũi của các Bệnh viện Trung ương trên địa bàn). Cụ thể:

Số người đã được tiêm mũi 2 vắc-xin phòng Covid-19 tại Hà Nội là: 6.807.237 người.

Trong đó có 4.515.490 người đã được tiêm mũi nhắc lại lần 1 (mũi 3)/ trong tổng số 4.664.430 cần tiêm.

Hiện tại, Hà Nội đã tiến hành tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi nhắc lại lần 2 (mũi 4), kết quả đã tiêm được cho 366.811 người/ 1.579.720 đối tượng cần tiêm (23,2%).

NĐT: Sau khi tiêm mũi 2 vắc-xin Covid-19 thì bao lâu phải tiêm vắc-xin mũi 3? Nếu sắp tới ngày tiêm vắc-xin theo lịch mà bị ốm hoặc bị Covid-19 thì có nên tiêm vắc xin không và nên tiêm như thế nào, thưa bà?  

TS.BS Trần Thị Nhị Hà: Theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại công văn số 3309 ngày 23/6/2022 tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi nhắc lại lần 1 (mũi 3) sẽ tiêm cho trẻ em từ 12-17 tuổi và người từ 18 tuổi trở lên, tuy nhiên lịch tiêm của các nhóm đối tượng là khác nhau.

Với trẻ từ 12-17 tuổi, mũi ba cách mũi hai 5 tháng

Với người từ 18 tuổi trở lên, mũi 3 cách mũi hai từ 3 tháng

Các cá nhân đủ điều kiện tiêm chủng rất cần thực hiện tiêm chủng vắc-xin Covid-19 mũi 3, mũi 4 để phòng chống dịch. Với người đã đến lịch tiêm nhưng mắc Covid-19: trẻ em từ 12-17 tuổi sẽ trì hoãn sau mắc 3 tháng, người từ 18 tuổi trở lên tiêm sau khi phục hồi và hoàn thành cách ly y tế.

Đối thoại - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội: Người dân cần cân nhắc lợi ích của việc tiêm mũi 4 (Hình 2).

Trẻ em từ 12-17 tuổi nếu đến lịch tiêm vắc-xin Covid-19 nếu bị nhiễm Covid sẽ trì hoãn sau mắc 3 tháng.

NĐT: Vậy theo bà, sau khi tiêm mũi 3 vắc-xin Covid-19 thì sau bao lâu phải tiêm vắc-xin mũi 4?

TS.BS Trần Thị Nhị Hà: Hiện tại, việc tiêm mũi 4 (mũi nhắc lại lần 2) chỉ áp dụng cho người từ 18 tuổi trở lên (đã tiêm 3 mũi vắc xin phòng Covid-19), lịch tiêm của mũi 4 cách mũi 3 từ 4 tháng trở lên.

Tuy nhiên, nếu người đến lịch tiêm nhưng bị ốm (không phải Covid-19) thì cần trì hoãn tiêm đến khi nào khỏi bệnh, nếu người đó mắc Covid-19 thì cần đảm bảo đồng thời cách thời gian mắc (tính theo ngày khỏi) ít nhất 3 tháng.

NĐT: Hiện nay, Hà Nội đã nhận được vắc-xin để tiêm mũi 3 và mũi 4 hay chưa, thưa bà? Công tác bảo quản vắc-xin được triển khai như thế nào?

TS.BS Trần Thị Nhị Hà: Tp. Hà Nội đã xây dựng kế hoạch tiêm nhắc lại lần 1 (mũi 3) từ tháng 12/2021 và kế hoạch tiêm nhắc lại lần 2 (mũi 4) từ tháng 6 năm 2022. Ngay sau khi có kế hoạch của UBND Tp. toàn thành phố đã đồng loạt tiếp nhận vắc-xin và đã triển khai tiêm cho người dân trên địa bàn theo tiến độ phân vắc-xin của Bộ Y tế.

Đã tiêm: 4.515.490 mũi/ 4.664.430 mũi nhắc lại lần 1 (mũi 3) (đạt 96,8%) và 366.811 mũi nhắc lại lần 2 (mũi 4).

Đối với công tác bảo quản vắc-xin: tất cả vắc-xin Covid-19 được bảo quản ở nhiệt độ từ +2 đến +8 độ C theo đúng hướng dẫn Bộ Y tế tại các kho lạnh của CDC Hà Nội, các tủ bảo quản vắc-xin chuyên dụng từ Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã đến Trạm Y tế xã, phường, thị trấn với sự giám sát thường xuyên chặt chẽ.

Ngoài ra, Bộ Tư lệnh Thủ đô còn có kho bảo quản âm sâu để đáp ứng khi có số lượng lớn vắc-xin cấp cho Tp. 

Đối thoại - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội: Người dân cần cân nhắc lợi ích của việc tiêm mũi 4 (Hình 3).

Tất cả vắc-xin Covid-19 được bảo quản ở nhiệt độ từ +2 đến +8 độ C theo đúng hướng dẫn Bộ Y tế.

NĐT: Vậy, Hà Nội đã có kế hoạch tiêm vắc-xin cụ thể cho các nhóm đối tượng: người cao tuổi, người trưởng thành, trẻ em trên 12 tuổi như thế nào, thưa bà?

TS.BS Trần Thị Nhị Hà: Với các nhóm đối tượng cụ thể, Hà Nội luôn xây dựng kế hoạch tiêm từ cấp UBND đến Sở Y tế, kế hoạch liên ngành (phối hợp GD&ĐT, Lao động-TB&XH đối với tiêm trẻ em).

Với các đối tượng dễ tổn thương như người từ 50 tuổi trở lên, đây là nhóm đối tượng ưu tiên trong các đợt tiêm liều cơ bản, tiêm bổ sung và nhắc lại lần 1 (mũi 3) cũng như kế hoạch tiêm nhắc lại lần 2 (mũi 4) của thành phố.

Với trẻ em, không chỉ trẻ từ 12 tuổi trở lên mà ngay cả trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi thành phố cũng xây dựng các KH tiêm cụ thể, chi tiết, Sở Y tế phối hợp với các sở ngành xây dựng kế hoạch liên ngành tiêm các mũi cơ bản cho trẻ. Về tiêm nhắc lại (mũi 3) cho trẻ 12 -17 tuổi, UBND Tp. đã ban hành kế hoạch số 191 ngày 8/7/2022. 

NĐT: Những đợt tiêm vắc-xin Covid-19 trước đây, có ghi nhận phản ứng nặng sau tiêm tại Hà Nội hay không? Gần đây, Hà Nội ghi nhận số người mắc covid-19 biến thể mới BA.5, Hà Nội có kế hoạch phòng, chống như thế nào?  

TS.BS Trần Thị Nhị Hà: Việc tiêm chủng vắc-xin phòng bệnh luôn có một tỉ lệ nhất định các trường hợp tai biến và tai biến nặng sau tiêm và tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 trên thế giới cũng không phải ngoại lệ.

Hà Nội đã trải qua 70 đợt tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19, cũng đã ghi nhận một số trường hợp tai biến nặng sau tiêm. Tuy nhiên, điều đó không ảnh hưởng đến sự hưởng ứng của người dân đối với công tác tiêm chủng, phòng chống dịch bệnh cũng như tỉ lệ tiêm của thành phố.

Theo thông báo của bệnh viện Bạch Mai đã ghi nhận 3 trường hợp có kết quả dương tính với biến thể mới BA.5.

Thành phố Hà Nội đang chỉ đạo tiếp tục giám sát và giải trình tự gene các trường hợp nghi ngờ và tham mưu triển khai các biện pháp đáp ứng phòng chống dịch đối với sự xuất hiện của biến thể này.

Đối thoại - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội: Người dân cần cân nhắc lợi ích của việc tiêm mũi 4 (Hình 4).

Người từ 18 tuổi trở lên cách mũi 3 từ 4 tháng trở lên tùy theo từng loại vắc-xin.

NĐT: Nhiều người dân cho rằng, đã tiêm vắc-xin Covid-19 mũi 1, mũi 2, mũi 3 và công thêm việc đã bị nhiễm Covid-19 thời gian vừa qua nên ngần ngại tiêm vắc-xin mũi thứ 4 vì sợ sẽ bị phản ứng sau tiêm. Suy nghĩ này có đúng không thưa bà? Bà có lời khuyên gì cho người dân?

TS.BS Trần Thị Nhị Hà: Thực tế trên địa bàn thành phố Hà Nội đã xuất hiện tâm lý người dân về việc đã bị bệnh và đã tiêm chủng 3 mũi nên không muốn tiêm mũi 4.

Tuy nhiên, để đáp ứng công tác phòng chống dịch bệnh, tránh việc chủ quan lơ là. người đã tiêm 1, 2 hoặc 3 mũi vắc-xin vẫn cần thiết tiêm thêm mũi 4, đặc biệt nhóm người có nguy cơ cao mắc Covid-19, do kháng thể sau tiêm bất kể một loại vắc-xin nào cũng sẽ giảm dần theo thời gian và khi giảm xuống dưới ngưỡng bảo vệ sẽ không thể bảo vệ bạn trước dịch bệnh.

Việc cần tiêm như thế nào, tiêm sau bao lâu đã được Bộ Y tế quyết định dựa trên các bằng chứng khoa học, các "chứng cứ phát hiện bệnh".

Bạn vẫn nên tiêm vắc-xin ngay cả khi bạn đã từng nhiễm Covid-19 trước đó. Mặc dù,những người hồi phục sau khi nhiễm Covid-19 có kháng thể tự nhiên nhưng vẫn không chắc chắn khả năng miễn dịch đó kéo dài bao lâu hoặc có thể bảo vệ bạn chống lại sự tái nhiễm Covid-19 tốt như thế nào.

Vắc-xin cung cấp sự bảo vệ đáng tin cậy hơn, đặc biệt là chống lại biến chuyển nặng dẫn đến tử vong.

Phản ứng sau tiêm chủng là khác nhau tùy thuộc vào cách phản ứng của cơ thể mỗi người và liên quan các yếu tố khác như độ tuổi, giới tính. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng nào chứng mình rằng tiêm mũi 4 sẽ có phản ứng mạnh hơn các mũi trước đây. Do đó, người dân cần cân nhắc lợi ích phòng bệnh của việc tiêm mũi 4 trước nguy cơ dịch bệnh vẫn có thể tái diễn. 

NĐT: Công tác chuẩn bị tại các điểm tiêm vắc-xin như thế nào thưa bà? Nếu xảy ra phản ứng phụ của vắc-xin, Hà Nội có phương án như thế nào (thuốc, vật tư y tế trong công tác cấp cứu, xe cứu thương)?

TS.BS Trần Thị Nhị Hà: Hà Nội đã trải qua 70 đợt tiêm chủng, với gần 19 triệu mũi vắc-xin đã được tiêm, huy động sự vào cuộc của tất cả y tế công lập (từ tuyến Trung ương, Tp, quận, huyện, thị trấn đến xã, phường, thị trấn), y tế tư nhân trên địa bàn.

Do đó, trong thời gian tới, nhiệm vụ trọng tâm là tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi nhắc lại cho trẻ 12-17 tuổi, tiêm nhắc lại lần 2 cho người từ 18 tuổi trở lên, Hà Nội luôn sẵn sàng đáp ứng đủ nhân lực, trang thiết bị cần thiết.

Trong quá trình triển khai tiêm chủng, đảm bảo tổ chức buổi tiêm chủng an toàn: có các đội cấp cứu tại nơi tổ chức tiêm vắc-xin Covid-19, huy động các tổ cấp cứu lưu động theo phương án 170 ngày 21/7/2021 của UBND Tp hà Nội;

Trong ngày triển khai tiêm chủng, Trung tâm Y tế chịu trách nhiệm thông báo thời gian tiêm tới các bệnh viện đóng trên địa bản để hỗ trợ tiêm, bố trí tổ cấp cứu, thường trực cấp cứu các trường hợp sự cố bất lợi sau tiêm chủng.

NĐT: Trân trọng cảm ơn bà.